Từ xưa, ông bà ta vẫn thường dạy: "Nuôi con phòng khi tuổi già". Thế nhưng, ngày nay một số bậc phụ huynh lại đang hiểu sai lời dạy đó. Họ không ngần ngại yêu cầu con cái đưa tiền hằng tháng sau khi đi làm, bắt con trả nợ mua nhà sau khi kết hôn, thậm chí đến cả tiền sữa cho cháu nội cũng mặc nhiên rút từ ví của con.
Họ cho rằng điều đó là hiển nhiên, là "lẽ trời lẽ đất", nhưng không hiểu rằng việc tiêu xài quá mức phúc khí của con cái, rốt cuộc chỉ kéo cả cuộc đời con rơi vào vũng lầy mệt mỏi.
Sai lầm lớn nhất của cha mẹ: Rút cạn vận may của con mà không hề hay biết
1. Biến con cái thành "máy rút tiền": Tôi nuôi con khôn lớn, con chu cấp cho tôi là điều hiển nhiên, mặc kệ con đang gồng mình trả nợ nhà, nợ xe
Chú Lý ở tầng dưới nhà tôi chính là ví dụ điển hình. Khi con gái cưới chồng, ông đòi 200 triệu đồng tiền thách cưới "để mua nhà cho con trai". Kết quả là con rể phải vay cả tín dụng đen để lo đủ, vợ chồng trẻ sau đó mỗi tháng dành phần lớn lương để trả nợ. Thế nhưng chú Lý vẫn không ngừng đòi hỏi: "Em trai mày muốn mua xe, chuyển cho bố 30 triệu", "Bố nằm viện, thiếu tiền đặt cọc, con ứng trước đi". Con gái ông than thở với tôi: "Giờ cứ thấy bố gọi điện là tay chân em run, sợ lại bị xin tiền".
Những bậc cha mẹ như vậy đã tính sai một phép toán: Nuôi con lúc nhỏ là trách nhiệm, còn ép con "báo đáp" vô điều kiện khi lớn lên thì là sự ích kỷ. Họ không thấy con gái thức đến 3 giờ sáng để sửa dự án, không thấy con rể làm việc đến mức ra máu khi đi vệ sinh, chỉ chăm chăm nhìn vào con nhà người ta "mỗi tháng gửi cho bố mẹ 5 triệu".

Nuôi con lúc nhỏ là trách nhiệm, còn ép con “báo đáp” vô điều kiện khi lớn lên thì là sự ích kỷ (Ảnh minh hoạ).
Giống như chị họ tôi từng nói: "Bố em coi bảng lương của em như sổ tiết kiệm, mà đâu biết em làm đến đau dạ dày chỉ để có thêm chút tiền thưởng". Những bậc cha mẹ đòi hỏi quá mức không chỉ lấy đi tiền bạc mà còn lấy đi cảm giác an toàn của con. Bởi lẽ, ai có thể an tâm lên kế hoạch cho cuộc đời mình khi luôn sống trong nỗi sợ bị vét sạch bất cứ lúc nào?
2. Dùng "hiếu đạo" làm gông cùm: "Con có cánh rồi là bỏ rơi bố mẹ à?" bất chấp con hy sinh cơ hội để thể hiện lòng hiếu
Câu chuyện của chị đồng nghiệp A Phương khiến ai nghe cũng xót xa. Chị ấy vất vả lắm mới được cử ra làm việc tại trụ sở chính ở Bắc Kinh, vậy mà mẹ chị gọi điện khóc lóc: "Con đi rồi, mẹ ốm ai chăm? Hàng xóm bảo nuôi con gái chẳng được tích sự gì". Cuối cùng, A Phương bỏ lỡ cơ hội thăng tiến, ở lại quê nhà làm nhân viên bình thường. Chưa dừng lại ở đó, mẹ chị còn yêu cầu: "Mỗi ngày phải về nhà ăn cơm", "Cuối tuần không được hẹn hò". Lý do? - "Hiếu là phải như thế".
Những bậc cha mẹ kiểu này đã biến "hiếu thảo" thành công cụ để thao túng tình cảm: Con cái bận không bắt máy là "bất hiếu", Tết không lì xì là "vô ơn", yêu người ở xa là "phản bội bố mẹ". Họ không nhận ra ánh sáng trong mắt con dần tắt đi, chỉ quan tâm đến sĩ diện và sự tiện lợi của bản thân. Như người xưa nói: "Ép cưới thì trái ngọt cũng thành đắng", ép con bằng chữ "hiếu" chỉ là đang bào mòn cơ hội gặp quý nhân của con. Bởi lẽ, cơ hội không chờ đợi ai bị ràng buộc bởi gia đình.
3. Tự quyết định thay con: "Bố mẹ làm vậy là vì con", nhưng lại chính tay bẻ gãy đôi cánh tự do của con cái
Anh họ tôi ở quê là minh chứng rõ rệt. Hồi thi đại học, mẹ anh bảo "nghề giáo viên ổn định", bắt anh từ bỏ ngành công nghệ thông tin mà mình yêu thích. Đi làm, mẹ lại ép nghỉ việc công ty công nghệ lương cao để thi công chức vì làm thế mới ổn định. Đến lúc lấy vợ, mẹ bắt cưới cô gái do bà chọn vì "con bé biết vun vén". Hậu quả là mới cưới về đã suốt ngày cãi vã. Giờ anh họ tôi thường xuyên uống rượu giải sầu: "Mẹ biến đời tôi thành phần tiếp theo trong cuốn truyện của bà, mà không biết tôi đã thành con rối từ lâu rồi".

Những bậc cha mẹ thích kiểm soát thường giỏi “lấy danh nghĩa yêu thương” để cướp lấy cơ hội của con (Ảnh minh hoạ)
Những bậc cha mẹ thích kiểm soát thường giỏi "lấy danh nghĩa yêu thương" để cướp lấy cơ hội của con. Con muốn khởi nghiệp, mẹ bảo "mạo hiểm quá"; con muốn kết hôn xa, mẹ bảo "gần cha mẹ mới là hiếu"; con muốn ly hôn, mẹ bảo "vì con mà nhịn đi". Họ nghĩ đang dọn đường cho con, nhưng thực ra là đang đào hố: con mất đi dũng khí để sai, năng lực để chọn, và cả bản lĩnh gánh vác hậu quả. Nếu không biết buông tay đúng lúc, con sẽ mãi mãi lạc lối trong cuộc đời do người khác sắp đặt.
Theo Sohu
Hoặc