Tây Nguyên có 9 tuyến cao tốc đi qua với chiều dài khoảng 1.899km
Sáng 18/8, từ điểm cầu chính Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đoạn qua xã Hòa Đông (huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk), Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phạm Minh Chính đã phát động đợt cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc".
Tham dự buổi lễ còn có lãnh đạo các bộ, ngành trung ương; thành viên Hội đồng thi đua khen thưởng, các đồng chí nguyên lãnh đạo các tỉnh qua các thời kỳ; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Đắk Lắk, Tuyên Quang, Quảng Bình, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tp.HCM, Đồng Tháp, Cà Mau, Sóc Trăng, An Giang, Tiền Giang; đại diện các Sở, ban, ngành, các huyện, xã có dự án đi qua của tỉnh Đắk Lắk và 13 tỉnh thành nêu trên.
Theo quy hoạch, mạng lưới cao tốc toàn quốc gồm 41 tuyến với tổng chiều dài 9.014km.
Trong đó, khu vực Tây Nguyên có 9 tuyến cao tốc đi qua với tổng chiều dài khoảng 1.899km gồm 1 tuyến trục dọc cao tốc Bắc - Nam phía Tây với tổng chiều dài 495km từ Ngọc Hồi - Chơn Thành và 8 tuyến trục ngang với chiều dài khoảng 1.404km.
Đến cuối năm 2025, khu vực Tây Nguyên sẽ có 87km cao tốc, năm 2026 sẽ có 136km cao tốc và năm 2030 phấn đấu có 1.148km cao tốc.
Giai đoạn sau năm 2030, sẽ tiếp tục đầu tư khoảng 751km các tuyến còn lại theo quy hoạch: Đà Nẵng - Thạnh Mỹ - Ngọc Hồi - Bờ Y, Pleiku - Lệ Thanh, Phú Yên - Đắk Lắk, Nha Trang - Liên Khương, Liên Khương - Buôn Ma Thuột. Nâng tổng cộng chiều dài cao tốc khu vực Tây Nguyên lên 1.899km.
Đối với dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, đây là dự án được xây dựng đầu tiên trong 8 trục ngang của khu vực Tây Nguyên, kết nối từ Cảng Nam Vân Phong, Khánh Hòa đến đường cao tốc Bắc Nam phía Tây, Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Tổng chiều dài thực tế 116,4km, chia thành 3 dự án thành phần, giao cho tỉnh Khánh Hòa, Bộ Giao thông Vận tải, tỉnh Đắk Lắk là cơ quan chủ quản.
Trên tuyến cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột bố trí 9 nút giao (trung bình 13km/1nút). Trong đó, tỉnh Khánh Hòa 3 nút; tỉnh Đắk Lắk 6 nút; công trình trên tuyến tổng số 86 cầu/19,3km, 4 hầm/2,8km. Dự án đã khởi công ngày 18/6/2024.
Toàn bộ dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột có 8 gói thầu xây lắp, khối lượng thi công toàn dự án đến nay đạt khoảng 13% giá trị hợp đồng.
Về tiến độ thực hiện, phấn đấu hết năm 2025 hoàn thành 20km đầu tuyến Dự án thành phần 1 Khánh Hòa và toàn bộ 48km Dự án thành phần 3 Đắk Lắk. Riêng Dự án thành phần 2 địa hình phức tạp, 4 hầm và nhiều cầu chiều cao trụ lớn, mặt bằng vướng rừng tự nhiên còn khoảng 1,5km chưa xong (dự kiến ngày 18/8 bàn giao sạch), do vậy phải kéo dài thời gian thi công, phấn đấu hoàn thành cuối năm 2026.
Tuyệt đối không vì tiến độ mà đánh đổi chất lượngPhát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng đã xác định nhiệm vụ phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng là một trong ba mục tiêu đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, toàn diện, xuyên suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ, nỗ lực, quyết tâm, trách nhiệm của các bộ, ngành trung ương và các địa phương cùng sự đồng tình, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở nước ta có những bước tiến rõ rệt, đến nay cả nước ta đã có 2.021 km đường bộ cao tốc.
