Loại củ "đội lốt" nhân sâm, ăn vào là hôn mê, 90% người không biết

09/11/2024 20:11

Loại củ này có vẻ ngoài rất giống nhân sâm nhưng lại có độc, nhiều người không biết đem đi ngâm rượu uống, phải nhập viện cấp cứu.

Cây thương lục có tên là trưởng bất lão, kim thất nương, tên khoa học là Phytolacca acinosa Roxb. (P. esculenta Van Houtte), là cây mới được di thực du nhập vào nước ta mấy thập kỷ gần đây.

Cây sống nhiều năm, thân hình trụ nhẵn, màu xanh lục, ít phân nhánh, lá mọc so le, phiến xoan ngược to, dài 12 – 25cm, rộng 5 – 10cm, cuống lá 3cm, đầu lá nhọn tù, gốc lá nhọn.

Loại củ "đội lốt" nhân sâm, ăn vào là hôn mê, 90% người không biết- Ảnh 1.

Quả cây thương lục chín có màu đỏ tím. Ảnh: Sở Y tế Lào Cai

Thương lục trưởng thành có cây cao hơn 1m, có củ mập, to khá giống với củ sâm, sau khoảng 8 tháng củ có thể to cỡ cổ tay người lớn.

Cây dễ trồng, mau lớn, có hình dạng bên ngoài và mùi vị sau khi ngâm rượu rất giống mùi nhân sâm nên nhiều người đã đào rễ, củ để dùng ngâm rượu uống mà hoàn toàn không hay biết là mình đang đưa các chất độc vào cơ thể.

Được biết, Phytolaccatoxin là chất độc có trong tất cả bộ phận của cây thương lục. Khi ăn phải lượng nhiều, người bệnh sẽ có cảm giác tê môi, đầu lưỡi, đau bụng, vã mồ hôi, giãn đồng tử, tăng tiết đờm nhớt, nôn mửa, tụt huyết áp, co giật, liệt hô hấp, hôn mê và có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Loại củ "đội lốt" nhân sâm, ăn vào là hôn mê, 90% người không biết- Ảnh 2.

Người dân dễ bị ngộ độc do nhầm cây thương lục là nhân sâm.

Thực tế, rất nhiều trường hợp đã phải cấp cứu, thậm chí tử vong sau khi nhầm thương lục với nhân sâm và tự ý sử dụng.

Điển hình như ở Trung Quốc, từng có một nhóm học sinh đào được củ thương lục khi đi cắm trại và cho rằng đó là nhân sâm. 6 người trong nhóm đã cắn thử một miếng và chỉ ít phút sau đã cảm thấy buồn nôn dữ dội, sau đó họ đã bị hôn mê suốt 17 tiếng. May mắn thay, các bác sĩ đã đưa họ đi cấp cứu nhanh chóng để nôn thương lục ra. Nếu để chậm trễ, họ có thể sẽ tử vong vì ngộ độc khi cơ thể tích tụ quá nhiều độc tố.

Ở Việt Nam, vào tháng 5/2023 cũng xảy ra vụ việc uống rượu ngâm củ cây thương lục, 3 người nhập viện cấp cứu.

Theo đó, gia đình ông Triệu Kim P. ( xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng) tổ chức ăn bữa trưa có 11 người với các món thịt ngan, thịt gà, thịt heo, giò heo, rau ngót, tiết canh ngan, rượu ngâm củ cây thương lục và rượu trắng.

Trong bữa ăn có 3 người uống rượu ngâm củ thương lục do gia đình tự trồng và ngâm rượu.

Sau khi uống vài chén nhỏ, cả 3 người đều có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, nôn, đi ngoài, mắt mờ nên được đưa vào viện cấp cứu.

Kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho thấy mẫu rượu ngâm củ thương lục và mẫu củ thương lục do Trung tâm Y tế huyện Bảo Thắng lấy từ bữa ăn của gia đình ông P. đều phát hiện độc tố phytolaccatoxin.

Loại củ "đội lốt" nhân sâm, ăn vào là hôn mê, 90% người không biết- Ảnh 3.

Dù có độc nhưng trong y học cổ truyền, thương lục vẫn được coi là một loại dược liệu, có thể được sử dụng dưới dạng thuốc sắc uống hoặc thuốc đắp ngoài. Phần rễ của cây là bộ phận được sử dụng, thường được thu hoạch sau 6 - 7 tháng kể từ khi trồng.

Công dụng của thương lục khá đa dạng, từ lợi tiểu, hỗ trợ điều trị chứng phù nề, khó thở, đầy bụng, đại tiểu tiện không thông hoặc dùng để giảm sưng đau do mụn nhọt (đắp ngoài).

Ở Trung Quốc, người ta thậm chí còn sử dụng thương lục làm thực phẩm. Tuy nhiên chỉ có thể ăn khi lá và thân còn non. Trong trường hợp cây đã trưởng thành, chỉ cần bỏ những vùng màu tím đỏ trên thân và lá, giữ lại phần màu xanh thì cũng có thể ăn được. Vì vậy, một số người ở nông thôn Trung Quốc vẫn trồng loài cây này.

Nhìn chung, người Trung Quốc cho rằng thương lục không phải hoàn toàn không ăn được, nhưng phải hiểu rõ dược tính, liều lượng sử dụng để tránh bị ngộ độc. Có người còn mở nhà hàng và để thương lục làm gia vị chủ đạo trong món ăn.