Ông là John Wallace, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV RAPEXCO - Đại Nam (Công ty Rapexco), một người Mỹ phản chiến thầm lặng trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, có mẹ là người phụ nữ Mỹ phản chiến nhiệt thành.
Tốt nghiệp hạng tối ưu (The top of top) của Đại học Havard ngành quản trị kinh doanh với danh hiệu “Sinh viên Danh dự”, John (tên gọi thân mật của John Wallace) đầu quân cho một tập đoàn của Hoa Kỳ đóng tại đảo quốc Tân Gia Ba. Trong một lần đi du lịch, John đã đặt chân đến miền Nam Việt Nam, nơi chiến sự mùa hè 1973 đang diễn ra ác liệt.
Cho đến lúc cái tên Việt Nam được nhắc đến nhiều trên trường quốc tế vì công cuộc mở cửa và đổi mới, doanh nhân John Wallace quyết định đáp phi cơ lần thứ hai, nhưng là để thử tìm kiếm một cơ hội. Bởi vì mẹ đã ăn sâu vào tiềm thức ông và là một phần trong ông; còn Việt Nam, John luôn để ngỏ trái tim của mình.
BIẾN RÁC THẢI VÀ CỎ BIỂN THÀNH… VÀNG
“Ồ, như vậy là phí quá!”, John buột miệng trong lần trở lại Việt Nam, nơi thành phố biển Nha Trang thơ mộng vào mùa thu năm 1991. Cái thứ “phí quá!” mà John vừa nói, chính là lục bình trôi sông, cỏ biển mọc um tùm, là thân chuối đốn bỏ sau thu hoạch, mây rừng giăng khắp nẻo, tầm vông, tre nứa, là keo rừng thiên nhiên… tất cả đều bị “bỏ hoang” mà dân địa phương không ai màng tới.
Vào mùa này, những dòng nước chầm chậm trôi, mang theo tầng tầng lớp lớp lục bình rợp một màu xanh, nhưng lại làm nghẽn dòng chảy và người ta phải tìm cách vớt chúng lên bờ, phơi nắng mà chết. Cỏ biển cũng không khá hơn, vẫn hoặc làm hẹp dòng chảy, hoặc bị đốn chặt thu gom lên bờ. Còn thân chuối thì khỏi nói, xứ sở này nhiều vô kể.
Dọc dải đất uốn lượn ven biển Trung Trung Bộ từ Nha Trang – Khánh Hòa đến Phú Yên, bước vô tới bìa rừng là song mây leo bám dày đặc. “Môi trường ở đây bị ô nhiễm quá! Phải làm sao “khơi thông dòng chảy”, làm sao “dọn sạch bìa rừng”, bảo vệ thiên nhiên mà vẫn có tiền? Tiền là đây chứ đâu!”, John tâm đắc trong một nỗi thao thức bất chợt. Đó cũng chính là bước ngoặt cuộc đời John, khi người đàn ông yêu mẹ hơn yêu bản thân, quyết định “cắm dùi” nơi vùng đất mới mẻ đầy khát vọng vươn lên này.
Cũng trong năm 1991, thông qua một doanh nghiệp Hong Kong, xưởng sản xuất nhỏ chế biến nội thất song mây xuất khẩu của doanh nhân John Wallace ra đời.
Xưởng như một “vựa” thu mua lục bình sông, song mây, gỗ và vỏ keo, tầm vông… của người dân các địa phương từ Phú Yên đến Khánh Hòa tập trung về, xử lý và chế biến, chế tạo ra các sản phẩm nội thất thân thiện môi trường và xuất khẩu. Lúc bấy giờ, người Việt còn chưa mặn mà với các sản phẩm thân thiện và giản đơn này, thì John đã có đối tác lớn ở Châu Âu là tập đoàn IKÉA “bao sân” ngay từ đầu. Đây là nhà bán lẻ lớn nhất thế giới các sản phẩm nội thất thân thiện môi trường, bảo đảm tiêu chuẩn FSC (Forest Stewardship Council – Hội đồng Quản lý Rừng) về truy xuất nguồn gốc.