Với vai trò, trách nhiệm của mình, Bộ Giao thông Vận tải xin tiếp thu toàn bộ lời chỉ đạo, phát động của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Giao thông Vận tải chủ động xây dựng chương trình hành động, kế hoạch tổ chức thực hiện, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả với các bộ, ngành, địa phương quyết liệt tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn lại.
Đặc biệt, xử lý triệt để công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm nguồn cung vật liệu, triển khai mọi giải pháp để rút ngắn thời gian thi công, đảm bảo chất lượng các công trình, các dự án với quyết tâm cùng với các địa phương trên cả nước hoàn thành đưa vào khai thác 3.000km đường bộ cao tốc trước 31/12/2025 theo đúng mục tiêu thi đua mà Thủ tướng Chính phủ vừa phát động.
Để hoàn thành mục tiêu đó, trước tiên Bộ Giao thông Vận tải sẽ quán triệt, yêu cầu toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Giao thông Vận tải, đội ngũ tư vấn giám sát, nhà thầu và đặc biệt là đội ngũ kỹ sư, công nhân, người lao động ngày đêm bám trụ trên các công trường dự án tiếp tục duy trì và phát huy khí thế, quyết tâm cao nhất, tất cả vì mục tiêu lợi ích của nhân dân, của quốc gia, dân tộc.
Bên cạnh đó, tập trung cao độ, nỗ lực thi đua, đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua mọi khó khăn, thách thức với tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", đã quyết liệt rồi thì phải quyết liệt hơn nữa, đã quyết tâm rồi thì phải quyết tâm hơn nữa, dự án sau phải nhanh hơn, tốt hơn, đồng bộ hơn dự án trước.
Khí thế, quyết tâm đó phải được cụ thể hóa bằng những hành động, kết quả thực chất, hoàn thành các công trình, dự án vượt tiến độ đề đảm bảo các yêu cầu về chất lượng, kỹ mỹ thuật công trình.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn yêu cầu các ban quản lý dự án theo dõi bám sát chặt chẽ tình hình triển khai các dự án. Đồng thời, xác định các đường găng có giải pháp cụ thể, có tiến độ chi tiết, kiểm tra của từng mũi thi công, từng nhà thầu để đôn đốc quyết liệt tiến độ dự án.
Các ban phải thực hiện đúng quy định hợp đồng và kết quả thi công trên công trường để linh hoạt nhằm giải ngân đúng và đủ giúp các mũi tăng tốc thi công. Đồng thời, phải kiểm soát chặt chẽ từng khâu, từng thủ tục đảm bảo đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, sai phạm.
Yêu cầu các đơn vị tư vấn phải bám sát hiện trường, luôn có cán bộ thường trực giám sát chặt chẽ về quy trình, chất lượng thi công, thực hiện nghiệm thu thanh toán đáp ứng tiến độ, kịp thời xử lý ngay những điều chỉnh, bổ sung thiết kế kỹ thuật nếu có.
Các nhà thầu phải tận dụng tối đa thời tiết tốt, điều chỉnh tiến độ thi công, tăng cường nhân lực, thiết bị, tài chính tổ chức thi công "3 ca, 4 kíp".
Các nhà thầu phải bù lại phần khối lượng nếu đang bị chậm và thực hiện đúng với cam kết thi đua về tiến độ hoàn thành gói thầu/dự án, đảm bảo hoàn thành dự án đúng tiến độ yêu cầu; yêu cầu các đơn vị thi công tuyệt đối không vì tiến độ mà đánh đổi chất lượng.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cũng đề nghị UBND các địa phương có dự án, chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ các chủ đầu tư, các nhà thầu thi công trong quá trình triển khai dự án. Đặc biệt, giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, cung cấp đầy đủ nguồn vật liệu cho các công trường nhất là các dự án khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Mặt khác, kiểm soát chặt chẽ giá vật liệu xây dựng, chống việc lợi dụng tăng giá, ép giá, công bố giá, chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng hàng tháng sát với biến động của thị trường để đủ bù đắp một phần chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính cho các nhà thầu xây dựng...
Khánh Ngọc
Hoặc