Vào những ngày hè oi bức, mặc gì khi ra đường để vừa mát vừa chống nắng là vấn đề được quan tâm. Nhiều người thường chọn quần áo màu sáng, đặc biệt là màu trắng, bởi họ cho rằng sẽ mát hơn khi mặc màu tối như màu đen do hấp thụ ít nhiệt hơn. Nhưng thực tế thế nào?

Nên mặc màu đen hay màu trắng vào mùa hè để cảm thấy mát hơn? (Ảnh minh họa)
Mặc đúng theo lời khuyên gia
Theo giải thích từ các chuyên gia, cơ thể người duy trì thân nhiệt ổn định bằng bốn cơ chế: Bức xạ, dẫn truyền, đối lưu và bay hơi mồ hôi. Khi nhiệt độ môi trường vượt quá thân nhiệt – vốn dao động khoảng 36 - 37°C - quá trình tỏa nhiệt qua bức xạ không còn hiệu quả.
Thay vào đó, cơ thể bắt đầu hấp thụ nhiệt từ môi trường, khiến người mặc cảm thấy nóng bức, dễ mệt mỏi hoặc thậm chí say nắng. Đây là lúc trang phục đóng vai trò quan trọng: Nó có thể hỗ trợ điều hòa nhiệt hoặc khiến tình hình tồi tệ hơn.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh (Đại học Bách Khoa Hà Nội), màu sắc trang phục không chỉ mang ý nghĩa thẩm mỹ mà còn tác động đến khả năng chống nắng và giữ nhiệt. Khi ra ngoài trời nắng gắt, thay vì chọn màu trắng – vốn phản xạ ánh sáng nhưng cho phép tia cực tím (UV) xuyên qua - các chuyên gia khuyên nên mặc áo màu đỏ, xanh cobalt hoặc tím sậm.

Màu đỏ...

...hay màu xanh cobalt lại là lựa chọn tốt nhất cho mùa hè (Ảnh minh họa)
Những màu này hấp thụ mạnh tia UV và chuyển hóa thành nhiệt năng, rồi phân tán ra môi trường nhờ lớp không khí đối lưu giữa vải và da. Từ đó tạo cho người mặc cảm giác mát hơn. Đặc biệt là màu đỏ còn có khả năng phản xạ một phần bức xạ hồng ngoại, giúp giảm thiểu sự tích nhiệt trên bề mặt áo.
Ngược lại, trong môi trường râm mát, có máy lạnh hoặc gió nhẹ, như trong nhà hoặc dưới tán cây, nhiệt độ môi trường thường thấp hơn cơ thể. Khi đó, mặc áo màu tối – vốn hấp thụ nhiệt tốt - lại trở nên có lợi. Chúng giúp tạo ra dòng nhiệt lưu thông giữa da và áo, hỗ trợ quá trình bay hơi mồ hôi hiệu quả, khiến người mặc cảm thấy thoáng mát hơn mà không cần phơi da dưới nắng.

Chất liệu cũng là yếu tố quan trọng
Một chiếc áo đỏ có thể chống nắng tốt, nhưng nếu được may từ chất liệu giữ ẩm hoặc không thoát khí, nó sẽ nhanh chóng trở thành “chiếc lồng hấp” trên cơ thể, vô tình gây phản ứng ngược. Vì vậy, song song với màu sắc, chất liệu cũng là yếu tô quan trọng giúp tạo nên sự dễ chịu trong ngày hè.
Theo nhiều chuyên gia thiết kế thời trang, trang phục lý tưởng cho mùa nóng cần đáp ứng ba tiêu chí: Nhẹ, thấm hút tốt và thoát khí nhanh.
Vải lanh (linen) được đánh giá cao nhờ cấu trúc sợi thưa, giúp tạo luồng không khí lưu thông giữa da và môi trường. Dù dễ nhăn, lanh vẫn là lựa chọn hàng đầu cho trang phục dài tay mùa hè vì vừa mát vừa có khả năng cản tia UV tự nhiên.

Vải lanh được đánh giá cao (Ảnh minh họa)
Vải cotton - phổ biến và dễ tìm - cũng được ưa chuộng nhờ độ mềm mại và khả năng thấm hút tốt, tuy nhiên lại khô chậm nên dễ gây cảm giác ẩm nếu ra nhiều mồ hôi. Một số loại sợi sinh học hiện đại như tencel (lyocell) mang lại cảm giác mát lạnh, chống khuẩn và khô nhanh, đang dần trở thành lựa chọn thay thế lý tưởng cho cả đồ mặc nhà lẫn đi làm.
Trong khi đó, vải lụa nhẹ và mát, thích hợp mặc trong điều kiện ít đổ mồ hôi, nhưng dễ bám bẩn và khó bảo quản. Riêng các loại vải tổng hợp như polyester hay nylon - dù khô nhanh và giữ form tốt - lại không phù hợp với thời tiết quá nóng, vì khả năng thoát khí kém, dễ gây bí và hầm da.


Vải cotton và vải lụa cũng là lựa chọn đáng tham khảo (Ảnh minh họa)

Đáng lưu ý, việc mặc ít chưa chắc đã giúp mát hơn. Trong điều kiện ngoài trời nắng gắt, khi nhiệt độ không khí cao hơn nhiệt độ da, để lộ quá nhiều vùng da khiến cơ thể hấp thụ nhiệt trực tiếp và dễ bị tổn thương bởi tia cực tím. Trái lại, những trang phục dài tay, rộng rãi, làm từ vải mát lại giúp da được che chắn và giữ một lớp không khí đối lưu, tạo cảm giác dễ chịu hơn.
Một chiếc áo đỏ bằng vải lanh, tay dài và rộng rãi có thể giúp người mặc cảm thấy mát hơn gấp nhiều lần so với áo trắng bó sát bằng vải tổng hợp. Tóm lại, để mặc mát một cách thông minh vào mùa hè oi bức, người dùng đừng nên chỉ nhìn vào màu sắc hay độ hở của quần áo. Hãy cân nhắc kỹ giữa điều kiện môi trường, chất liệu và kiểu dáng.
Theo aboluowang, Tổng hợp
Hoặc