Mẹ bỉm "kêu trời" vì chi tiêu cho gia đình 7 người hết sạch 25 triệu mà tháng nào cũng phải đi vay

21/08/2024 13:04

Chi tiêu cho gia đình có đến 7 thành viên thì bao nhiêu là đủ?

Quản lý chi tiêu cho một gia đình đông thành viên không phải là nhiệm vụ đơn giản, nó đòi hỏi sự linh hoạt và khéo léo trong từng quyết định tài chính. Với nhiều miệng ăn và nhu cầu đa dạng, việc thiết lập một kế hoạch chi tiêu cụ thể và khoa học là vô cùng cần thiết.

Mở đầu cho hành trình quản lý chi tiêu này, điều quan trọng là phải hiểu rõ thu nhập và các khoản phải chi của cả gia đình, từ đó xác định những ưu tiên và phân phối ngân sách một cách sáng suốt.

Mục tiêu cuối cùng không chỉ là kiểm soát chi tiêu mà còn là tạo dựng được sự cân bằng, đảm bảo mọi thành viên đều có cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc.

Một mẹ bỉm chia sẻ trên kênh TikTok về câu chuyện chi tiêu của gia đình mình đã gây được nhiều sự chú ý của cư dân mạng bởi bài toán chi tiêu của gia đình cô có phần phức tạp hơn nhiều nhà khác vì nhà cô có đến 7 thành viên, 4 người lớn và 3 trẻ nhỏ.

Mẹ bỉm

Hiện tại, theo chia sẻ trên kênh TikTok của mình, mẹ bỉm này đang đi chợ theo ngày

Càng đông thành viên thì việc chi tiêu càng khó để quản lý và chắc chắn sẽ nhiều hơn so với các gia đình ít thành viên. Chính vì thế mà mẹ bỉm này phải kêu trời vì cứ đều đều tháng nào cũng tiêu sạch 20 triệu cho đến 25 triệu và không có cách nào có thể giảm bớt đi được, cô chia sẻ rằng:

"Nhiều lúc đau đầu, stress vì tiền lắm. Làm thì không ra được mấy mà các khoản bắt buộc phải tiêu thì nhiều".

Các khoản chi tiêu của gia đình 7 thành viên này như sau:

1. Tiền đi chợ: 7 triệu

2. Tiền điện: 2 triệu

3. Mặt bằng kinh doanh: 6 triệu

4. Tiền bỉm sữa cho con: 2 triệu

5. Tiền học phí + xăng xe: 3 triệu

6. Phát sinh + thuốc men cho bố mẹ: 5 triệu

Tuy mẹ bỉm này không nói rõ tổng thu nhập của gia đình mình là bao nhiêu nhưng cô cũng chia sẻ rằng với các khoản chi phí này, mỗi tháng cô không thể tiết kiệm được đồng nào mà thậm chí phải vay mượn thêm. Như vậy, có thể áng chừng thu nhập của gia đình cô không lớn hơn 20 triệu đến 25 triệu mỗi tháng.

Khi chi tiêu vượt quá thu nhập là lúc chúng ta bắt buộc phải quản lý lại chi phí sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Với các khoản chi này thì thứ duy nhất có thể cắt giảm được là chi phí ăn uống và chi phí mặt bằng kinh doanh. Còn lại tiền điện nước, bỉm sữa, học phí và đi lại thì rất khó để cắt giảm hơn vì đây là khoản cố định.

Mẹ bỉm
Mẹ bỉm
Mẹ bỉm

Các bữa ăn của gia đình 7 thành viên này

Về chi phí ăn uống, mẹ bỉm có thể học cách đi chợ theo tuần đang được rất nhiều bà nội trợ tin tưởng. Việc đi chợ theo tuần sẽ giúp kiểm soát được lượng thực phẩm mỗi ngày, không đi chợ thường xuyên cũng giảm bớt được việc mua bán mất kiểm soát hơn.

Về tiền mặt bằng kinh doanh thì thứ nhất đây không thể tính là chi tiêu của gia đình nhưng dù sao đây vẫn là một khoản mà cô phải bỏ ra mỗi tháng. Tuy nhiên, mẹ bỉm này nên đặt lên bàn cân để tính toán, nếu mặt bằng kinh doanh không thể kiếm ra đủ để chi phí cho gia đình thì có thể chuyển đến mặt bằng có giá cho thuê thấp hơn, phù hợp hơn.

Nếu cắt đi khoản tiền thuê mặt bằng thì mỗi tháng, chi tiêu cho gia đình 7 thành viên gồm 4 người lớn và 3 trẻ nhỏ rơi vào khoản từ 14 triệu đến 19 triệu đồng. Liệu chi phí này đã hợp lý chưa?