Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thống kê đến ngày 25/9, có hơn 94.000 khách hàng vay nợ chịu ảnh hưởng của bão Yagi. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết các tổ chức tín dụng đã rà soát đánh giá thiệt hại của khách hàng vay vốn sau cơn bão số 3 (bão Yagi).
Tính đến ngày 25/9, dư nợ bị ảnh hưởng của bão Yagi của tất cả tỉnh, thành phố là 165.000 tỷ đồng và hơn 94.000 khách hàng chịu ảnh hưởng. Trong đó, Quảng Ninh là tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất với hơn 17.500 khách hàng bị ảnh hưởng, tổng dư nợ 46.425 tỷ đồng.
Thống đốc cho biết sau bão, lãnh đạo NHNN đã trực tiếp khảo sát ở 2 tỉnh Hải Phòng và Quảng Ninh, đồng thời tổ chức làm việc với các tổ chức tín dụng để bàn các giải pháp và sau đó đã có hội nghị trực tuyến với hệ thống ngân hàng, mời UBND 26 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng do mưa bão cùng làm việc.
Tại hội nghị này, đã có 32 tổ chức tín dụng công bố các gói cho vay hỗ trợ lãi suất thấp hơn 0,5-2% lãi vay thông thường. Tạm tính, tổng trị giá các gói tín dụng ưu đãi này vào khoảng 405.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, cơ quan quản lý tiền tệ đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát đánh giá thiệt hại, chủ động các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị tác động bởi cơn bão. Đặc biệt kêu gọi các tổ chức tín dụng thông qua Mặt trận Tổ quốc ủng hộ khoảng 40 tỷ đồng.
Thời gian tới, để tăng nguồn tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, nhà điều hành đề xuất cấp thẩm quyền bố trí nguồn vốn cho các chương trình tín dụng chính sách đang thực hiện ở Ngân hàng Chính sách xã hội.
Trường hợp cần thiết, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề xuất các Bộ, ngành trình Thủ tướng bổ sung chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong năm 2024-2025.
Lãnh đạo NHNN cũng đề nghị UBND các tỉnh thành cùng ngân hàng nắm tình hình, hoàn thiện hồ sơ vay nợ, khoanh nợ cho doanh nghiệp, người dân.
Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh một trong những mục tiêu quan trọng vẫn là khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Thủ tướng cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát, tổng hợp thiệt hại, đưa ra các chính sách hỗ trợ lãi suất, khoanh, giãn nợ, tiếp tục cho vay để người dân, doanh nghiệp khôi phục hoạt động.
Các địa phương rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục còn một nửa thông thường khi doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, chủ hộ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp đề xuất, đầu tư các dự án mới.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu cơ quan thuế, ngân hàng tiến hành khoanh, giãn nợ, giảm 100% các khoản thuế phải nộp đến hết ngày 31/12/2025 với nhóm khách hàng này.
Các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm được yêu cầu sớm bồi thường tổn thất cho bên mua bảo hiểm.
Theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 20/9, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã ghi nhận 23 trường hợp khách hàng tử vong, 6 trường hợp thuộc nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe vì ảnh hưởng của bão Yagi, tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm vào khoảng 13 tỷ đồng.
Đối với bảo hiểm phi nhân thọ, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tiếp nhận khoảng 12.000 thông tin thiệt hại về bảo hiểm tài sản, xe cơ giới, bảo hiểm sức khỏe, ước tính thiệt hại khoảng 9.000 tỷ. Hiện nay các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã tạm ứng bồi thường tổng số tiền 9,9 tỷ.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.
Hoặc