Thanh niên Trần Chí Cường (sinh năm 2003, Trung Quốc) lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Chí Cường chỉ có học lực trung bình và cũng không yêu thích việc học tập. Cậu chỉ hứng thú với những thông tin về pháp luật trên báo chí. Năm 16 tuổi, thanh niên này đọc được tin tức về một người mua sản phẩm kém chất lượng, kiện ra tòa và nhận bồi thường gấp 10 lần, lên tới 100.000 NDT (364 triệu đồng). Tin tức thôi thúc Trần Chí Cường tìm cách kiếm tiền tương tự với danh nghĩa “chống hàng giả chuyên nghiệp”.
Năm 2021, Trần Chí Cường mua sản phẩm thịt xông khói hết hạn ở siêu thị nhỏ gần nhà. Theo Luật An toàn thực phẩm Trung Quốc, người tiêu dùng yêu cầu bồi thường gấp 10 lần giá sản phẩm hoặc tối thiểu 1.000 NDT nếu thực phẩm không đạt tiêu chuẩn. Hiểu rõ rủi ro bị cáo buộc tống tiền nếu thương lượng trực tiếp, thanh niên này kiện thẳng siêu thị lên Tòa án Nhân dân huyện. Sau nhiều lần đàm phán, chủ siêu thị đồng ý bồi thường 500 NDT (1,8 triệu đồng) và Trần rút đơn kiện.

Sản phẩm Trần Chí Cường mua trên sàn thương mại điện tử
Sau lần đầu thành công, Trần Chí Cường chuyển sang mua sắm trực tuyến trên các nền tảng như Taobao, Pinduoduo, và JD.com. Cậu nhắm đến các sản phẩm giá rẻ (10-20 NDT), cố tình tìm các sản phẩm trà hết hạn sử dụng, đồ uống thiếu nhãn mác, thịt viên giả làm bằng nguyên liệu không giống thông tin trên bao bì, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng... Chỉ trong nửa năm, thanh niên này nộp hơn 800 đơn kiện lên Tòa án, yêu cầu bồi thường 1.000 NDT mỗi vụ, tổng cộng hơn 800.000 NDT (2,9 tỷ đồng).
Tại toà án, Trần Chí Cường đưa ra những sản phẩm thiếu chứng nhận kiểm dịch, nhãn mác, hoặc hết hạn, không đủ thông tin nhà sản xuất, thành phần. Đồng thời, thanh niên này cáo buộc các cửa hàng biết sản phẩm kém chất lượng nhưng vẫn bán ra thị trường.
Tuy nhiên sau đó, nhiều đơn kiện của Trần Chí Cường bị bác bỏ vì Toà án cho rằng cậu không phải “người tiêu dùng” mà mua hàng với mục đích cố ý trục lợi. Dù đã từng mua phải hàng giả tại cửa hàng A, Chí Cường vẫn tiếp tục tìm kiếm các sản phẩm hết hạn, thiếu nhãn mác khác để mua tiếp nhằm lấy được tiền bồi thường.

Thanh niên Trần Chí Cường tại toà án
Trong trường hợp đơn kiện bị bác, Trần Chí Cường lại nộp đơn kiện khác để gây áp lực đến chủ các cửa hàng này, buộc họ phải thương lượng. Khi thanh niên này mới nhận được 120.000 NDT (hơn 400 triệu đồng) tiền bồi thường từ người bán, Toà án địa phương nhận định hành vi của Trần Chí Cường mang mục đích tống tiền. Tháng 3/2022, Trần Chí Cường bị bắt, đối mặt với mức án 3-10 năm tù vì tội tống tiền. Cảnh sát địa phương cũng tiến hành kiểm tra, xử phạt những cửa hàng bán sản phẩm kém chất lượng theo quy định pháp luật Trung Quốc.
Kim Linh (Theo Toutiao)
Hoặc