Năm 1997, Công ty TNHH MTV RAPEXCO – Đại Nam (Công ty Rapexco) chính thức được thành lập và đi vào hoạt động, thay thế xưởng sản xuất nhỏ ban đầu, trụ sở đặt tại khu công nghiệp Bình Tân (thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).
HÌNH THÀNH CÔNG VIỆC VÀ ĐỊNH HÌNH THƯƠNG HIỆU
Quy tụ người dân địa phương, những nông nhàn, những người trẻ thừa rong chơi thiếu việc làm, những nông dân quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời, tập cho họ làm việc, tạo cho họ việc làm quả là không dễ chút nào; nhất là khi mọi thứ còn quá mới mẻ.
Nhưng cái mới lại là điều hứng thú đối với John. Ông trở lại Phi, rồi quay sang Indonesia tuyển chọn những thợ giỏi nhất từng một thời gắn bó với mình, đưa họ đến Rapexco Khánh Hòa để huấn luyện, để cầm tay chỉ việc cho những “người thợ mới” Việt Nam. Cho đến khi những người nông dân "chân đất" trở thành những thợ lành nghề, họ cũng chính là một phần của “Gia đình John – Gia đình Rapexco”.
Với John Wallace, không có công nhân, không có người làm thuê, mà chỉ có gia đình và người thân. John coi Việt Nam và Khánh Hòa là quê hương lần nữa của mình. Ông đã trở lại Phi, đem gia đình sang Việt Nam cùng làm việc và về nơi chôn nhau cắt rốn để cung thỉnh tro cốt người mẹ Mỹ của mình sang “quê hương cuối cùng”, để cùng mẹ mãi mãi ở lại nơi đây.
Với lợi thế sơ chế, chế biến nguyên liệu và sản xuất các mặt hàng nội thất cao cấp xuất khẩu bằng song mây, tre nứa, tràm, lục bình, sắt, nhựa, đến nay Rapexco đã là doanh nghiệp dẫn đầu về xuất khẩu hàng nội thất cao cấp trên cả nước, đóng góp doanh thu và nộp thuế cao nhất tỉnh Khánh Hòa.
Rapexco sở hữu và vận hành 3 cơ sở, gồm: Showroom trưng bày sản phẩm và hội sở công ty, diện tích 6 ha tại khu công nghiệp Bình Tân (thành phố Nha Trang); nhà máy sản xuất mành mây, hàng nội thất với diện tích 12 ha tại khu công nghiệp Suối Dầu (huyện Cam Lâm); và nhà máy sản xuất hàng nội thất cao cấp xuất khẩu, diện tích 35 ha tại khu công nghiệp Hòa Hiệp (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên).
Sản phẩm của Rapexco không chỉ bền chắc, đạt chuẩn IKÉA và FSC mà còn hình dáng đẹp, mẫu mã phong phú, hấp dẫn, lôi cuốn người dùng với độ tinh xảo cao, được khách hàng của IKÉA và thị trường khó tính Bắc Mỹ đánh giá rất cao.
Từ 40 công nhân ban đầu, Rapexco đã phát triển thành doanh nghiệp thu hút nhiều lao động bậc nhất địa phương Nam Trung Bộ này với 25.000 công nhân. Tuy nhiên, làm thế nào để sản phẩm vẫn bảo đảm chất lượng, đa dạng mẫu mã, phong phú chủng loại hơn mà tinh xảo hơn, giảm mồ hôi tăng chất xám hơn?
Xu thế chung hiện nay là đưa máy móc vào thay thế lao động chân tay ở một số công đoạn, sao cho có thể sản xuất hàng loạt và đồng đều chất lượng, đồng nhất kiểu dáng. Nhân công ở những công đoạn thay thế này được đào tạo lại trở thành những kỹ thuật viên điều khiển máy móc, từ những máy công cụ cơ bản, đơn giản ban đầu, đến các cổ máy CNC công nghệ cao, được lập trình toàn bộ quy trình vận hành. Sản phẩm vì vậy càng tinh xảo, điêu luyện hơn, khách hàng Châu Âu, Bắc Mỹ càng ưa chuộng hơn.
