Kiếm 25-30 triệu/tháng, dân văn phòng đang hái ra tiền từ “job ngoài” thế nào?

Admin

05/04/2025 08:30

Họ đã tìm những cơ hội gia tăng thu nhập từ đâu?

Câu nói "Người ăn không hết, kẻ lần không ra" dường như phản ánh rất đúng thực trạng của dân văn phòng khi nói đến chuyện kiếm thêm nghề tay trái. Có người ban ngày miệt mài 8-9 tiếng ở công ty, đêm đến lại tiếp tục nhận thêm 2-3 công việc khác để tăng thu nhập. Trong khi đó, không ít người cật lực tìm kiếm cơ hội làm thêm, mong có một công việc freelance nào đó phù hợp, nhưng tìm mãi vẫn không thấy điều gì "đáng ăn".

Điều gì tạo nên sự khác biệt giữa hai thái cực này? Cùng lắng nghe câu chuyện từ những người trẻ dưới đây, biết đâu bạn sẽ nhận ra hướng đi cho chính mình.

Kiếm 30 triệu/tháng từ job tay trái

Đó là câu chuyện của Đức Huy (27 tuổi), đang làm lập trình viên fulltime (lương 25 triệu) và nhận dự án job ngoài (25-30 triệu/tháng).

Đức Huy kể về hành trình nhân đôi thu nhập: "Một lần nghe bạn khoe kiếm tiền từ nền tảng giới thiệu việc làm, mình tò mò đăng ký tài khoản. Dự án đầu tiên chỉ 200 USD (~5,1 triệu đồng), mình làm cả tuần, vừa code vừa lo khách không hài lòng. Lúc gửi sản phẩm, mình hồi hộp chờ phản hồi, may mà họ khen tốt. Nhưng giao tiếp tiếng Anh của mình lúc đó tệ lắm, trả lời mail dài dòng, khách đọc xong chẳng hiểu.

Mình quyết tâm cải thiện, học cách viết mail ngắn gọn, chuyên nghiệp. Mình dành buổi tối tìm dự án, từ viết code nhỏ đến thiết kế web. Có lần khách giao việc gấp, mình thức đến 3 giờ sáng để xong deadline, mắt cay xè nhưng không dám bỏ. Giờ mình nhận 2-3 dự án/tháng, kiếm thêm 30 triệu. Có lần khách trả trễ cả tuần, mình căng thẳng muốn khóc, nhưng khi tiền về, mọi mệt mỏi tan biến. Làm đêm nhiều, nhưng mình thấy bản thân trưởng thành hơn qua từng dự án".

Kiếm 25-30 triệu/tháng, dân văn phòng đang hái ra tiền từ “job ngoài” thế nào?- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Một trường hợp khác, Tiến Thành (32 tuổi) cũng kiếm được 25-28 triệu đồng mỗi tháng từ công việc tay trái. Hiện tại, Tiến Thành đang là Trưởng phòng Truyền thông cho một Phòng khám ở Hà Nội. Ngoài công việc chính này, anh còn đảm nhận vai trò tương tự cho một Spa và một chuỗi cửa hàng bán phụ kiện điện thoại. Tổng thu nhập của anh rơi vào khoảng 40-45 triệu mỗi tháng, trong đó, lương hành chính chỉ chiếm khoảng 40%; 60% còn lại là thu nhập từ công việc tay trái.

Là dân truyền thông, Thành hiểu rằng việc mò mẫm tìm các công việc từ xa trên các group Facebook hay các trang tuyển dụng là không hiệu quả, lại còn dễ bị lừa. Bởi thế, Thành tìm cho mình một nước đi khác: Xây dựng thương hiệu cá nhân để khách hàng tự tìm đến mình.

Trong khi đó, Thanh Ngọc (28 tuổi) hiện đang làm việc trong lĩnh vực Kế toán với vai trò là Trợ lý Kế toán trưởng cho một doanh nghiệp ở Bắc Ninh. Ngoài ra, cô còn quản lý dòng tiền ra - vào và chịu trách nhiệm kiểm soát, quyết toán thuế cho 1 shop thời trang và 1 shop mỹ phẩm, cũng ở Bắc Ninh. Thu nhập hàng tháng của Thanh Ngọc rơi vào khoảng 23-25 triệu đồng. Trong đó, thu nhập từ công việc tay trái chiếm khoảng 35%.

