Ông Chen (Chiết Giang, Trung Quốc) là một doanh nhân thành đạt. Bên cạnh đam mê siêu xe, người đàn ông này còn có sở thích sưu tập đồng hồ từ các thương hiệu đình đám.
Hồi cuối năm 2023, ông tiếp tục mua thêm chiếc đồng hồ vốn đã yêu thích từ lâu, trị giá 130.000 NDT (khoảng 450 triệu đồng). Sau 1 tháng sử dụng, ông phát hiện phụ kiện này chạy chậm hơn thời gian thực là 10 phút. Ông đã tự điều chỉnh thông qua một số núm xoay trên đồng hồ nhưng không được. Ngay hôm sau, ông mang đến cửa hàng để yêu cầu bảo hành.
Khi đó, nhân viên cửa hàng tiếp nhận đồng hồ, kiểm tra biên lai nhằm xác nhận sản phẩm này có thực sự đã mua tại đây hay không. Sau đó, người này nhanh chóng giao đồng hồ cho thợ sửa của cửa hàng để bảo trì. Không lâu sau đó, ông Chen nhận được thông báo từ cửa hàng với nội dung lỗi của đồng hồ này cần phải gửi về hãng để kiểm tra và bảo hành. Nhân viên tại cửa hàng không thể đảm nhiệm công việc này. Không suy nghĩ nhiều, ông đồng ý với giải pháp trên.
Sau khoảng nửa tháng chờ đợi, cuối cùng ông Chen cũng nhận được thông báo đến lấy đồng hồ từ nhân viên cửa hàng. Ngay sau khi tiếp nhận món hàng, người đàn ông này lập tức cảm thấy có điều gì không ổn. Là một người sưu tập đồng hồ đã lâu, ông khá am hiểu về loại phụ kiện này. Với sự nhạy bén của mình, ông chỉ ra rằng trọng lượng của đồng hồ đã bị thay đổi. Ông nghi ngờ một linh kiện nào đó trong chiếc đồng hồ này đã bị thay thế.
Trước lý lẽ khách hàng đưa ra, nhân viên cửa hàng khẳng định chắc chắn không có chuyện đó. Bởi họ gửi cho nhân viên của hãng đồng hồ để bảo hành nên mọi linh kiện nếu bị sửa đổi chắc chắn là chính hãng.
Sau một hồi tranh luận nhưng không đạt được thỏa thuận, 2 bên thống nhất nhờ bên thứ ba thực hiện giám định. Điều không ngờ là kết quả cho thấy một bộ phận trong đồng hồ là hàng giả. Từ đây, ông yêu cầu cửa hàng phải bồi thường chiếc đồng hồ mới.
Không đồng tình với kết quả này, nhân viên cửa hàng cho rằng người giám định chỉ có thể chứng minh được các bộ phận bên trong đồng hồ không phải là nguyên bản. Người này không thể làm rõ được việc sự cố này là do cửa hàng. Không thể loại trừ trường hợp ông Chen đã mang chiếc đồng hồ này đến 1 tiệm sửa khác trước đó và bị đánh tráo linh kiện bên trong. Tuy nhiên, người đàn ông này khẳng định không có chuyện đó.
Để chiều lòng khách hàng, nhân viên cửa hàng đưa ra phương án thay mới linh kiện bị làm giả chứ không bồi thường chiếc đồng hồ mới. Tuy nhiên ông Chen một mực từ chối. Người đàn ông này khẳng định việc sửa chữa đó sẽ làm giảm giá trị của món phụ kiện nên khăng khăng đòi một sản phẩm mới.
Do cuộc thương lượng không đạt được kết quả, ông Chen quyết định đưa vụ việc ra tòa án địa phương. Tại đây, ông đã cung cấp toàn bộ hoá đơn mua hàng, phiếu bảo hành và giấy hẹn đến lấy đồng hồ đã sửa. Ông cho biết khi tiếp nhận đồng hồ để sửa, nhân viên cửa hàng không có bất kỳ khiếu nại gì về sản phẩm. Điều này chứng minh đồng hồ của ông được gửi đi sửa là chính hãng. Vậy nên việc ông phải nhận về một sản phẩm đã bị thay thế linh kiện giả là do cửa hàng. Vì thế, chủ cửa hàng phải có trách nhiệm bồi thường.
Tại phiên tòa, đại diện cửa hàng cho rằng do sơ suất của nhân viên đã không thực hiện việc kiểm tra kỹ sản phẩm khi tiếp nhận từ khách hàng. Nên người này không kịp thời phát hiện các bộ phận bên trong của đồng hồ đã bị thay thế từ trước đó. Cửa hàng chủ động đề xuất chịu trách nhiệm trong việc thay mới linh kiện đã bị làm giả, còn từ chối việc đền bù chiếc đồng hồ mới.
Trước lý lẽ các bên đưa ra, toà án nhận định cửa hàng phải có trách nhiệm trong vụ việc này. Song không có bằng chứng xác minh cửa hàng đã thay đổi linh kiện bên trong. Nên ông Chen không thể yêu cầu bồi thường bằng chiếc đồng hồ mới. Theo đó, cửa hàng chỉ có nhiệm vụ thay thế mới phần linh kiện bị nghi ngờ là hàng giả.
Do không có phương án nào tốt hơn, ông Chen đành chấp nhận với bản án được đưa ra. Ngay sau đó, chủ cửa hàng cũng hoàn thành trách nhiệm của mình, thay mới linh kiện bên trong chiếc đồng hồ cho vị khách này.
(Theo Toutiao)
Hoặc