Vi Khải là một doanh nhân người Việt gốc Hoa nổi tiếng một thời tại Sài Gòn - Chợ Lớn. Tên tuổi của ông không chỉ được biết đến với thương hiệu Nhị Thiên Đường vang danh đến tận ngày nay mà còn gắn liền với cầu Nhị Thiên Đường…
Năm 1932, Vi Khải được Pháp trao tặng Huân chương Long bảo tĩnh về những cống hiến trong phòng và chữa bệnh. Năm 1933, ông được ghi tên vào Niên giám Đông Dương do có nhiều thành tựu và cống hiến. Ông chủ Công ty Thuốc Nhị Thiên Đường còn được vua Bảo Đại và vua Campuchia trao thưởng một số huân chương.
Không chỉ nổi tiếng trong giới kinh doanh dược phẩm của Việt Nam đầu thế kỷ XX, Vi Khải còn là một nhà từ thiện có đóng góp rất lớn đối với xã hội Việt Nam. Một trong những di sản còn lại đến ngày nay ở TP.HCM của Vi Khải là cây cầu Nhị Thiên Đường tại phường 12, quận 8. Vào năm 1925, Vi Khải đề xuất với chính quyền thuộc địa ông sẽ góp tiền xây cầu Nhị Thiên Đường bắc qua kênh Đôi, nối liền trục giao thông từ Cần Giuộc - Sài Gòn để thuận tiện cho người dân qua lại.
Cầu Nhị Thiên Đường nằm trên đường Tùng Thiện Vương, kết cấu bằng bê tông cốt thép. Nét kiến trúc nổi bật của cầu là hai hàng cột màu xanh, xếp song song từ đầu đến cuối hai bên thành cầu. Phần vòm dưới dạ cầu được thiết kế theo nhiều cây cầu của Pháp vào thời điểm đó, tạo nên sự khác biệt giữa nó với những cây cầu khác.
Vào thời điểm cầu được xây dựng đã có nhiều chuyện kể về tên của cây cầu. Có chuyện cho rằng trước đây nhà máy sản xuất Đông dược và dầu Nhị Thiên Đường nằm ở bên phía đường Trần Hưng Đạo và Nguyễn Văn Dũng, còn công nhân thì ở khu vực ngoại thành phía bên kia kênh Đôi. Hằng ngày, công nhân phải đi đò, rất mất thời gian và nguy hiểm. Vì thương nhân viên, ông chủ Nhị Thiên Đường quyết định bỏ tiền cùng với chính phủ Nam kỳ xây nên cây cầu này. Cũng có chuyện cho rằng khi xây cầu thì chính phủ Nam kỳ vận động ông chủ Nhị Thiên Đường ủng hộ một phần tiền để đổi lấy việc đặt tên cầu chứ không phải toàn bộ kinh phí xây cầu vì số tiền này rất lớn.
Dù những chuyện ấy có thực sự chính xác hay không không quan trọng, quan trọng là cho đến hôm nay, cầu Nhị Thiên Đường vẫn là một công trình giao thông mang tính lịch sử của TP.HCM. Cầu không chỉ giúp ích cho việc đi lại của người dân mà còn ghi dấu ấn lịch sử trong thời kỳ Nam bộ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trải qua gần một thế kỷ với nhiều thăng trầm lịch sử, cầu Nhị Thiên Đường xuống cấp. Vì vậy, năm 2003, chính quyền TP.HCM đã cho xây dựng cầu Nhị Thiên Đường 2 nhằm giảm áp lực cho cầu Nhị Thiên Đường hiện hữu. Năm 2017, cầu Nhị Thiên Đường được tu sửa với mức đầu tư 163 tỷ đồng và hoàn thành vào ngày 19/10 sau 9 tháng thi công. Sau khi tu sửa và nâng cấp, cầu Nhị Thiên Đường nằm song song thay vì tách biệt với với cầu Nhị Thiên Đường 2 như trước kia.
