Dòng vốn xanh lớn nhưng doanh nghiệp Việt khó tiếp cận

16/08/2024 04:39

Các chuyên gia cho rằng dòng vốn tài chính xanh trên thị trường quốc tế rất lớn và rất muốn đầu tư về Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt vẫn khó tiếp cận dòng vốn này.

Lĩnh vực tài chính xanh thực tế vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Ảnh: Duy Hiệu.

Chia sẻ tại Tọa đàm Triển vọng phát triển Tài chính xanh do Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance tổ chức ngày 6/8, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu thương hiệu và cạnh tranh, khẳng định chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu với các doanh nghiệp.

“80% lượng vốn tài chính đòi hỏi ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) mới cấp vốn. Mệnh lệnh này rất cấp bách. Với doanh nghiệp, không chỉ là tồn tại hay không tồn tại, mà còn nắm bắt được nhiều cơ hội mới khi phát triển xanh”, ông Thành nói.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cho biết vẫn còn nhiều thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt khi muốn chuyển đổi xanh như chi phí chuyển đổi lớn, áp lực từ thị trường và câu chuyện thể chế.

Nói thì nhiều nhưng làm rất ít

Còn theo TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, hiện dòng vốn xanh từ thị trường quốc tế rất lớn và các nhà đầu tư rất thiện chí tìm hiểu để đầu tư về Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt lại khó tiếp cận được dòng vốn này.

Nêu ví dụ về gói đầu tư 15,5 tỷ USD mà cơ chế Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) dành cho Việt Nam để chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, theo ông Nghĩa, hiện gói tín dụng này chưa tìm được dự án vay khả thi do những vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý.

Theo vị chuyên gia, lĩnh vực tài chính xanh hiện nay được nói tới rất nhiều nhưng thực hiện lại rất ít. “Thực tế, các khoản tín dụng xanh và trái phiếu xanh dành cho các dự án điện gió, điện mặt trời... vẫn chỉ là những khoản cho vay thông thường với đầy đủ điều kiện về tài sản đảm bảo, lãi suất, kỳ hạn mà không có ưu tiên, ưu đãi nào”, ông nói.

Theo ông, hiện trong nước có một quỹ tài trợ xanh là Quỹ bảo vệ môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý với tổng nguồn vốn 1.800 tỷ đồng. Số dư này chỉ dùng để cho vay các dự án xử lý rác thải.

Tuy nhiên, điều kiện để được vay gói này cũng rất nghiêm ngặt, không khác những khoản tín dụng thông thường như phải có tài sản đảm bảo, tuân thủ hạn mức tín dụng. “Gói này chỉ khác là có lãi suất thấp hơn thị trường 2%”, vị chuyên gia chia sẻ.

kinh te xanh,  tin dung xanh anh 1

TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia. Ảnh: BTC.

Ông Nghĩa cho rằng đây chưa thể coi là một quỹ tài chính xanh và quy mô quỹ càng không tương xứng với nhu cầu để Việt Nam chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính từ nay đến năm 2030 (theo ước tính của Ngân hàng Thế giới cần tới 360-400 tỷ USD).

Do đó, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng các cơ quan quản lý Nhà nước cần có sự quan tâm đúng mức với lĩnh vực này.

Tại tọa đàm, ông Tô Trần Hòa, Phó vụ trưởng Vụ phát triển thị trường chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cho biết thúc đẩy tài chính xanh là một trong những vấn đề được Ủy ban, Bộ Tài chính rất quan tâm và đã đưa vào chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.

Để khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi và huy động nguồn vốn xanh, Ủy ban Chứng khoán đã phát hành các sổ tay hướng dẫn báo cáo phát thải khí nhà kính, hướng dẫn phát hành trái phiếu xanh.

Bên cạnh đó, thông qua việc thanh tra giám sát, Ủy ban Chứng khoán cũng đảm bảo trái phiếu xanh được phát hành đúng mục đích và quyền lợi nhà đầu tư được bảo đảm.

Về việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn xanh, ông Hòa cho biết hiện Ngân hàng Nhà nước đã tiếp cận và một số ngân hàng thương mại đã có sẵn nguồn vốn cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh.

Nhiều dư địa phát triển

Theo ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng phòng Nghiên cứu Tín dụng và Dịch vụ Tài chính xanh FiinRatings, dù ghi nhận tốc độ tăng trưởng vượt bậc so với tăng trưởng tín dụng chung, tín dụng xanh đến nay mới chiếm 4,32% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy tín dụng xanh còn rất nhiều dư địa phát triển.

Theo ông, hiện tại, chỉ có 2 lô trái phiếu xanh phát hành trong nước. Sau 2 lô trái phiếu xanh với tổng giá trị 23,4 triệu USD và 3,6 triệu USD của TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu vào năm 2016, đến nay thị trường trái phiếu xanh gần như không phát triển.

Phải đến năm 2021, Việt Nam mới quay trở lại thị trường tín dụng xanh khi BIM Land - doanh nghiệp không niêm yết đầu tiên của Việt Nam phát hành 200 triệu USD trái phiếu xanh không tài sản bảo đảm trên Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore (SGX).

Sau 2 lô trái phiếu xanh với tổng giá trị 23,4 triệu USD và 3,6 triệu USD của TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu vào năm 2016, đến nay thị trường trái phiếu xanh gần như không phát triển

Ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng phòng Nghiên cứu Tín dụng và Dịch vụ Tài chính xanh FiinRatings

Dù vậy, ông Tùng Anh cho biết thị trường trái phiếu xanh đã chứng kiến đà sụt giảm đáng kể cả về số lượng và giá trị phát hành trong năm 2022.

Để thúc đẩy thị trường tài chính xanh trong nước, ông Tùng Anh cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng để thực hiện các quy định một cách hiệu quả, nhất quán.

Ngoài ra, cần phải nâng cao năng lực và kiến thức của các nhà hoạch định chính sách, các bên liên quan về các sản phẩm tài chính xanh. Đồng thời tạo ra một môi trường đủ thuận lợi cho các chủ thể phát hành và nhà đầu tư để đầu tư và phát triển các dự án tài chính xanh.

Chia sẻ kinh nghiệm trong việc huy động vốn xanh từ quốc tế, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Tài chính PAN Group, cho biết với đặc thù hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu sang châu Âu và Mỹ. Ngay từ đầu, doanh nghiệp này đã chú trọng việc chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

Trong quá trình huy động vốn, ông Tuấn cho biết PAN Group đã tiếp cận nhiều định chế tài chính quốc tế. “Sau khi xem xét và thẩm định hồ sơ, chính các định chế tài chính này đã đưa ra những sản phẩm tài chính xanh phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp”, ông nói.

Do đó, ông Tuấn cho rằng có 2 yếu tố các doanh nghiệp cần chú ý.

Thứ nhất, nguồn vốn chủ động, tức nếu doanh nghiệp phù hợp thì nguồn vốn sẽ tự chảy đến.

Thứ hai, nếu muốn tiếp cận các định chế tài chính, bản thân doanh nghiệp phải có nền tảng nhất định về phát triển bền vững cũng như quản trị bền vững.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Bạn đang đọc bài viết "Dòng vốn xanh lớn nhưng doanh nghiệp Việt khó tiếp cận" tại chuyên mục Tài chính.