Nga sẵn sàng tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu qua Ukraine, nhưng việc tiếp tục cung cấp hiện phụ thuộc vào thỏa thuận đạt được giữa khách hàng châu Âu và Kiev, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết vào ngày 6/11.
Thỏa thuận trung chuyển khí đốt Nga-Ukraine hiện tại có thời hạn 5 năm sẽ hết hạn vào cuối năm 2024 và dòng khí đốt của Nga đến châu Âu qua Ukraine sẽ chấm dứt nếu không có thỏa thuận mới nào được đưa ra.
Ông Novak, phát biểu bên lề một cuộc họp của Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai ở thành phố Sochi của Nga bên Biển Đen, cho biết khách hàng châu Âu rõ ràng quan tâm đến việc tiếp tục trung chuyển khí đốt.
“Chúng tôi sẵn sàng cung cấp khí đốt, nhưng câu chuyện ở đây ít phụ thuộc vào chúng tôi. Đây là lý do tại sao điều này cần sự thỏa thuận trực tiếp giữa người tiêu dùng ở châu Âu và quốc gia trung chuyển”, ông Novak nói.
“Chúng tôi không từ chối hợp tác; quả bóng không nằm trong sân của chúng tôi. Vì vậy, trước hết, các vị cần hỏi các đối tác đã hạn chế sự hợp tác của chúng tôi xem họ có sẵn sàng tiếp tục theo cách này hay cách khác trong tương lai không”, Phó Thủ tướng Nga phụ trách mảng năng lượng cho biết.
“Tôi chưa bao giờ nghe nói rằng chúng tôi sẵn sàng hạn chế bản thân trong bất kỳ hoạt động kinh tế nào”, vị quan chức Nga nói thêm.
Bất chấp xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra, mỗi ngày khoảng 42 triệu m3 khí đốt Nga vẫn chảy vào châu Âu qua điểm kết nối Sudzha trên biên giới với Ukraine.
Một số quốc gia châu Âu vẫn mua khí đốt của Nga được giao qua Ukraine, trong đó Áo và Slovakia là những nước đứng đầu.
OMV của Áo và SPP của Slovakia đều cho biết họ có thể đáp ứng các nghĩa vụ cung cấp của mình từ các nguồn khác nếu luồng khí đốt Nga qua Ukraine bị đình chỉ từ đầu năm 2025.
Nhưng Bratislava nói riêng đã thúc đẩy mạnh mẽ để tìm ra các thỏa thuận mới nhằm cho phép khí đốt Nga tiếp tục chảy qua Ukraine vào Slovakia. Slovakia cũng kiếm được doanh thu với tư cách là quốc gia trung chuyển khí đốt Nga đi qua Ukraine để chuyển tiếp đến Áo.
Trong khi đó, Ukraine vẫn phản đối việc tiếp tục trung chuyển khí đốt Nga, với việc Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal tuyên bố vào tháng trước rằng Kiev sẽ không gia hạn thỏa thuận trung chuyển với Moscow khi thỏa thuận này hết hạn.
“Chúng tôi hiểu sự phụ thuộc sâu sắc của một số quốc gia, đặc biệt là Slovakia, vào nguồn tài nguyên này”, Shmyhal cho biết vào ngày 7/10. “Nhưng chúng tôi đang trông chờ vào sự đa dạng hóa dần dần các nguồn cung cấp”.
Những lo ngại của thị trường về tương lai của quá cảnh Ukraine đã khiến giá khí đốt châu Âu cho đợt giao hàng tháng 1 và tháng 2 năm sau trở thành mức giá đắt nhất trong tất cả các kỳ giao hàng trong tương lai dọc theo toàn bộ đường cong TTF cho đến năm 2030.
Lượng khí đốt Nga trung chuyển qua Ukraine đã lên tới 117 tỷ m3 vào năm 2008 nhưng đã giảm xuống chỉ còn 14,65 tỷ m3 vào năm ngoái.
Minh Đức (Theo TASS, S&P Global)
Hoặc