Hiện tại, siêu bão Yagi đang đổ bộ vào miền Bắc và được các chuyên gia dự báo độ rủi ro thiên tai cấp 4 (màu đỏ) - cấp rủi ro lớn, chỉ ngay sau cấp 5 (màu tím) - rủi ro ở mức thảm họa.
Hồi 13h ngày 6/9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 19,8 độ Vĩ Bắc; 111,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc); cách Quảng Ninh khoảng 450km về phía Đông Đông Nam.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h.
Trước những thông tin đáng lo ngại về diễn biến của cơn bão, nhiều người dân đã nhanh chóng đi đến các siêu thị, chợ dân sinh để tích trữ nhu yếu phẩm. Theo ghi nhận của phóng viên Người Đưa Tin, khoảng 15h chiều 6/9, khi Hà Nội xuất hiện những cơn mưa dông, vẫn còn hàng trăm người dân đang mua hàng tại siêu thị Big C Thăng Long.
Chị Nguyễn Thị Thủy (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm) lo lắng thực phẩm khan hiếm nên đã sắp xếp công việc để mua chút đồ ăn dự trữ, chị chia sẻ "Bình thường cứ mưa dài ngày là rất khó để mua được đồ tươi sống, đây lại còn là siêu bão".
Trước nhu cầu lớn của người dân, siêu thị vẫn đảm bảo nguồn cung cấp, các quầy hàng rau củ dù liên tục hết hàng nhưng vẫn được nhân viên bổ sung sản phẩm ngay lập tức.
Theo khảo sát của phóng viên, hàng loạt các siêu thị mini như Winmart, 3 Hào, Hà Đăng,... đều chứng kiến tình trạng hết sạch nguồn hàng thực phẩm tươi sống.
Mặc dù đã dự đoán được nhu cầu của người dân và chuẩn bị trước nguồn hàng, chị Mai - nhân viên bán hàng tại siêu thị mini chia sẻ đã không còn hàng để bán: "Lượng khách hôm nay phải tăng gấp 3-4 lần ngày thường, từ 7h30 sáng đã có những người xếp hàng thanh toán".
Tại chợ Cốm (Mễ Trì, Nam Từ Liêm), vẫn có rất nhiều người dân đội mưa để có thể tích trữ thực phẩm trước khi cơn bão Yagi thực sự đổ bộ Hà Nội. Chị Nguyễn Thị Hằng - một thương nhân bán rau cho rằng lượng người mua hôm nay tương đương với sức mua trong những ngày giáp Tết: "Dù có đông khách thì chị cũng bán giá như ngày thường thôi. Chị có bảo mọi người không nên mua quá nhiều vì rau cũng không để được lâu"
Trái ngược với tâm lý tích trữ của người dân, anh Tạ Hữu Mạnh tại Hà Nội cho rằng: "Với cơn bão này, Hà Nội cũng sẽ có mưa lớn nhưng các cửa hàng, chợ vẫn sẽ hoạt động được nên tôi chỉ mua đủ đồ ăn hàng ngày, tránh lãng phí".
Đặc biệt, trong Công điện số 6751 ngày hôm nay, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các Sở Công Thương các địa phương có ảnh hưởng của bão số 3 thực hiện các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu.
Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và đánh giá nhu cầu mua hàng của người dân khi mưa bão lớn, các doanh nghiệp đã chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 2-3 lần so với trước.
Khối lượng hàng hóa nhu yếu phẩm dự trữ ước tính đáp ứng từ 5-10 ngày sử dụng (tùy thuộc tình hình, khả năng và đặc thù của địa phương).
Thanh Loan
Hoặc