Hà Nội gia tăng trẻ nhập viện vì Covid-19, bác sĩ đưa ra khuyến nghị bảo vệ trẻ mùa dịch

Admin

28/05/2025 16:30

Khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, Bệnh viện Nhi Hà Nội ghi nhận số trẻ mắc COVID-19 gia tăng rõ rệt. Hiện 20 trẻ mắc COVID-19 nằm điều trị tại đây.

Các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội cũng ghi nhận số trẻ nhập viện vì COVID-19 gia tăng. Phần lớn trẻ mắc bệnh nhẹ, một số cháu gặp các biến chứng như viêm phổi, viêm thanh quản, sốt cao co giật.

Tuy nhiên, không vì thế mà các bậc phụ huynh có thể lơ là trong việc bảo vệ trẻ.

Hà Nội gia tăng trẻ nhập viện vì Covid-19, bác sĩ đưa ra khuyến nghị bảo vệ trẻ mùa dịch- Ảnh 1.

Chủng NB.1.8.1 đang hoành hành, không được lơ là trong bảo vệ trẻ nhỏ

Lấy ví dụ về một ca bệnh nặng ở trẻ, bác sĩ cấp cứu nhi khoa Ngô Xương Đằng (Đài Loan, Trung Quốc) cho biết, ca bệnh nặng nhỏ tuổi nhất được báo cáo tại địa phương gần đây là một bé trai 1 tháng tuổi, xuất hiện triệu chứng ho, sổ mũi, sốt vào cuối tháng 5, sau đó có biểu hiện thở gấp và viêm phổi.

Kết quả xét nghiệm cho thấy âm tính với cúm, dương tính với COVID-19, kèm theo tình trạng giảm oxy trong máu, tích tụ CO2, dẫn đến nhiễm toan. Bé được chuyển khẩn cấp vào ICU (khoa hồi sức tích cực). Sau 7 ngày nằm viện, tình trạng sinh tồn ổn định, nhưng chức năng hô hấp vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.

NB.1.8.1 là gì? Vì sao nguy hiểm?

Theo Sở Y tế TP.HCM, 83% mẫu giải trình tự gene của bệnh nhân Covid-19 hiện nay là NB.1.8.1. Đây là biến chủng đang lưu hành tại nhiều nước trên thế giới, có tốc độ lây lan nhanh, là nhánh phụ mới của Omicron, với các đặc điểm đáng chú ý sau:

- Khả năng lây nhiễm tăng mạnh: Theo dữ liệu giám sát dịch tễ, NB.1.8.1 lây lan nhanh hơn gấp 2–3 lần các chủng trước, hiện đã trở thành chủng chủ đạo ở Trung Quốc và Đông Nam Á.

- Khả năng né tránh miễn dịch cao: Biến thể này có 2 đột biến quan trọng (Q493E và A435S), giúp virus tránh được miễn dịch sẵn có trong cơ thể – nghĩa là ngay cả người đã tiêm vaccine hoặc từng nhiễm bệnh cũng có thể bị tái nhiễm.

- Độc lực nhìn chung thấp hơn, nhưng vẫn nguy hiểm với nhóm có nguy cơ cao: Dù tỷ lệ bệnh nặng và tử vong đã giảm, nhưng trẻ sơ sinh, người có hệ miễn dịch yếu, và người có bệnh nền vẫn rất dễ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Triệu chứng thường gặp ở trẻ khi nhiễm NB.1.8.1

Dựa trên quan sát lâm sàng tại khoa cấp cứu nhi, bác sĩ Ngô cho biết các triệu chứng của NB.1.8.1 thường giống cảm lạnh thông thường hoặc cúm nhẹ, bao gồm:

- Sốt nhẹ (đa số dưới 38,5 độ C).

- Đau họng (một số trẻ có cảm giác đau nhói rõ rệt).

- Mệt mỏi, đau nhức cơ bắp.

- Sổ mũi, ho nhẹ.

Khuyến nghị bảo vệ trẻ trong mùa dịch

Bác sĩ Ngô nhấn mạnh: dù NB.1.8.1 có vẻ nhẹ hơn, nhưng trong bối cảnh lây lan mạnh trong cộng đồng, cần nghiêm túc phòng ngừa, đặc biệt với gia đình có trẻ nhỏ. Ông khuyến nghị:

- Theo dõi sát triệu chứng của trẻ: Nếu thấy sốt cao, thở gấp, mệt mỏi bất thường, nên đưa đi khám sớm.

- Nghỉ ngơi tại nhà, tránh tụ tập: Sau khi chẩn đoán, cần nghỉ ngơi đầy đủ, hạn chế ra ngoài, nếu cần thiết hãy đeo khẩu trang đúng cách.

- Hoàn thành lịch tiêm vaccine COVID-19: Trẻ đủ điều kiện nên tiêm đủ các mũi vaccine để giảm nguy cơ bệnh nặng.

- Phân biệt với các virus khác: Nếu sốt trên 39°C, có khả năng là cúm. Nếu nghẹt mũi, hắt hơi là chủ yếu, có thể là virus cảm thông thường (rhinovirus).

(Tổng hợp)