Một cư dân mạng ở Trung Quốc đã kể lại câu chuyện mình tình cờ chứng kiến tại một nhà hàng và lập tức thu hút nhiều ý kiến bình luận. Theo đó, có một gia đình 3 người đến ăn. Trong lúc chờ đợi, đứa trẻ liên tục kêu đói bụng. Khi các món ăn được dọn lên, đứa trẻ liền cầm đũa ăn ngấu nghiến. Là một bé gái nhưng cách ăn uống của em chẳng khác gì một người đàn ông thô lỗ.
Người mẹ trông vậy liền quát lớn: "Con có phải con gái không vậy? Con không thể ăn từ từ được sao? Ai giành ăn với con à?". Người bố thấy tình hình không ổn vội giảng hòa: "Ôi chao, con đói mà, để con ăn đi, có gì to tát đâu".
Mẹ không nói thêm gì, đứa trẻ ngoan ngoãn giảm tốc độ ăn. Một lúc sau, đứa trẻ muốn gắp một miếng thịt xào ớt, nhưng tìm mãi trong đĩa mà không gắp được miếng thịt nào vừa ý.
Mẹ tức giận đập mạnh tay con bé: "Con đang làm gì đấy. Con ăn thì ăn, đừng làm mấy trò vô giáo dục như vậy! Những món này không ăn được sao? Con lật qua lật lại làm gì? Không thấy xấu hổ à?".
Đứa trẻ hoảng hốt nhìn mẹ, trông rất bối rối, khiến người khác nhìn mà cảm thấy thương. Người bố lại vội vàng giảng hòa tiếp: "Không sao, không sao, con cứ ăn đi", rồi quay sang nhắc vợ: "Nhiều người đang nhìn kìa, em cũng đừng tức giận nữa".
Người vợ nghe xong liền bùng nổ: "Chính vì anh quá nuông chiều nó, nên nó mới trở nên kiêu căng như vậy. Những gì dạy dỗ trước đây nó đều quên hết rồi!", rồi quay sang lườm con, khiến đứa trẻ im thin thít, không dám nói một lời.
Câu chuyện sau khi được chia sẻ trên mạng xã hội đã nhận về rất nhiều ý kiến của cộng đồng mạng. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, từ sự việc có thể thấy được 4 vấn đề:
Thứ nhất, đứa trẻ chưa nắm được các phép tắc lịch sự cơ bản trên bàn ăn: Tạm bỏ qua việc quát mắng của người mẹ thì việc giáo dục trẻ về cách ăn uống là vô cùng quan trọng. Trên bàn ăn, sự văn minh có thể được nhìn thấy trong từng chiếc đũa, thìa. Cách cư xử trên bàn ăn phản ánh những quy tắc và sự giáo dục của trẻ, đồng thời cũng phản ánh sự tôn trọng của trẻ đối với người khác.
Nếu một đứa trẻ không được giáo dục tốt thì dù có giỏi đến mấy cũng sẽ gây khó chịu. Ngược lại, một đứa trẻ biết phép tắc và phép xã giao sẽ được chào đón ở bất cứ nơi đâu nó đến.
Thứ 2, có người đặt câu hỏi: "Người mẹ này thật khó hiểu, nếu dạy con ở nhà tử tế thì đâu ra chuyện như thế này, còn chuyện bực mình ném đũa và chỉ đũa vào người là quá đáng". Thực tế, qua lời phàn nàn của người mẹ có thể thấy, người cha thường bênh vực, nuông chiều con, dẫn đến con bỏ ngoài tai lời mẹ dạy.
Rõ ràng, bố và mẹ không có sự thống nhất trong cách dạy con. Hậu quả của việc này là trẻ dễ bị nhầm lẫn và không biết đúng sai; thiếu kỷ luật và nảy sinh thói quen xấu; dễ trở nên ương bướng, chống đối; mất niềm tin và thiếu an toàn trong gia đình; ảnh hưởng đến tâm lý và cảm xúc; tạo ra mối mâu thuẫn trong quan hệ cha mẹ - con cái.
Thứ 3, hai vợ chồng này cãi vã gay gắt trước mặt con: Đây là hành động có thể tác động tiêu cực đến tâm lý trẻ, để lại nhiều hậu quả về sau.
Thứ 4, người mẹ quát tháo con ở nơi công cộng, điều này làm ảnh hưởng đến lòng tự trọng của con, khiến cho con bị xấu hổ, bẽ mặt, gây ra tâm lý sợ hãi. Việc này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến mối quan hệ cha mẹ - con cái, dễ khiến con càng nổi loạn hơn.
Một bữa ăn nhưng có thể nhìn ra những vấn đề trong cách giáo dục con cái của một gia đình. Thực tế, có những hành động rất nhỏ nhưng lại dẫn đến hậu quả tiêu cực về lâu, về dài, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh trong tương lai của một đứa trẻ.
Là cha mẹ, chúng ta cần để ý dạy con những phép tắc ứng xử cần thiết, đồng thời cũng cần chú ý lời ăn, tiếng nói của mình, biết phối hợp với nửa kia trong việc dạy dỗ con cái,... Chỉ khi làm được những điều đó, con cái chúng ta mới trưởng thành hạnh phúc và có tương lai xán lạn.
Hoặc