Năm 2018, lão nông Lý Tập Phong (73 tuổi) ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc muốn cải tạo căn nhà của mình nên đã gọi thợ đến thi công. Ngôi nhà do tổ tiên ông Lý Tập Phong - một vị quan thời phong kiến để lại, đã trải qua hàng trăm năm lịch sử với nhiều thế hệ sinh sống ở đó. Sau này con cái ông Lý đều lên thành phố sinh sống, chỉ còn vợ chồng ông vẫn muốn ở lại gắn bó với quê hương và căn nhà cổ.
Nhưng càng ngày, ngôi nhà càng xuống cấp, mái dột, tường nứt, điều kiện sinh hoạt ngày càng tệ. Mặc dù rất muốn bảo tồn nguyên trạng, nhưng ông Lý không còn cách nào khác, đành phải cải tạo để có thể an hưởng tuổi già trong một môi trường sống thoải mái hơn.
Ngôi nhà cổ có niên đại hàng trăm năm của gia đình ông Lý Tập Phong
Tuy nhiên, ngay ngày đầu tiên thi công, các công nhân đã đào phải một chiếc hộp sắt gỉ sét kỳ lạ. Ông Lý lập tức bảo mọi người dừng ngay lại, vì đây rất có thể là món đồ mà tổ tiên ông đã chôn xuống hàng trăm năm trước.
Tối đến, khi mở thử hộp sắt ra, ông Lý vô cùng ngỡ ngàng khi bên trong chứa đầy những thỏi bạc trắng đủ hình dạng, kích thước. Thỏi lớn nhất là 50 lượng, thỏi nhỏ nhất là 5 lượng, trên mỗi thỏi bạc đều khắc hoa văn tinh xảo cùng tên niên đại mà nó được lưu hành.
Ông Lý nhớ ngày bé từng nghe ông nội nhắc đến việc gia tộc vẫn còn tài sản được cất giấu từ ngày xưa, nhưng không ngờ điều đó lại là sự thật. Lý Tập Phong cẩn thận lau chùi sạch sẽ từng thỏi bạc, khấp khởi mừng thầm vì bỗng dưng tìm được cả một gia tài kếch xù.
Mặc dù đã cố gắng giữ kín, nhưng tin tức ông Lý đào được báu vật ngày càng lan rộng, người dân trong khu vực đều bàn tán xôn xao. Dần dần, các nhà sưu tập hay dân buôn đồ cổ cũng bắt đầu tìm đến, đề nghị ông Lý bán lại các thỏi bạc cho họ.
Nhiều người đưa ra mức giá hậu hĩnh, nhưng vì là cổ vật của tổ tiên để lại nên ông muốn kiểm tra xem giá trị thực sự của nó là bao nhiêu. Theo gợi ý của nhiều người khác, ông Lý quyết định tham gia một chương trình thẩm định cổ vật trên truyền hình, với hi vọng nhận đánh giá từ các chuyên gia.
Sau khi xem xét kỹ lưỡng, các chuyên gia ở trường quay nhận định, đây là những thỏi bạc được đúc từ thời Nhà Thanh, được bảo quản rất tốt và có thể được bán với giá 40.000 NDT/thỏi (gần 140 triệu đồng). Ước tính giá trị của toàn bộ số lượng bạc tìm thấy có thể lên đến 10 triệu NDT (34 tỷ đồng).
Nghe xong con số khổng lồ, cả trường quay đều đồng loại “ồ” lên kinh ngạc, ông Lý cũng không thể ngờ cổ vật này lại có giá trị lớn đến vậy. Chưa hết ngỡ ngàng, câu nói tiếp theo của chuyên gia lại đưa ông và toàn thể khán giả bước sang một bất ngờ khác.
Chuyên gia cho biết, theo Luật bảo vệ di tích văn hóa của Trung Quốc, các di tích có giá trị lịch sử, khoa học, nghệ thuật quan trọng đều phải giao lại cho nhà nước bảo tồn. Nhà nước sẽ có phần thưởng xứng đáng cho người tự nguyện giao nộp, các cá nhân không được quyền bán hay giữ làm của riêng.
Những tưởng đổi đời nhờ tài sản khổng lồ mà tổ tiên để lại, giờ đây ông Lý lại rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Khi các chuyên gia đang định nói thêm vài lời thuyết phục ông, ông Lý đã bất ngờ lên tiếng: “Thưa các chuyên gia, tôi có điều muốn nói”.
“Những thỏi bạc này là do tổ tiên để lại, là phận con cháu, đương nhiên tôi cũng muốn giữ lại một chút làm kỷ vật cho đời sau. Nhưng tôi tôn trọng và tuân thủ quy định đã được đề ra, vì vậy tôi bằng lòng giao lại toàn bộ tài sản này cho nhà nước. Tuy nhiên, tôi có nguyện vọng được trích một phần trong số đó ra để làm những việc có ý nghĩa như xây lại trường học hay hỗ trợ cho trẻ em khó khăn tại địa phương” , ông Lý dõng dạc nói.
Hành động của ông Lý khiến các chuyên gia và khán giả trường quay đều đồng loạt hưởng ứng và vỗ tay rần rần. Mọi người đều xôn xao lên tiếng ủng hộ quyết định của lão nông này. Một số ý kiến còn cho rằng, những thỏi bạc nên được trưng bày ở bảo tàng địa phương nơi ông Lý sinh sống, như vậy sẽ có ý nghĩa hơn và góp phần giúp thúc đẩy du lịch địa phương.
Cuối cùng, đề xuất của ông Lý cùng các chuyên gia được các bộ ban ngành liên quan chấp nhận. Họ thống nhất phần lớn số bạc sẽ được giao lại cho nhà nước, một phần nhỏ sẽ được trích ra để sử dụng cho phúc lợi công cộng tại quê hương của ông Lý.
Về phần mình, ông Lý vui vẻ ra về với tấm bằng khen và giấy chứng nhận, trở thành tấm gương truyền cảm hứng cho nhiều người trong công tác bảo tồn di tích và di sản văn hóa.
(Theo Toutiao)
Hoặc