Hồ sơ đất đai nộp sau 1/8 bị 'treo', lãnh đạo TP.HCM nói gì?

18/08/2024 20:30

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết đầu tuần tới sẽ gửi văn bản xin ý kiến của Chính phủ và các bộ, ngành hướng dẫn xử lý các hồ sơ đất đai sau ngày 1/8.

Lãnh đạo TP.HCM cho biết sẽ xin ý kiến chỉ đạo từ Chính phủ và các bộ ngành để giải quyết các hồ sơ đất đai sau ngày 1/8. Ảnh: Quỳnh Danh.

Trong chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời do HĐND TP.HCM tổ chức ngày 18/8 với chủ đề "Luật Đất đai 2024 - Quyền lợi, nghĩa vụ người dân - Trách nhiệm chính quyền", nhiều cử tri phản ánh thực trạng nhiều hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nộp sau ngày 1/8 đang bị "treo".

Cơ quan thuế tại các quận, huyện và TP Thủ Đức vẫn tiếp nhận hồ sơ nhưng chưa thể tính tiền sử dụng đất phải nộp. Cử tri chất vấn khi nào TP giải quyết các hồ sơ này, tiền sử dụng đất được tính theo bảng giá nào, và việc chậm trễ này có vi phạm pháp luật hay không.

Trả lời cử tri, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết theo Luật Đất đai 2024, nếu UBND cấp tỉnh có điều chỉnh bảng giá đất từ 1/8 thì phải tính nghĩa vụ tài chính theo bảng giá mới. Tuy nhiên, TP.HCM chưa ban hành bảng giá đất điều chỉnh nên đang chờ hướng dẫn từ các cấp trung ương.

"Nhưng việc này không làm ách tắc hồ sơ, các cơ quan đang thụ lý giải quyết hồ sơ thì phải giải quyết hồ sơ", ông Thắng khẳng định.

Theo ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, không chỉ TP mà các địa phương khác đều đang gặp vướng mắc ở khâu xác định nghĩa vụ tài chính khi xử lý các hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, bởi "chưa biết tính theo bảng giá nào".

Do đó, TP.HCM đã chuẩn bị văn bản và đầu tuần sau sẽ ký văn bản để báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.

Ông Cường cũng nhấn mạnh UBND TP.HCM sẽ kịp thời ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền trong tháng 8 và tháng 9 để đảm bảo bao phủ tất cả nội dung khi thực thi Luật Đất đai 2024 và các luật mới, phù hợp các quy định của luật và tình hình thực tiễn tại địa phương.

Đặc biệt là đối với các trường hợp đang được người dân quan tâm như tách thửa, hợp thửa, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký biến động đất đai đối với tài sản có tranh chấp.

Lãnh đạo TP cũng khẳng định sẽ chuẩn bị rất kỹ lưỡng và đúng trình tự đối với bảng giá đất lần đầu áp dụng từ năm 2026.

Trước đó, ông Nguyễn Toàn Thắng nhấn mạnh TP.HCM xác định việc xây dựng bảng giá đất điều chỉnh là nội dung phức tạp, tác động rất nhiều đến người dân nên TP rất thận trọng. Dù đã hết thời gian lấy ý kiến người dân, TP vẫn đã, đang và sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị để tiếp thu, nhận phản biện về nội dung này.

Sở TN&MT sẽ tiếp thu đầy đủ, sau đó Hội đồng thẩm định bảng giá đất TP sẽ độc lập thẩm định. Khi hội đồng thẩm định thông qua, Sở sẽ tiếp thu, hoàn chỉnh, trình Sở Tư pháp thẩm định trước khi trình UBND TP ban hành quyết định.

Một trong những tác động khác được quan tâm liên quan bảng giá đất là vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng tại các dự án đầu tư công. Theo ông Phạm Trung Kiên, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) TP.HCM, một số dự án ghi nhận tăng mạnh là cải tạo Rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh, Gò Vấp) tăng khoảng 7.000 tỷ đồng, cải tạo Bờ bắc Kênh Đôi (quận 8) tăng 2.500 tỷ đồng.

Với một số dự án khác, chi phí bồi thường có tăng nhưng vẫn nằm trong tổng mức đầu tư và sẽ lấy trong phần chi phí dự phòng, do đó không phát sinh thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư. Với những dự án cần điều chỉnh, Sở KHĐT đã tham mưu UBND TP giao các sở ngành thực hiện các thủ tục.

Về vấn đề nguồn vốn, Sở KHĐT đã chủ động đánh giá khả năng giải ngân của các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, theo đó dự kiến điều chuyển vốn, giảm vốn của các dự án chậm triển khai hoặc chưa triển khai do vướng mắc thủ tục sang các dự án cần tăng vốn.

"Sở KHĐT đảm bảo đủ vốn cho các công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cho TP, đáp ứng tiến độ triển khai các dự án, không để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản, không để lãng phí ngân sách Nhà nước", ông Kiên khẳng định.

TP.HCM đang lấy ý kiến về dự thảo bảng giá đất điều chỉnh, dự kiến áp dụng đến hết năm nay. Từ ngày 19 đến 23/8, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cũng sẽ khảo sát, thăm dò ý kiến người dân qua Internet về dự thảo này.

Theo dự thảo hiện tại, giá đất tại nhiều quận được điều chỉnh tăng trung bình 5-10 lần, một số địa phương thuộc khu vực ngoại thành như Hóc Môn, Củ Chi tăng 15-50 lần so với bảng giá hiện tại.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.