Sáng ngày 23/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức Hội nghị Sơ kết sản xuất trồng trọt năm 2024; triển khai kế hoạch năm 2025 vùng Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung chủ trì Hội nghị. Tham dự có đại diện lãnh đạo các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ; các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức quốc tế.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo đánh giá kết quả thực hiện chỉ đạo sản xuất trồng trọt vụ Hè Thu, vụ Mùa và cả năm 2024, kết quả sản xuất cây ăn quả và cây công nghiệp năm 2024; triển khai kế hoạch sản xuất phù hợp, ứng phó với tình hình khô hạn vụ Đông Xuân (2024 - 2025) tại vùng Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Báo cáo tình hình dịch hại và giải pháp quản lý sâu bệnh gây hại trên cây trồng vụ Hè Thu, vụ Mùa năm 2024 và dự báo vụ Đông Xuân (2024 - 2025); thực trạng và định hướng công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và mã số vùng trồng vùng Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Báo cáo của Cục Trồng trọt cho biết, sản xuất lúa cả năm 2024 của vùng ước đạt 1.030 nghìn ha, năng suất ước đạt 60,48 tạ/ha, tăng 0,37 tạ/ha và sản lượng ước 6.229 nghìn tấn, tăng 15,6 nghìn tấn so năm 2023.
Riêng cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày luôn được các tỉnh trong vùng quan tâm chỉ đạo phát triển, góp phần quan trọng trong cơ cấu cây trồng.
Ngoài ra, từng bước hoàn thiện các kỹ thuật canh tác, sơ chế, tồn trữ, bảo quản, vận chuyển... đạt vệ sinh an toàn thực phẩm góp phần tăng giá trị và lợi nhuận…
Năm 2024, tổng diện tích gieo trồng của tỉnh Bình Thuận là 308.438 ha, đạt 100,83% kế hoạch, trong đó diện tích cây hàng năm là 199.622 ha, đạt 101,37% kế hoạch; diện tích cây lâu năm là 108.816 ha, đạt 100,29% kế hoạch.
Đã hình thành được một số vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng chuyên canh lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhất là các loại cây trồng chủ lực của tỉnh như cây thanh long, cây cao su, cây điều, cây sầu riêng.
Phát huy được tiềm năng về đất đai của từng địa phương để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; tính đến nay, tỉnh Bình Thuận đã thu hút được 14 dự án nông nghiệp công nghệ cao/253 dự án nông nghiệp, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 78,6 ha.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải cho biết, Hội nghị là cơ hội để tỉnh Bình Thuận trao đổi, học hỏi kinh nghiệm với các tỉnh bạn trong sản xuất nông nghiệp cũng như kết nối tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng, lợi thế, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh vào các hệ thống phân phối, các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối của các tỉnh Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.
Đồng thời, Bình Thuận mong muốn được phối hợp với các tỉnh bạn đẩy mạnh phát triển lĩnh vực nông nghiệp theo hướng bền vững, nhất là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung đánh giá cao công tác chỉ đạo sản xuất trồng trọt của các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ trong năm 2024.
Kết quả, diện tích gieo trồng cây lúa ước đạt 1 triệu ha; năng suất ước đạt 60,48 tạ/ha, tăng 0,37 tạ/ha; sản lượng ước đạt 6,2 triệu tấn, tăng 15,6 nghìn tấn so với năm 2023; diện tích cây ăn quả đạt trên 410 nghìn ha, bằng 32,6% tổng diện tích cả nước; hình thành được vùng sản xuất cây ăn quả tập trung như sầu riêng, thanh long, chanh leo, bơ, xoài, chôm chôm, nho, táo…; tái canh cây cà phê tại Tây Nguyên.
Thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung đề nghị các địa phương tuân thủ nghiêm túc kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân (2024 - 2025) vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ.
Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ tình hình phát sinh gây hại các loài dịch hại chính, có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.
Rà soát nguồn lực cung ứng giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo chất lượng... đáp ứng nhu cầu của nông dân và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.
Tăng cường công tác giám sát, đánh giá, thanh tra, kiểm tra mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu và nội địa; tiếp tục hướng dẫn các địa phương đánh giá, giám sát và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho các đối tượng cây trồng phục vụ cho các thị trường xuất khẩu.
Hoặc