Thủ tướng Hungary Viktor Orban hôm 7/11 cho biết rằng hòa bình là điều cần thiết ở châu Âu "càng sớm càng tốt" nhưng ưu tiên hàng đầu là đạt được lệnh ngừng bắn trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Phát biểu tại một cuộc họp báo sau Hội nghị Thượng đỉnh của Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) tại thủ đô Budapest, ông Orban cho biết: "Chúng ta đã nhất trí rằng chúng ta cần hòa bình càng sớm càng tốt ở châu Âu". Tuy nhiên, ông lập luận rằng hòa bình chỉ là "bước thứ hai".
"Bước đầu tiên là lệnh ngừng bắn. Và tôi lo ngại rằng nếu chúng ta suy nghĩ quá nhiều và nói quá nhiều về giải pháp hòa bình lâu dài sau chiến tranh, chúng ta có thể làm giảm cơ hội đạt được lệnh ngừng bắn", nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy của Hungary nói.
Ông Orban nhắc lại rằng nếu không có đối thoại, sẽ không thể có hòa bình, và chìa khóa của đối thoại là thiết lập lệnh ngừng bắn. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc châu Âu phải tự chịu trách nhiệm nhiều hơn đối với an toàn và an ninh của chính mình.
"Chúng ta không thể chờ người Mỹ bảo vệ chúng ta", ông Orban nói. "Và cũng có sự nhất trí rằng châu Âu nên tiếp tục là một bên tích cực trong các cuộc đàm phán về tương lai. Điều này sẽ quyết định tương lai của châu Âu".
Thủ tướng Hungary lưu ý rằng sẽ sớm có các cuộc đàm phán như vậy và trong thời gian đó, châu Âu "nên có mặt để có thể tác động đến các quyết định trong tương lai".
Về chủ đề viện trợ cho Ukraine, ông Orban bày tỏ lo ngại về tương lai của khoản hỗ trợ tài chính mà các quốc gia phương Tây đã cam kết. Gói viện trợ trị giá 50 tỷ Euro (54 tỷ USD) cho Ukraine hiện là một "câu hỏi còn bỏ ngỏ" sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, ông Orban nói.
Ngoài ra, cũng có câu hỏi được đặt ra đối với NATO sau khi ông Trump thắng cử. Trong khi các nhà phân tích không chắc chắn liệu chính quyền Trump 2.0 có tiếp tục cam kết với NATO hay không, các chuyên gia cho rằng ông Trump có thể gây sức ép để buộc các đồng minh ở châu Âu có trách nhiệm nhiều hơn đối với vấn đề tự vệ.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump thường nói về việc nước Mỹ không chỉ quay lưng lại với các đồng minh của mình mà còn cho phép đối thủ "làm bất cứ điều gì họ muốn" đối với các quốc gia thành viên không chi nhiều tiền hơn cho quốc phòng chung.
"Nói thẳng ra, không ai biết ông Trump sẽ làm gì với NATO. Ông ấy không có cam kết sâu sắc với NATO và ông ấy từ lâu đã lập luận rằng châu Âu nên làm nhiều hơn nữa để tự vệ", Giáo sư Stephen M. Walt từ Trung tâm Khoa học và Quan hệ Quốc tế Robert và Renée Belfer thuộc Trường Harvard Kennedy, nói với Newsweek.
"Nhưng ông ấy có thể thích ở lại NATO để có ảnh hưởng đến các chính sách của khối, trong khi liên tục phàn nàn về những gì người châu Âu đang làm và sử dụng mối đe dọa rút lui để ép buộc họ về cả vấn đề kinh tế và an ninh".
Minh Đức (Theo Anadolu, National Interest)
Hoặc