Loại hạt vừa bổ dưỡng, vừa thân thiện môi trường của Việt Nam kiếm hơn 4 tỷ đô: Mỹ, Trung thi nhau mua

Admin

03/05/2025 12:30

Việt Nam sở hữu một loại hạt nông sản “tỷ USD” được thế giới ưa chuộng, không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn có lợi ích đáng kể cho sức khỏe và môi trường.

Hạt điều là sản phẩm của cây điều, một loài cây vốn mọc hoang ở Brazil, nhưng hiện nay đã được trồng ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hạt điều Việt Nam được nhiều quốc gia yêu thích không chỉ vì hàm lượng dinh dưỡng cao mà còn nhờ vào mùi vị thơm ngon đặc trưng.

Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong năm 2024 đạt 4,37 tỷ USD, tăng 20,2% so với năm 2023. Đây là năm đầu tiên xuất khẩu hạt điều vượt qua ngưỡng 4 tỷ USD.

Tổng cộng, khoảng 730.000 tấn hạt điều đã được xuất khẩu trong năm ngoái, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu bình quân ước đạt 6.003 USD/tấn, tăng 6,1% so với năm 2023.

Hạt điều Việt Nam đã được xuất khẩu sang hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Trong số đó, Hoa Kỳ đứng đầu với 179.480 tấn trị giá 1,07 tỷ USD, tăng 24,4% về lượng và 31,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Trung Quốc xếp thứ hai với 117.420 tấn trị giá 687,84 triệu USD, tăng 18,9% về lượng và 14,4% về trị giá.

Loại hạt vừa bổ dưỡng, vừa thân thiện môi trường của Việt Nam kiếm hơn 4 tỷ đô: Mỹ, Trung thi nhau mua- Ảnh 1.

Cây điều (ảnh minh hoạ).

Ngoài ra, ngành điều Việt Nam cũng đạt được kết quả xuất khẩu tốt tại các thị trường thuộc Liên minh châu Âu (EU) như: Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha…

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, Việt Nam duy trì vị thế là quốc gia chế biến hạt điều lớn nhất thế giới trong suốt 18 năm qua, chiếm hơn 80% lượng hạt điều chế biến toàn cầu. Với ngành công nghiệp chế biến hạt điều phát triển, Việt Nam có khả năng chế biến sâu và đa dạng hóa sản phẩm, từ hạt điều rang muối cho đến các sản phẩm giá trị gia tăng như bơ điều, sữa điều. Hạt điều Việt Nam được đánh giá cao về chất lượng và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam hiện có hơn 20 tỉnh, thành phố trồng cây điều, với tổng diện tích lên tới hơn 300.000 ha. Trong đó, Bình Phước là tỉnh trồng điều lớn nhất với diện tích hơn 150.000 ha. Đây là nơi có thổ nhưỡng phù hợp giúp cây điều sinh trưởng và phát triển tốt, cho ra hạt chất lượng cao và sản lượng thu hoạch lớn.

Hiệp hội Điều Việt Nam nhận định nhu cầu nhập khẩu hạt điều từ các thị trường lớn có thể sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, tạo cơ hội xuất khẩu lớn cho các nhà cung cấp Việt Nam.

Xu hướng tiêu thụ các loại hạt bổ dưỡng, đặc biệt là hạt điều, đang tăng cao, khi người tiêu dùng chú trọng đến việc lựa chọn thực phẩm lành mạnh.

Theo báo cáo từ straitsresearch.com, quy mô thị trường hạt điều toàn cầu được định giá 7,78 tỷ USD vào năm 2024, dự báo sẽ đạt 8,14 tỷ USD vào năm 2025 và đạt 11,67 tỷ USD vào năm 2033, với mức tăng trưởng bình quân 4,6%/năm trong giai đoạn 2025 – 2033.

Tác động tích cực đến môi trường

Không chỉ mang lại giá trị kinh tế, cây điều còn có tác động tích cực đối với môi trường, đặc biệt ở những vùng đất khô cằn, đất xấu – nơi khó có cây trồng nào có thể phát triển. Cây điều có khả năng chịu hạn tốt, bộ rễ ăn sâu giúp giữ đất, chống xói mòn và cải thiện độ phì nhiêu của đất theo thời gian. Nhờ vào đặc điểm này, cây điều trở thành lựa chọn lý tưởng để phủ xanh các vùng đất trống, đồi núi trọc, đồng thời góp phần vào công cuộc bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra phức tạp, trồng cây điều xen canh với các loại cây nông sản khác không chỉ giúp duy trì lớp phủ thực vật mà còn làm giảm phát thải khí nhà kính.

Nếu áp dụng các biện pháp canh tác bền vững, như hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, dùng phân bón hữu cơ và tận dụng phụ phẩm từ hạt điều, ngành điều không chỉ giúp tăng sinh kế cho người nông dân mà còn góp phần xây dựng nền nông nghiệp thân thiện với môi trường.