Một dự án nhà ở xã hội tại Bắc Ninh. Ảnh: Thạch Thảo. |
Tại phiên thảo luận về các vấn đề liên quan đến quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội của Quốc hội ngày 28/10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Phó trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội, cho biết đối với loại hình nhà ở xã hội, hiện cả nước có khoảng 800 dự án đã được triển khai với quy mô hơn 567.000 căn.
Trong đó, có 373 dự án đã hoàn thành với quy mô gần 194.000 căn, 129 dự án đã khởi công với quy mô gần 115.000 căn, 298 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô hơn 258.000 căn.
Kết quả này, theo đánh giá của nhiều đại biểu, là còn "khiêm tốn" và cách xa mục tiêu đề ra.
Bố trí quỹ đất riêng cho nhà ở xã hội
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) nhìn nhận có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả phát triển nhà ở xã hội không đạt mục tiêu như hiện nay. Trong đó, đáng chú ý nhất, bà cho rằng không ít tỉnh, thành phố chưa bố trí quỹ đất độc lập để phát triển nhà ở xã hội mà chủ yếu phụ thuộc vào quỹ đất là 20% trong dự án nhà ở thương mại. Tuy nhiên, quỹ đất 20% này để triển khai được thành dự án hoàn thiện lại phát sinh nhiều bất cập.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) cũng cho rằng quy định về 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội này chưa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu của người dân, qua đó ảnh hưởng đến kết quả phát triển các dự án nhà ở xã hội thời gian qua.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) cho rằng quy định về 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội chưa phù hợp. Ảnh: Quochoi. |
Tương tự, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) đánh giá quy định về quỹ đất 20% trong dự án thương mại để làm nhà ở xã hội là không phù hợp. Ông cho rằng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại thường được xây với các tiêu chuẩn khác nhau, nếu xây 2 khu với tiêu chuẩn chênh lệch ở cạnh nhau sẽ phát sinh nhiều điểm không hợp lý cả về mỹ quan lẫn giá cả.
"Nếu xây khu nhà ở xã hội với chất lượng thấp thì làm xấu ở khu thương mại, còn xây theo tiêu chuẩn như nhà ở thương mại thì đắt", đại biểu nói.
Từ đó, đại biểu cho rằng thay vì dùng 20% quỹ đất để xây dự án nhà ở xã hội thì chủ đầu tư quy đổi phần đất đó ra tiền, sau đó nộp lại cho Nhà nước để tạo thành quỹ hỗ trợ cho nhà ở xã hội.
Phát triển nhà ở xã hội cho thuê
Một bấp cập khác được nhiều đại biểu chỉ ra là việc giá nhà ở xã hội neo cao, có tình trạng đối tượng tiếp cận nhà ở xã hội không đúng theo quy định.
Các đại biểu Quốc hội kiến nghị cần tăng cường phát triển loại hình nhà ở xã hội cho thuê. Ảnh: Thạch Thảo. |
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương), hiện xuất hiện tình trạng có người sở hữu nhà ở xã hội nhưng không phải trong diện được thụ hưởng ưu đãi này, không phải đối tượng chính sách, không là hộ nghèo, hộ cận nghèo hay có thu nhập thấp.
“Nếu có cuộc thanh tra kiểm tra xem ai là người đang ở trong nhà ở xã hội thì chắc rằng sẽ có những người không đúng đối tượng được ưu đãi. Thực trạng này có nhiều nguyên nhân như sai sót, thậm chí sai phạm trong xét duyệt hồ sơ mua nhà ở xã hội, lách luật để mua đi bán lại nhà ở xã hội. Hệ lụy là người có thu nhập thấp càng khó tiếp cận nhà ở xã hội hơn”, vị đại biểu nhấn mạnh.
Từ thực tế này, bà Nga đề xuất các địa phương tăng cường kiểm tra đối tượng sở hữu nhà ở xã hội và quy trình thủ tục xét duyệt hồ sơ mua, thuê mua loại hình này để phát hiện và xử lý các sai phạm có liên quan.
Ngoài ra, vị đại biểu đoàn Hải Dương cũng cho rằng giá bán nhà ở xã hội đang ở mức cao so với đối tượng được mua loại hình nhà ở này. Vì vậy, bà kiến nghị các địa phương chú trọng phát triển loại hình nhà ở xã hội cho thuê để người dân dễ tiếp cận hơn.
Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng nhà ở xã hội hướng đến những người không có nhiều tiền, thu nhập chỉ đủ để trang trải cuộc sống, thậm chí không đủ tiền tích lũy để trả tiền lãi vay ngân hàng nếu được vay mua.
"Vậy thì làm sao người ta có đủ tiền để mua nhà. Thực tế trong nhiều năm qua những người thu nhập thấp được mua nhà thì sau 5 năm được phép bán, số đông đã bán nhà đi để dùng tiền đó trang trải nợ nần và làm việc khác”, vị đại biểu cho biết.
Từ đó, ông Hoàng Văn Cường đề xuất tăng phân khúc nhà ở xã hội cho thuê đối với người thu nhập thấp.
"Người có thu nhập thấp thì có thể thuê nhà ở suốt đời. Khi tích lũy đủ tiền, họ sẽ dùng tiền để chuyển sang mua nhà ở thương mại và dành quỹ nhà đó cho những người thu nhập khác vào thuê”, đại biểu kiến nghị.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.
Hoặc