Mới đây, trong thông tin chính thức từ Cổng Thông tin Chính phủ, một điểm đáng chú ý đã được nêu bật: Lần đầu tiên trong lịch sử tuyển sinh đại học tại Việt Nam, một trường đưa bài kiểm tra trí tuệ cảm xúc (EQ) vào quy trình sơ tuyển.
Cụ thể, Trường Quản trị và Kinh doanh (HSB) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã tiên phong áp dụng EQ như một tiêu chí quan trọng nhằm tư vấn hướng nghiệp và đánh giá sự phù hợp ngành nghề cho thí sinh.

Toàn bộ chia sẻ trên fanpage của Thông tin chính phủ.
Trong bối cảnh tuyển sinh đại học ngày càng chú trọng nhiều yếu tố hơn ngoài điểm số, điều này không chỉ gây chú ý mà còn mở ra một hướng đi mới cho giáo dục đại học Việt Nam.
Ngôi trường "trẻ mà chất" giữa lòng Đại học Quốc gia Hà Nội
Trường Quản trị và Kinh doanh - Đại học Quốc gia Hà Nội là một đơn vị thành viên cấp trường được phân quyền tự chủ cấp cao nhất trong mô hình Đại học Quốc gia Hà Nội. Trường được thành lập ngày 13 tháng 7 năm 1995 theo quyết định của cố giáo sư, viện sĩ Nguyễn Văn Đạo, giám đốc đầu tiên của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trường Quản trị và Kinh doanh (HSB) được biết đến như một trong những đơn vị tiên phong trong đổi mới đào tạo quản trị tại Việt Nam. Từng là đơn vị đào tạo sau đại học, HSB hiện đã mở rộng đào tạo cả bậc đại học với các chương trình chuẩn quốc tế như: Quản trị và An ninh, Quản trị Doanh nghiệp và Công nghệ, Marketing và Truyền thông số, Quản trị Nhân lực và Nhân tài.
Không giống những khoa truyền thống, HSB mang dáng dấp hiện đại, được tổ chức theo mô hình trường thành viên độc lập, có định hướng đào tạo "liên ngành, liên lĩnh vực", kết nối với doanh nghiệp, chú trọng năng lực cá nhân và các kỹ năng mềm, đặc biệt là khả năng thích nghi với thời đại mới.

Trường Quản trị và Kinh doanh (HSB), Đại học Quốc gia Hà Nội
Quy trình sơ tuyển có gì đặc biệt?
Khác với nhiều trường vẫn sử dụng phương thức xét điểm thuần túy, HSB triển khai một quy trình sơ tuyển gồm nhiều vòng.
Ở vòng đầu tiên, thí sinh nộp hồ sơ và bài luận (bằng tiếng Việt và tiếng Anh), được Hội đồng chấm theo thang điểm 100. Các tiêu chí đánh giá bao gồm: năng lực học tập bậc THPT (30 điểm), chất lượng bài luận (45 điểm), thành tích ngoại khóa/chứng nhận (15 điểm) và thư giới thiệu của giáo viên (10 điểm). Thí sinh đạt từ 60/100 điểm trở lên sẽ bước tiếp vào vòng 2 - vòng đánh giá EQ.
Điểm nhấn đáng chú ý của HSB chính là vòng đánh giá EQ (trí tuệ cảm xúc), được tổ chức dưới hai hình thức linh hoạt: phỏng vấn trực tiếp/trực tuyến hoặc gửi clip tự giới thiệu. Clip yêu cầu thí sinh thể hiện rõ cá tính, năng khiếu, động lực học tập và định hướng tương lai, đồng thời trình bày bằng tiếng Anh trong ít nhất 30 giây cuối. Hội đồng tiếp tục chấm điểm theo thang 100, và chỉ những thí sinh đạt từ 70 điểm mới được cấp Giấy báo đạt sơ tuyển để tham gia vòng 3 - xét tuyển chính thức.
Đáng chú ý, những thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 và tham gia phỏng vấn EQ trực tiếp còn có cơ hội được xét học bổng tân sinh viên. Ngoài ra, HSB cũng tổ chức khóa học Foundation Academic English nhằm hỗ trợ tân sinh viên tăng cường kỹ năng tiếng Anh học thuật trước khi nhập học.
Thông tin từ HSB cho thấy, phương thức tuyển sinh này không chỉ lựa chọn thí sinh giỏi, mà còn tìm kiếm những bạn trẻ có tư duy khai phóng, khả năng thích nghi và trí tuệ cảm xúc phù hợp với môi trường giáo dục đổi mới.

