Học sinh vẽ hình "bạn thân nhất của em", xem xong bức vẽ cô giáo hốt hoảng gọi điện báo vội cho phụ huynh

18/09/2024 20:12

Sự thật đằng sau khiến cho cả cô giáo và gia đình hoang mang, lo lắng.

Rất nhiều trẻ em có niềm đam mê với vẽ vời, hội họa. Thế nhưng, khả năng mỹ thuật chưa hoàn thiện nên thành phẩm đôi khi là những bức tranh với đường nét nguệch ngoạc, hài hước hoặc khó hiểu.

Các bậc phụ huynh, thầy cô thường nghĩ rằng những hình ảnh đó hoàn toàn vô nghĩa, chỉ là xuất phát từ trí tưởng tượng của trẻ thôi. Nhưng thực tế, theo tâm lý học thì những gì trẻ thể hiện qua bức tranh lại phản ánh được rất nhiều về suy nghĩ, quan điểm, mối quan hệ hoặc thậm chí vấn đề trẻ đang gặp phải.

Đó chính là lý do mà một cô giáo ở Trung Quốc đã vô cùng lo lắng khi nhìn thấy bức tranh vẽ mẹ của học sinh 7 tuổi sau đây.

Được biết, cô giáo giao cho học sinh bài tập vẽ tranh với chủ đề "người bạn thân nhất của em", khi nhận kết quả, có 1 bức vẽ khiến cô giật mình. Bên cạnh cô bé là một hình thù kỳ dị màu đen với đôi măt to, không tròng. Hai "đứa trẻ" cầm tay nhau thân thiết. Cô liền gọi cho phụ huynh để trao đổi.

Sau khi nói chuyện, giáo viên và phụ huynh mới biết "người bạn" mà bé vẽ là một người ngoài hành tinh. Thoạt nhìn thì chủ đề này có vẻ bình thường vì ở nhà đứa trẻ cũng hay xem hoạt hình có sự xuất hiện của người ngoài hành tinh, thế nhưng sự thật đằng sau mới khiến cho cả cô giáo và gia đình hoang mang, lo lắng.

Hoá ra, ở trường cô bé bị các bạn học xa lánh, không chơi cùng vì ganh tỵ thành tích học tập. Cô bé không kết bạn được với ai nên khi nhận được chủ đề vẽ tranh về người bạn thân, chỉ có thể vẽ một nhân vật tưởng tượng. Đáng nói là cả cô giáo và cha mẹ bé đều không hề hay biết. 

Học sinh vẽ hình "bạn thân nhất của em", xem xong bức vẽ cô giáo hốt hoảng gọi điện báo vội cho phụ huynh- Ảnh 1.

Bức ảnh khiến cô giáo hốt hoảng

Thay vì chỉ biết xót xa khi con bị cô lập ở trường, đây mới là 5 điều bố mẹ nên làm để giúp con 

"Các bạn ghét con".

"Con chẳng có bạn nào chơi cùng".

Đây chắc chắn là những điều không bố mẹ nào muốn nghe từ con mình. Theo bản năng, nhiều phụ huynh lập tức xót xa, an ủi và khẳng định ngay với con rằng: Không có bạn chơi cùng không có nghĩa là con có vấn đề. Một số người thì lập tức tìm bạn mới giúp con. Tuy nhiên những việc này nhìn chung không giải quyết được gốc rễ của vấn đề.

Dưới đây là những điều mà cha mẹ nên làm để dạy con cách giải quyết tình trạng bị cô lập.

Lắng nghe con nói

Mỗi đứa trẻ đều có thể có một ngày tồi tệ vì những điều nhỏ nhặt mà con không thích. Có thể là một cuộc tranh cãi nho nhỏ hay vì một món đồ chơi mà con không có. Điều này có thể dễ dàng khiến con bực tức và xả giận ngay khi về nhà bằng những câu nói vô cùng tiêu cực.

Để xác định được tình trạng của con không gì tốt hơn cách lắng nghe. Thông qua hành động này, cha mẹ có thể hiểu rằng con mình đang gặp phải tình trạng gì. Con chỉ đang bực tức hay thực sự bị bắt nạt và cô lập ở trường.

Công nhận cảm xúc của con

Khi nghe con nói, hãy đồng cảm và công nhận những cảm xúc mà con đang trải qua. Cho con biết rằng cha mẹ rất hiểu những điều mà con đang trải qua và cha mẹ ở đây để lắng nghe những điều đó cùng con.

Việc được công nhận cảm xúc sẽ giúp trẻ có thêm trải nghiệm về cảm xúc đó cũng như hình thành khả năng quản trị cảm xúc ngay từ khi còn nhỏ.

Đặt câu hỏi mở

Trong lúc lắng nghe và nói chuyện với con, đừng quên đưa ra những câu hỏi mở để con có thể dễ dàng giãi bày hơn những điều mà con khó nói. Ví dụ như: Tại sao con lại nghĩ vậy?

Cha mẹ sẽ cần nhiều câu hỏi mở tùy vào từng tình huống để dẫn dắt con đến với cảm xúc của mình, nắm bắt và giải quyết nó. Cũng như giúp con tìm hiểu rõ rằng vấn đề mà con đang gặp phải, từ đó con sẽ tự mình nghĩ ra cách giải quyết phù hợp với bản thân.

Để con tự mình quyết định việc nên làm

Khi cuộc trò chuyện bắt đầu cởi mở rõ ràng hơn, cha mẹ và con có thể cùng nhau đưa ra nguyên nhân cũng như cách giải quyết cho tình trạng mà con đang gặp phải. Dù sự việc nhỏ hay to, đơn giản hay phức tạp thì cha mẹ vẫn luôn phải để con là người quyết định việc mình sẽ làm.

Đó không chỉ là việc trao quyền cho con mà còn là cách thúc đẩy con tự tin và rèn luyện kỹ năng xử lý vấn đề của mình. Để khi gặp phải những vấn đề tương tự, con sẽ có kinh nghiệm và biết phải làm gì phù hợp với bản thân.

Đánh giá những kỹ năng xã hội của con

Sau khi cùng con vượt qua những khủng hoảng về sự cô lập, cha mẹ sẽ đánh giá được chính xác những kỹ năng xã hội mà con đang có. Nếu con nhút nhát, ngại giao tiếp, chia sẻ hoặc quá quyết đoán cũng có thể rơi vào tình trạng ít bạn chơi cùng.

Cha mẹ cần hiểu về kỹ năng xã hội của con, bồi đắp để con có thể thay đổi bản thân mình. Như vậy sẽ giúp con tự tin, thoải mái hơn trong cuộc sống.