Mỹ vừa bày tỏ "quan ngại" về việc EU ưu tiên mua vũ khí do châu Âu sản xuất, lập luận rằng chiến lược này không phải là cách rẻ nhất hoặc nhanh nhất để cung cấp vũ khí cho Ukraine và các quốc gia khác đang cần.
Các bình luận trên do Đại sứ Mỹ sắp mãn nhiệm tại NATO Julianne Smith đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với Politico được công bố hôm 22/10.
Nhà ngoại giao – đại diện cho Mỹ tại liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương trong 3 năm qua – đã đi thẳng vào trọng tâm của một trong những cuộc tranh luận lớn nhất về các kế hoạch của người châu Âu nhằm thúc đẩy "quyền tự chủ chiến lược" của họ.
Đối mặt với khả năng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử vào ngày 5/11 tới, Pháp đang dẫn đầu một nỗ lực nhằm thúc đẩy EU trở nên tự chủ hơn về mặt quân sự.
Theo chiến lược công nghiệp quốc phòng của Ủy ban châu Âu (EC) được công bố vào đầu năm nay, 27 quốc gia thành viên EU – với 23 trong số đó cũng thuộc NATO – đặt mục tiêu chi 50% ngân sách mua sắm của họ cho vũ khí do châu Âu sản xuất vào năm 2030, và con số này sẽ tăng lên 60% vào năm 2035.
Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia thành viên EU đều tán thành điều này. Ví dụ, Thụy Điển và Hà Lan đã bày tỏ sự phản đối. Có lập luận cho rằng Paris chỉ đơn giản là đang bảo vệ ngành công nghiệp vũ khí Pháp mà không thể sánh kịp về khối lượng và tốc độ giao hàng của các nhà cung cấp khác như Mỹ và Hàn Quốc. Ví dụ, Ba Lan là khách hàng lớn của vũ khí Hàn Quốc.
"Tất cả đều khá hấp dẫn và đáng khích lệ khi EU đang chuẩn bị gánh vác một phần gánh nặng lớn hơn khi nói đến quốc phòng và an ninh", bà Smith, người đã hoàn thành nhiệm kỳ của mình tại NATO hôm 22/10, cho biết. "Washington có quan ngại về cách thức một số sáng kiến đó đang diễn ra không? Chắc chắn là có", Đại sứ Mỹ nói.
Khi được yêu cầu giải thích thêm, bà Smith cho biết: "Khi người châu Âu tuyên bố rằng họ chỉ nên mua thiết bị hoặc vũ khí quốc phòng trong phạm vi châu Âu, chúng tôi đặt câu hỏi: Nếu một quốc gia muốn có được vũ khí tốt nhất và với mức giá tốt nhất, liệu các vị có cho phép quốc gia đó tìm đến bất cứ nơi nào khác họ có thể tìm thấy điều mà họ cần trong khoảng thời gian mà họ muốn không? Và đôi khi điều đó đưa các vị đến các quốc gia nằm ngoài EU".
"Tôi đánh giá cao quan điểm trong trung hạn và dài hạn của họ, nhưng tôi không chắc rằng việc hạn chế mua sắm vũ khí ở phạm vi EU sẽ thực sự nhận được sự hỗ trợ trong ngắn hạn, ít nhất là cho những người bạn của chúng tôi ở Ukraine hoặc cho các quốc gia trên khắp liên minh đang thiếu hụt vũ khí trầm trọng", bà cho biết.
Đề cập đến lời mời Ukraine gia nhập NATO – một điểm then chốt trong "kế hoạch chiến thắng" của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, bà Smith nói thẳng: "Cho đến nay, liên minh vẫn chưa đạt đến điểm mà họ sẵn sàng cấp tư cách thành viên hoặc lời mời cho Ukraine".
"Ý định của chúng tôi là tiếp tục đưa họ đến gần hơn với NATO", bà nói thêm.
Khi nói về kịch bản ông Trump, nếu đắc cử, sẽ một lần nữa gây khó dễ cho NATO, bà Smith cho biết: "Trong 75 năm qua, các Tổng thống Mỹ thuộc mọi đảng phái chính trị đều ủng hộ liên minh này và cam kết sẽ lãnh đạo toàn bộ liên minh.Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò đó trong tương lai, bất kể điều gì xảy ra vào ngày 5/11".
Minh Đức (Theo Politico EU)
Hoặc