Trường có quy trình sơ tuyển vô cùng đặc biệt
Những trường nào trên thế giới áp dụng việc đánh giá sinh viên bằng EQ?
Nếu như IQ giúp bạn đỗ vào trường đại học, thì EQ lại là thứ giúp bạn tồn tại và phát triển trong môi trường học đường và sau này là doanh nghiệp. Trí tuệ cảm xúc, cụm từ từng bị xem nhẹ trong các kỳ thi tuyển sinh, nay dần chứng minh vai trò không thể thay thế.
Một người có EQ cao thường là người thấu hiểu cảm xúc bản thân, biết đặt mình vào vị trí người khác, kiểm soát hành vi trong áp lực và dễ hòa nhập. Đây chính là những yếu tố nền tảng của một nhà quản trị, một người làm truyền thông, hay bất kỳ ai làm việc trong môi trường cộng tác, sáng tạo và thay đổi không ngừng.
Theo nghiên cứu của TalentSmart (Mỹ), EQ chiếm đến 58% hiệu suất công việc ở hầu hết các ngành nghề. Thậm chí, trong một số ngành, EQ còn quan trọng hơn cả IQ hay bằng cấp học thuật. Vì vậy, việc HSB đưa EQ vào vòng sơ tuyển không chỉ là cải tiến về mặt hình thức, mà còn là một bước chuyển hướng chiến lược mang tính giáo dục sâu sắc.
Việc đưa EQ vào quy trình đánh giá năng lực không còn là điều xa lạ tại các nền giáo dục tiên tiến. Nhiều trường đại học hàng đầu trên thế giới đã triển khai những bài kiểm tra đánh giá EQ hoặc tương đương trong quá trình tuyển sinh hoặc đào tạo.
Chẳng hạn, Đại học Yale (Mỹ) và Đại học Oxford (Anh) đều đánh giá cao các yếu tố như khả năng giao tiếp, tự nhận thức và đồng cảm trong bài luận và phỏng vấn tuyển sinh. Trường kinh doanh Harvard Business School cũng nổi tiếng với cách tiếp cận toàn diện khi tuyển chọn sinh viên MBA, trong đó EQ là yếu tố then chốt giúp đánh giá khả năng lãnh đạo và làm việc nhóm.
Ở châu Á, Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cũng tích hợp bài phỏng vấn đánh giá kỹ năng giao tiếp, tư duy phản biện và thái độ - những thành phần cốt lõi của trí tuệ cảm xúc.

Tại Châu Á, Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cũng tích hợp bài phỏng vấn đánh giá kỹ năng giao tiếp, tư duy phản biện và thái độ của sinh viên.
Những trường này hiểu rõ một điều: nhà lãnh đạo giỏi không chỉ cần đầu óc phân tích, mà còn cần trái tim biết cảm thông.
Việc một trường HSB lần đầu tiên chính thức đưa EQ vào quy trình tuyển sinh không chỉ là một điểm sáng đáng chú ý, mà còn là tín hiệu tích cực cho thấy giáo dục đại học đang từng bước tiến gần hơn với thực tiễn và chuẩn quốc tế. Trong thời đại mà trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và công nghệ đang làm thay đổi cách con người học tập và làm việc, thì trí tuệ cảm xúc chính là yếu tố con người nhất, khác biệt nhất và cũng quan trọng nhất.
Tổng hợp
Hoặc