Mỗi ga tàu tốc độ cao Bắc - Nam đều 'đính kèm' khu đô thị

31/10/2024 06:02

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, mỗi ga tàu trên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đều gắn liền với khu đô thị, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Tuyến tàu tốc độ cao Bắc - Nam mở ra hơn 20 ga từ Bắc vào Nam, mỗi ga đều có các khu đô thị đính kèm. Ảnh: Tạo bởi AI.

Tại tọa đàm "Đường sắt tốc độ cao - Thời cơ và thách thức" do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương khẳng định việc xây dựng đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam là cần thiết để Việt Nam có bước đột phá về hạ tầng, tạo tác động tích cực và lan tỏa đến tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Ông Phương nhấn mạnh đây là dự án đầu tư công có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với tổng vốn dự kiến lên tới khoảng 70 tỷ USD. Hiện dự án đang ở giai đoạn đánh giá tiền khả thi.

"Nếu khoản đầu tư này được triển khai từ nay đến năm 2035 thì sẽ góp thêm khoảng 0,97 điểm % vào tăng trưởng GDP mỗi năm, hỗ trợ tăng trưởng chung của nền kinh tế", Thứ trưởng phân tích.

Theo ông, công trình này có tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực. Trong đó, dự án sẽ tạo động lực cho ngành xây dựng trong cơ cấu GDP, vì đây là công trình xây lắp có quy mô lớn.

Đồng thời, các ngành phụ trợ như cung cấp vật liệu xây dựng, từ các vật liệu thông thường như cát, đá, sỏi đến vật liệu đặc chủng như sắt, thép cho đường ray, cũng sẽ được hưởng lợi.

Bên cạnh đó, các ngành dịch vụ hỗ trợ như tài chính, ngân hàng hay dịch vụ về huy động vốn cũng chịu tác động từ dự án này.

Đặc biệt, ông Phương nhấn mạnh dự án còn tác động lan tỏa đến phát triển đô thị.

"Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam mở ra hơn 20 ga từ Bắc vào Nam, trong định hướng phát triển tuyến đường sắt này, mỗi ga đều có các khu đô thị đính kèm. Đây cũng là một động lực cho phát triển. Trong tương lai, chúng ta xác định phát triển đô thị là một động lực, thì đây là một động lực tốt để phát triển kinh tế - xã hội", Thứ trưởng Phương nói.

Theo ông, khi dự án đi vào vận hành, các ngành khai thác, đặc biệt là dịch vụ du lịch cũng sẽ hưởng lợi.

Mặt khác, với quy mô lớn, dự án sẽ tạo ra nhiều việc làm và thúc đẩy ngành vận tải phát triển, hiện đại hóa hệ thống giao thông, tăng năng suất và công suất phục vụ của ngành.

"Sau khi đưa vào khai thác, vận hành, công trình còn góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt là giảm chi phí logistics, góp phần đáng kể cho phát triển các ngành công nghiệp, ngành sản xuất kinh doanh có sử dụng đến tuyến đường sắt này", ông Phương bổ sung.

Theo kế hoạch, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có chiều dài 1.541 km, quy mô đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, hạ tầng thiết kế với tốc độ 350 km/h, bố trí 23 ga hành khách với cự ly trung bình khoảng 67 km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa.

Tuyến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM).

Giá vé đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến được chia 3 mức phù hợp với khả năng chi trả người dân, nhu cầu và mức độ tiện nghi khác nhau. Trong đó, mỗi km vé hạng nhất dự kiến là 0,18 USD (khoang VIP), hạng hai là 0,074 USD và hạng ba là 0,044 USD. Như vậy, tính trên chặng Hà Nội - TP.HCM, vé hạng nhất khoảng 6,9 triệu; hạng hai là 2,9 triệu và hạng ba là 1,7 triệu đồng.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.