Ngoài việc ủng hộ tài chính để xây cầu, Vi Khải cùng với ông Huỳnh Tăng Chánh (con trai ông Hứa Bổn Hòa) và ông Francois Tam Assou (giám mục nhà thờ Cha Tam, Chợ Lớn) đã quyên góp 500 đồng Đông Dương vào quỹ cứu tế nạn lụt ở Trung kỳ năm 1932. Năm 1937, khi quân Nhật xâm lược Trung Quốc và chiến tranh Trung - Nhật nổ ra, Vi Khải cùng vợ là bà Đặng Thoại Châu và nhiều Hoa kiều tại Chợ Lớn tổ chức quyên góp tài chính cho nạn nhân chiến tranh chống Nhật thông qua Hội Phụ nữ cứu tế Trung Hoa. Tờ Tràng An báo số ngày 10/9/1937 có đăng bài về vợ chồng doanh nhân Vi Khải như sau: “Ông Vi Khải đã giao cho nhà băng “Bank of East Asia” một vạn đồng gởi về chánh phủ Nam Kinh để giúp cho đồng bào bị nạn binh hỏa. Vi Khải phu nhơn là bà Đặng Thoại Châu cũng giàu lòng hy sinh như chồng. Cái cử chỉ của bà lại đáng phục hơn nữa. Bà Thoại Châu đã đem những đồ nữ trang quí giá giao cho Hội Phụ nữ cứu tế Trung Hoa để giúp cho nạn nhân vì chiến tranh. Một chiếc nhẫn nhận hoàn chiếu, một chiếc vòng nhận hoàn chiếu, một đôi vòng khảm ngọc bích, một chuỗi vòng cổ bằng hột trai và một chiếc vòng vàng. Bấy nhiêu thứ ấy là của hồi môn của bà”.
Đến những năm 1940, khi quân đội Nhật tràn vào Đông Dương, Vi Khải đưa gia đình rời Việt Nam sang Hồng Kông lánh nạn. Dù vậy, ông vẫn tiếp tục điều hành công việc kinh doanh Công ty Thuốc Nhị Thiên Đường.
Năm 1944, ông Vi Khải đột ngột qua đời tại Hồng Kông, hưởng dương 50 tuổi. Công việc kinh doanh thuốc được kế thừa bởi hai con trai của ông là Vi Cơ Trạch và Vi Cơ Ân. Đến những năm đầu thập niên 1970, thuốc Nhị Thiên Đường của dòng họ Vi vẫn tiếp tục được bán trên thị trường Việt Nam. Đối với người dân Sài Gòn - Chợ Lớn nói riêng và các tỉnh - thành Việt Nam nói chung, các loại thuốc của Công ty Thuốc Nhị Thiên Đường, mà đặc biệt là dầu Nhị Thiên Đường đã đi vào đời sống thường ngày và là biểu tượng của một nhãn hiệu dược phẩm vang danh một thời.
Sau ngày 30/4/1975, do có quá nhiều sản phẩm Nhị Thiên Đường giả xuất hiện trên thị trường nên chính quyền TP.HCM đã khuyến khích ông Lâm Vinh Thọ (người được dòng họ Vi ủy quyền sản xuất thuốc tại Việt Nam) sản xuất lại dầu Nhị Thiên Đường chính hãng. Tuy nhiên, đến năm 1976, dầu Nhị Thiên Đường phải ngừng sản xuất do thiếu nguyên liệu. Đến ngày 22/6/1991, ông Lâm Vinh Thọ chính thức chấm dứt quyền sử dụng tên và nhãn hiệu Nhị Thiên Đường. Mãi đến năm 2012, thương hiệu Nhị Thiên Đường (Công ty TNHH Đông Nam Dược Nhị Thiên Đường) đã được doanh nhân Lê Thị Giàu mua lại và tiếp nối. Vào năm 2023, sau 50 năm vắng bóng tại thị trường Việt Nam, dầu Nhị Thiên Đường đã chính thức quay trở lại để phục vụ nhu cầu của người dân và làm sống lại một thương hiệu đã từng vang bóng một thời.
Hoặc