Không dừng lại ở việc bán sản phẩm đầu cuối, các khách hàng đều có thể là những nhà thiết kế “thứ cấp” nêu ý tưởng, trực tiếp phát triển mẫu mã từ những thiết kế có sẵn, John và Rapexco lúc này chỉ cần làm công việc “gia công”, chăm chút từng sản phẩm theo yêu cầu từng khách hàng.
Hơn 30 năm hoạt động, Rapexco đã thiết kế và sản xuất gần 3.000 mẫu mã nội thất gia dụng, vật dụng phục vụ trong các khách sạn, nhà hàng, quán cà phê và nội thất hộ gia đình, thân thiện và tinh xảo, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu; nhưng chủ lực là xuất khẩu sang thị trường Châu Âu và Bắc Mỹ.
Đến nay, đã có hơn 50.000 containers hàng hóa được xuất đi, thu về hơn 500 triệu USD. Đặc biệt trong 5 năm trở lại đây, nhất là 3 năm dịch Covid-19 (2019 – 2022), Rapexco vẫn sản xuất và xuất khẩu đều đặn 10.000 containers, do 80% đơn hàng là khách hàng chiến lược, đạt doanh thu 162 triệu USD và nộp ngân sách 12 triệu USD cho 3 năm.
MỘT TRÁI TIM MỸ ĐÃ “THUỘC VỀ” VIỆT NAM
John chưa từng nói với người đối diện rằng “Tôi yêu Việt Nam!”, nhưng những việc làm và tâm thức của John từ lâu đã thuộc về Việt Nam.
“Ông không về lại Mỹ chứ? Sao lại đưa Mẹ sang Việt Nam?”, tôi đột ngột cắt dòng tâm sự khi ngồi đối diện John trong căn phòng làm việc của một tổng giám đốc người nước ngoài chưa đầy 12 mét vuông thật dung dị và giản đơn như chính sự giản đơn và dung dị của chủ nhân.
“Tôi ở lại đây, vì đó là quê hương tôi. Mẹ tôi từng rất yêu Việt Nam, và tôi biết bà muốn điều đó: Dành tất cả những gì của mình, cho Việt Nam”. Giọng John ngắt quãng, đều đặn, chậm rãi, từ tốn và chùng xuống khi bắt gặp ánh mắt cũng bất ngờ rung động trong lúc tác vụ.
John đang ấp ủ và từng bước triển khai ý định xây dựng một trung tâm đào tạo tài năng trẻ phát triển công nghệ sản xuất phần mềm ngay khu đất tiên khởi của Rapexco tại khu công nghiệp Bình Tân mà nay đang là showroom. Tương lai mới đang chào đón các bạn trẻ tài năng khu vực Miền Trung và duyên hải Nam Trung Bộ, vì tiềm năng quá lớn mà nó mang lại. John nhìn ra tư chất tinh tế và sự khéo léo, chăm chỉ của người trẻ Việt.
Trong hơn 30 kinh doanh tại vùng đất này, John chưa từng coi mình là ông chủ hay doanh nhân thuần túy, John chỉ là John của nhiều người Việt. Bởi vì cũng trong ngần ấy thời gian làm ăn, John chỉ đầu tư bằng tiền chính mình, không vay mượn hay kêu gọi góp vốn; tiền lời thu được, John tập trung vào sáng tạo, mua sắm máy móc, và giữ lại cho dự án giáo dục, đào tạo khởi nghiệp cho người trẻ trên toàn dải đất “đòn gánh thép”, không riêng Khánh Hòa.
“Tôi muốn các bạn trẻ làm việc, gầy dựng sự nghiệp trên chính mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình, vừa làm lợi cho mình, cho gia đình, vừa sinh lợi cho cộng đồng và góp phần thăng tiến xã hội mà không phải rời bỏ quê hương, tha phương lập nghiệp mà để lại gia đình, quê hương phía sau lưng. Nguyện làm tất cả và trao tặng sự nghiệp này cho Việt Nam”, John đã khiến tôi đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác.
Và điều John vừa trải lòng, cũng là để trả lời câu hỏi: “Vì sao ông nghĩ đến người trẻ? Và vì sao ông muốn ở lại Việt Nam?”.
Hoặc