Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức đã bất ngờ tăng trong quý III, giúp nền kinh tế số 1 châu Âu tránh được suy thoái, nhưng lạm phát tăng cao hơn dự kiến, dữ liệu sơ bộ từ Cơ quan thống kê liên bang Đức (Destatis) công bố hôm 30/10 cho thấy.
"Điều này vẫn còn xa so với những gì chúng tôi cần, nhưng ít nhất thì đây cũng là một tia hy vọng", Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết. "Nền kinh tế đang chứng tỏ nó hoạt động mạnh mẽ hơn dự báo trước đó, và suy thoái kỹ thuật mà nhiều người dự đoán đã không thành hiện thực".
Suy thoái thường được định nghĩa là 2 quý liên tiếp suy giảm kinh tế, và dữ liệu từ quý II đã thúc đẩy nỗi lo suy thoái ở nền kinh tế Đức. Còn dữ liệu mới nhất do Destatis công bố cho thấy, nền kinh tế đã tăng trưởng 0,2% trong quý III so với quý trước đó, nhờ chi tiêu của chính phủ và hộ gia đình.
"Dưới sức nặng của nhiều điểm yếu về mặt cấu trúc, nền kinh tế Đức đang phát đi dấu hiệu của sự sống", ông Alexander Krueger, nhà kinh tế trưởng tại Hauck Aufhaeuser Lampe, cho biết khi nói về dữ liệu mới. "Điều này là nhờ người tiêu dùng".
Tuy nhiên, dự kiến các điểm yếu kinh tế sẽ vẫn tiếp diễn khi Đức phải vật lộn với chi phí năng lượng cao, nhu cầu xuất khẩu toàn cầu giảm và cạnh tranh nước ngoài gia tăng.
"Mặc dù đã tránh được suy thoái kỹ thuật, nhưng nền kinh tế Đức vẫn chỉ lớn hơn một chút so với thời điểm bắt đầu đại dịch", ông Carsten Brzeski, giám đốc toàn cầu về kinh tế vĩ mô tại ING, cảnh báo.
"Triển vọng tăng trưởng vẫn mờ nhạt, ở đâu đó giữa trì trệ và tốc độ tăng trưởng chậm như sên", ông Krueger cho biết.
Dữ liệu mới nhất cũng cho thấy lạm phát đã tăng trở lại lên mức 2,4% vào tháng 10, trái ngược với dự báo của các nhà phân tích được Reuters thăm dò là 2,1% trong tháng này, sau khi giá tiêu dùng tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 9, dựa trên dữ liệu được điều chỉnh để so sánh với các quốc gia khác trong Liên minh châu Âu (EU).
"Ước tính sơ bộ vừa được công bố về lạm phát của Đức vào tháng 10 có thể khiến một số thành viên của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hối tiếc về đợt cắt giảm lãi suất mới nhất và tâm thế sẵn sàng cắt giảm mạnh hơn của họ", ông Brzeski nói.
Lạm phát lõi, không bao gồm các mặt hàng biến động như giá thực phẩm và năng lượng, ở mức 2,9% vào tháng 10, tăng so với mức 2,7% của tháng trước.
"Lạm phát lõi tăng trở lại một lần nữa cho thấy vấn đề lạm phát vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn và vẫn cần phải kiên nhẫn", ông Sebastian Becker, chuyên gia kinh tế tại Deutsche Bank Research, cho biết.
Về ngắn hạn, các dấu hiệu cho thấy lạm phát sẽ tăng cao trong thời điểm hiện tại, các nhà kinh tế cho biết.
"Tuy nhiên, sự suy yếu hiện tại của thị trường lao động cho thấy lãi suất cơ bản có khả năng sẽ giảm trở lại – mặc dù chậm – trong suốt năm 2025", ông Becker nhận định.
"Nếu tỉ lệ lạm phát ổn định ở mức dưới 2%, mọi thứ sẽ ở trong vùng xanh", ông Friedrich Heinemann, nhà kinh tế tại ZEW, cho biết, nhưng ông nói thêm rằng điều này không chắc chắn đối với năm 2025.
"Nếu xảy ra một cuộc xung đột thương mại leo thang mới giữa EU và Mỹ, nền kinh tế Đức cũng sẽ cảm nhận được những tác động thông qua giá nhập khẩu cao hơn", ông Heinemann cho biết.
Đức sẽ là bên thua thiệt nhiều nếu xảy ra một cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng giữa Mỹ và châu Âu.
Minh Đức (Theo Reuters, DW)
Hoặc