Giáo viên THPT được tập huấn nâng cao phương pháp giảng dạy STEM

17/09/2024 12:13

Trường Đại học Việt Đức (VGU) vừa khởi động chuỗi hoạt động STEM 2024 với chương trình tập huấn đặc biệt dành cho giáo viên THPT với nội dung "Nâng cao năng lực sử dụng thiết bị khoa học, kỹ thuật STEM dành cho giáo viên THPT" trong hai ngày 14 và 15 tháng 9 vừa qua.

Hợp tác giáo dục STEM giữa trường đại học và trường trung học phổ thông

Chương trình diễn ra tại khuôn viên Trường ĐH Việt Đức tại Bến Cát, Bình Dương, thu hút sự tham gia của giáo viên từ các trường THPT tại Bình Dương, Vĩnh Long và TP. Hồ Chí Minh. Tham gia chương trình, giáo viên được tiếp cận và thực hành với những công nghệ tiên tiến như Robotics, in 3D, và Internet vạn vật (IoT). Các hoạt động không chỉ tập trung vào lý thuyết mà còn hướng đến việc ứng dụng thực tiễn, giúp giáo viên hiểu rõ cách tích hợp STEM vào quá trình giảng dạy, từ đó tạo ra các hoạt động học tập sinh động và hiệu quả cho học sinh.

Chương trình tập huấn tập trung vào bốn chủ đề:

Mô hình IoT để giám sát, quan trắc điều kiện môi trường trên nền tảng tự xây dựng

Nghệ thuật sóng động học - Kinetic art wave

In 3D và Robotics trong dạy học STEM: từ lý thuyết đến thực hành

Tìm hiểu kết cấu công trình - Ứng dụng kiến thức phổ thông và dụng cụ đơn giản

Theo TS. Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Đức, giáo dục STEM tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều thử thách, trong đó bao gồm sự thiếu hụt về tài liệu, thiết bị giảng dạy và chuyên môn kỹ thuật. Nhận thấy điều này, VGU đã chủ động kết nối với các trường THPT thông qua các chương trình tập huấn nhằm nâng cao năng lực kỹ thuật cho giáo viên.

Khánh thành Innovation Hub – Maker Space

Trong khuôn khổ chương trình tập huấn, VGU đã khánh thành Innovation Hub – Maker Space, một không gian sáng tạo đa chức năng được tài trợ bởi Bộ Khoa học và Nghệ thuật Bang Hessen (Đức) với kinh phí đầu tư thiết bị ban đầu là 2.5 tỷ đồng. Đây là nơi giảng viên, sinh viên và các đối tác có thể nghiên cứu và phát triển các dự án liên ngành như cơ khí, khoa học máy tính, điện - điện tử, xây dựng và kiến trúc. Không gian này không chỉ phục vụ cho nghiên cứu mà còn là điểm đến để hợp tác, giải quyết các thách thức khoa học và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Giáo viên THPT được tập huấn nâng cao phương pháp giảng dạy STEM- Ảnh 1.

PGS TS. Phạm Thành Dương, quyền trưởng khoa Kỹ thuật VGU, phát biểu tại buổi lễ khánh thành Innovation Hub - Maker Space

Giáo viên THPT được tập huấn nâng cao phương pháp giảng dạy STEM- Ảnh 2.

Không gian Innovation Hub - Maker Space

Các giáo viên tham gia vào chương trình tập huấn cũng được trải nghiệm và thực hành trong không gian Innovation Hub - Maker Space. Mỗi giáo viên lựa chọn một chủ đề và làm việc theo nhóm để hoàn thành dự án trong vòng hai ngày. Sau khi kết thúc chương trình, các giáo viên sẽ tiếp tục kết nối với Innovation Hub – Maker Space của VGU để chuyển giao và áp dụng các dự án STEM thực tế tại trường học dành cho học sinh.

Thầy Huỳnh Phúc Linh, đại diện đến từ THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, tỉnh Vĩnh Long chia sẻ: "Bốn buổi tập huấn đem đến cảm hứng và động lực để mình đổi mới phương pháp giảng dạy, trước đây mình rất muốn tổ chức các hoạt động STEM cho học sinh nhưng vẫn chưa tự tin về cách thức triển khai, sau chương trình này mình sẽ ngay lập tức lên kế hoạch để thực hiện dự định này."

Giáo viên THPT được tập huấn nâng cao phương pháp giảng dạy STEM- Ảnh 3.

Các giáo viên THPT hoàn thành chương trình tập huấn trong 2 ngày

Khởi động chuỗi chương trình VGU STEM 2024 - Chuyển đổi xanh

Năm 2024, chương trình STEM của VGU kỳ vọng mở rộng quy mô, tiếp cận nhiều hơn nữa các trường THPT trên toàn khu vực miền Nam với mục tiêu thúc đẩy tư duy STEM để giải quyết các vấn đề kỹ thuật thực tế.

Chương trình tập huấn lần này chỉ là bước khởi đầu cho chuỗi hoạt động STEM 2024 của VGU với chủ đề "Chuyển đổi xanh". Bắt đầu từ ngày 22/9, hoạt động VGU STEM sẽ đến tỉnh Vĩnh Long để tổ chức các thử thách STEM cho 1.000 học sinh của tỉnh. Thông qua các thử thách được thiết kế xoay quanh những tình huống thực tiễn, các bạn học sinh sẽ vừa được trải nghiệm, vừa khám phá cách kiến thức STEM có thể đóng góp vào quá trình chuyển đổi xanh hiện nay. Đây là cơ hội để học sinh không chỉ học mà còn "thực hành khoa học" một cách sinh động, từ đó làm giàu thêm sự hiểu biết và niềm đam mê trong lĩnh vực này.