Thành An 96 được thuê gần 6ha khai thác đất làm vật liệu san lấp không qua đấu giá
Ông Trần Nam Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, vừa có quyết định về việc cho Công ty Cổ phần xây lắp Thành An 96 thuê đất để thực hiện dự án khai thác đất làm vật liệu xây dựng san lấp, xây dựng công trình.
Theo đó, Công ty Cổ phần xây lắp Thành An 96 được thuê 5,8ha đất tại khu vực Hóc Tra, thôn Thạnh Xuyên, xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên, để thực hiện dự án khai thác đất làm vật liệu san lấp, xây dựng công trình.
Khoáng sản tại đây chỉ được cung cấp nguyên vật liệu phục vụ thi công các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh, gồm: Đường nối Quốc lộ 14H đến ĐT.609C huyện Duy Xuyên và huyện Đại Lộc; hoàn thiện đường ven biển 129 (Võ Chí Công); Cầu Vân Ly và đường dẫn thuộc huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn.
Thời gian sử dụng đất đến 3/11/2026. Doanh nghiệp thuê đất trả tiền hàng năm, theo bảng giá đất do UBND tỉnh quy định.
Phương thức cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo quy định tại điểm k khoản 3 Điều 124 Luật Đất đai 2024.
Trữ lượng khoáng sản tính tiền cấp quyền khai thác của dự án này là 727 nghìn m3 đất san lấp, xây dựng công trình. Gía tính tiền cấp quyền khai thác khoảng sản tại thời điểm phê duyệt 77,4 nghìn đồng mỗi m3. Tổng giá trị tiền cấp quyền khai thác gần 1,5 tỷ đồng.
Tình trạng khan hiếm vật liệu để san lấp công trình tại tỉnh Quảng Nam đang diễn ra nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện nhiều dự án quan trọng.
Theo ghi nhận, dự án QL1A và QL14H (gọi là tuyến đường ĐH20) dài hơn 4,4km có tổng mức đầu tư gần 250 tỷ đồng triển khai thi công hơn 4 năm nhưng hiện tại chỉ mới thi công 2 cây cầu Tây An 1 và Tây An 2.
Tuy nhiên, đường dẫn lên 2 cây cầu đang thiếu đất đắp nền nham nhở. Dự án Hoàn thiện đường ven biển 129 (Võ Chí Công), đường DT609 tại huyện Duy Xuyên cũng triển khai chậm…
Nhiều chủ nhà thầu cho hay, sở dĩ nhiều dự án tại tỉnh Quảng Nam đang chậm tiến độ do nguồn đất K95 sử dụng để đắp nền đường trên địa bàn khan hiếm do các mỏ hết hạn khai khác và vướng mắc về thủ tục không được cấp phép hoạt động.
Thời điểm ký hợp đồng, giá đất chỉ 80 nghìn đồng/m3, nhưng do khan hiếm nguồn đất hiện nay giá đất đã tăng khoảng 200 nghìn đồng/m3 nhưng không có đất để mua.
Thúc đẩy giải pháp để giảm thiếu đất thi công công trình
Trước thực trạng này, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn khẩn trương tháo gỡ tình hình thiếu đất san lấp và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đối với 40 giấy phép khai thác khoáng sản bao gồm đất, đá, cát, sỏi lòng sông đã được cấp và còn hiệu lực, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các huyện liên quan cần yêu cầu các đơn vị chủ mỏ tổ chức khai thác theo đúng công suất được cấp phép.
UBND tỉnh cũng nhấn mạnh việc tăng cường kiểm soát, nghiêm cấm các hoạt động khai thác cầm chừng, gây khan hiếm vật liệu nhằm nâng giá bán, đồng thời sẽ xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, đối với các điểm mỏ vật liệu đã được tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam sẽ phối hợp với các địa phương để đôn đốc, hướng dẫn và tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết các thủ tục cần thiết liên quan đến thăm dò khoáng sản, đất đai, đầu tư và cấp giấy phép khai thác.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị các huyện như Quế Sơn, Đại Lộc, Phú Ninh, Tiên Phước, Phước Sơn, Tây Giang và thị xã Điện Bàn khẩn trương tổ chức đấu giá 22 điểm mỏ vật liệu đã được phê duyệt danh mục và kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Các địa phương cần nhanh chóng lựa chọn và hướng dẫn đơn vị trúng đấu giá thực hiện các bước thủ tục tiếp theo để cấp phép và đưa mỏ vào hoạt động khai thác.
Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam cũng yêu cầu lãnh đạo UBND tỉnh tăng cường kiểm tra thực tế để nắm bắt tình hình thiếu hụt nguồn đất đắp nền, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ các dự án và yêu cầu giải ngân vốn đầu tư công.
Hoặc