"Trước khi chuyển về Bắc Ninh, mình làm cho 1 công ty quy mô vừa ở Hà Nội. Và cả 2 công việc tay trái của mình bây giờ ở Bắc Ninh đều là do đồng nghiệp cũ giới thiệu. Họ giới thiệu mình một phần vì họ đã biết cách làm việc của mình và thấy tin tưởng, một phần vì mình cũng từng chia sẻ mong muốn kiếm việc làm thêm.

Nghề của mình tìm việc freelance khó lắm. Nếu không có người quen giới thiệu, chắc mình chỉ tìm được những công việc thời vụ ngắn hạn như cộng tác kiểm toán, tra soát đối chiếu thu - chi cho doanh nghiệp trong vòng 3-5 ngày thôi, mà thế thì mình lại không thích lắm" , Thanh Ngọc chia sẻ.

Kiếm 25-30 triệu/tháng, dân văn phòng đang hái ra tiền từ “job ngoài” thế nào?- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Làm sao để tìm được công việc tay trái?

Với Đức Huy, anh cho rằng bạn phải có nền tảng chuyên môn tốt mới tính đến chuyện nhận công việc bên ngoài. Bên cạnh đó, ngoại ngữ, thái độ chuyên nghiệp và không ngại học hỏi cái mới là thứ giúp bạn tiến xa hơn.

"Mình từng bị từ chối vì viết mail dài dòng, giờ mình học cách viết ngắn gọn, rõ ý. Làm đêm mệt, có hôm mắt cay xè, nhưng mình không ôm đồm, chỉ nhận việc vừa sức để giữ chất lượng. Mình nhớ lần khách khen code sạch, giao đúng hạn, họ cho 5 sao, mình sung sướng cả tuần. Có lần dự án phức tạp, mình phải học thêm công nghệ mới, mất mấy đêm nghiên cứu, nhưng xong xuôi kiếm được 800 USD (~20 triệu đồng), thấy xứng đáng. Giờ mình kiếm thêm từ 25-30 triệu/tháng chỉ riêng với công việc tay trái, đủ để sống tốt hơn và đầu tư học thêm kỹ năng mới", chàng trai nhớ lại.

Còn Tiến Thành nhận định, làm việc kiếm tiền thực chất là đang bán sức lao động của mình. Vậy nên bạn cần tự hỏi: Người mua sẽ nhận lại những giá trị tương ứng như thế nào với khoản tiền mà họ bỏ ra? Đây là điều mà bạn phải chứng minh và nếu làm được thì việc tìm 2-3 công việc tay trái là điều không quá khó khăn, cũng không tốn thời gian hay tiềm ẩn nhiều rủi ro.

"Mình thường phân tích các chiến dịch truyền thông của các nhãn hàng lớn, nổi tiếng rồi đăng lên TikTok. Ngoài yếu tố chuyên môn, mình còn tập trung vào những yếu tố nhỏ khác như cách dựng video, đồng bộ template video, vị trí đặt sub, font chữ,...

Tất cả cần phải thật chỉn chu để thể hiện tính chuyên nghiệp và kỹ năng của bản thân. Mình nghĩ đó là yếu tố rất quan trọng. Bạn nói hay đến đâu, chuyên môn bạn vững thế nào mà sub bị lỗi font, mỗi video một style, một màu khác nhau thì thực ra là cũng chưa chuyên nghiệp lắm đâu", Tiến Thành chia sẻ.

Trong khi đó, Thanh Ngọc chia sẻ và khẳng định việc xây dựng mối quan hệ khi đi làm là vô cùng quan trọng, hữu ích, ít nhất là với bản thân cô. Chưa kể, công việc được người quen giới thiệu thì ít khi nào có rủi ro lừa đảo - một trong những nỗi sợ lớn nhất của Thanh Ngọc khi tìm việc làm thêm trong lĩnh vực Kế toán.

"Để được người quen giới thiệu công việc cho, quan trọng nhất là phải làm thật tốt công việc hiện tại. Chứ việc chính không đâu vào đâu thì khó lắm. Nhất là trong nghề của mình, sai 1 dấu chấm, dấu phẩy, nhầm 1 số 0 thôi cũng đã thành sai sót nghiêm trọng rồi ấy", cô nàng bộc bạch.