Gửi tiết kiệm 350 triệu đồng với lãi suất 5%/năm, 1 năm sau cụ ông đến rút tiền thì ngân hàng tuyên bố: "Tài khoản của bác là 0 đồng"

18/09/2024 05:30

Số tiền tiết kiệm cả đời biến mất, cộng thêm lời giải thích vô lý từ phía ngân hàng khiến cụ ông 70 tuổi không khỏi hoang mang.

Từ vài trăm triệu đồng chỉ còn 0 đồng

Một ngày đầu tháng 1/2019, tại một chi nhánh ngân hàng ở thành phố Củng Nghĩa, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), cụ ông họ Trương, 70 tuổi và con trai của mình đang vô cùng bức xúc tranh cãi với nhân viên ngân hàng. Ông Trương đòi ngân hàng này trả lại số tiền 100.000 NDT (khoảng 350 triệu đồng) mà ông đã gửi tại đây 1 năm trước. Tuy nhiên, nhân viên khăng khăng nói rằng số dư tài khoản của ông hiển thị là 0 đồng. Điều này dẫn đến đôi bên lời qua tiếng lại.

Khi sự việc ngày càng căng thẳng hơn, giám đốc chi nhánh ra mặt để xoa dịu ông Trương và nói với ông rằng số tiền 100.000 NDT của ông vẫn còn nguyên trong tài khoản, chỉ là hệ thống đang được bảo trì nên chưa rút được. Giám đốc khuyên ông Trương và con trai tạm thời về nhà trước, hôm sau quay trở lại.

Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên ông Trương đến đây yêu cầu rút tiền tiết kiệm. Từ tháng 9/2018 đến tháng 1/2019, không biết bao lần ông Trương đến ngân hàng rồi lại về tay trắng. Lần nào các nhân viên và quản lý cấp cao đều dùng hết lý do này đến lý do khác để trì hoãn và cuối cùng tuyên bố thẳng thừng trong tài khoản của ông không có tiền. Rốt cuộc điều gì đã xảy ra với số tiền của ông Trương? Tại sao ngân hàng lại có động thái kỳ lạ như vậy?

Gửi tiết kiệm 350 triệu đồng với lãi suất 5%/năm, 1 năm sau cụ ông đến rút tiền thì ngân hàng tuyên bố: "Tài khoản của bác là 0 đồng"- Ảnh 1.

Nhân viên ngân hàng nhiều lần tìm cách thoái thác, không cho ông Trương rút tiền tiết kiệm

Quay trở lại năm 2017, ông Trương mang 100.000 NDT (khoảng 350 triệu đồng) tiền mặt tích góp được, đến ngân hàng để gửi tiết kiệm. Khi đó, nhân viên giao dịch nói với ông Trương ngân hàng vừa cho ra mắt sản phẩm tài chính mới, gửi tiết kiệm lãi suất ở mức cao là 5%. Nếu ông Trương sử dụng sản phẩm đó, với số tiền gửi 100.000 NDT, sau 1 năm ông sẽ có thêm 5.000 NDT (hơn 17 triệu đồng).

Nghe vậy, ông Trương nhanh chóng đồng ý và thậm chí còn về khoe với con trai rằng mình gửi tiền ngân hàng có lãi suất rất tốt. Con trai ông Trương mặc dù thấy không yên tâm, nhưng vì thấy ông đưa ra giấy tờ xác minh đầy đủ nên không tìm hiểu thêm nữa.

Tìm cách đòi lại số tiền đã mất

Lần này, thấy bố mình tuổi đã cao vẫn phải liên tục đến ngân hàng đòi tiền, con trai ông Trương quyết định liên hệ với phóng viên và cảnh sát, nhờ làm rõ vụ việc. Khi phóng viên, cảnh sát địa phương cùng bố con ông Trương đến trụ sở ngân hàng, giám đốc mới thay đổi thái độ, nhanh chóng mời họ vào phòng làm việc.

Tại đây, giám đốc ngân hàng giải thích rằng vấn đề nằm ở loại tài khoản mà ông Trương đã mở. Người này cho biết nhân viên giao dịch đã tự động nâng cấp thẻ của ông Trương lên hạng vàng, còn thẻ bình thường mà ông dùng trước đây tự động bị hệ thống hủy bỏ. Nhưng hai tấm thẻ này lại có số tài khoản khác nhau. Một năm sau, số tiền cả gốc lẫn lãi của ông Trương được hoàn đầy đủ vào tài khoản thẻ cũ, điều này dẫn đến việc nhân viên không kiểm tra được trên hệ thống.

Gửi tiết kiệm 350 triệu đồng với lãi suất 5%/năm, 1 năm sau cụ ông đến rút tiền thì ngân hàng tuyên bố: "Tài khoản của bác là 0 đồng"- Ảnh 2.

Ông Trương chia sẻ với phóng viên về sự việc

Lời giải thích của giám đốc ngân hàng khiến con trai ông Trương cảm thấy cực kỳ vô lý và nhiều lỗ hổng. Tại sao phía ngân hàng không giải thích như vậy từ đầu, mà khi có phóng viên và cảnh sát mới nói đã chuyển tiền vào tài khoản cũ?

Cuối cùng, ngân hàng nhận đây là sai sót trong quy trình làm việc cũng như lỗi hệ thống, dẫn đến tình trạng này. Phía ngân hàng nhanh chóng làm thủ tục hoàn trả đầy đủ toàn bộ số tiền cả gốc lẫn lãi 105.000 NDT (hơn 360 triệu đồng) cho ông Trương.

Mặc dù đã được nhận lại tiền tiết kiệm của mình, ông Trương cho biết ông đã mất niềm tin vào ngân hàng này và quyết định sẽ không bao giờ sử dụng dịch vụ của họ nữa.

(Theo 163.com)