Khi mọi chuyện trở nên rõ ràng là ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã không ngần ngại liên lạc với Tổng thống đắc cử của Mỹ.
"Tôi nghĩ ông Zelensky là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên chúc mừng ông Trump vì chiến thắng của ông ấy", bà Maria Avdeeva, một chuyên gia an ninh người Ukraine có trụ sở tại Kharkiv, cho biết.
Bà Avdeeva cho biết, cách tiếp cận của Kiev đối với mối quan hệ Ukraine-Mỹ là thực tế: "Chúng tôi cần sự ủng hộ của lưỡng đảng đối với Ukraine, bởi vì chỉ có sự ủng hộ của một đảng, Ukraine sẽ không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến".
Lo lắng và hy vọng đan xen
Tại châu Âu, nhiều quốc gia sẽ chú ý chặt chẽ đến cách tiếp cận của chính quyền Trump 2.0 đối với cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã nói rằng ông sẽ chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine trong vòng 24 giờ sau khi trở thành Tổng thống.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với NBC News hôm 7/11 – tức 2 ngày sau khi giành chiến thắng bầu cử, ông Trump đã đưa ra rất ít dấu hiệu về cách ông dự định tiếp cận vấn đề Nga-Ukraine.
Ông Trump cho biết, ông đã nói chuyện với ông Zelensky, nhưng ông Putin không nằm trong số khoảng 70 cuộc trò chuyện qua điện thoại mà vị chính trị gia tỷ phú đã có với các nhà lãnh đạo thế giới kể từ khi đắc cử. Nhưng ông Trump cho biết, ông vẫn lên kế hoạch trò chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Cho đến nay, cả phía Nga và Ukraine đều thận trọng trong các tuyên bố của họ về ông Trump và chính sách của Tổng thống Mỹ tiếp theo đối với cuộc chiến dai dẳng trên đất châu Âu.
Trong khi chúc mừng Trump về chiến thắng trong cuộc bầu cử, ông Zelensky hôm 6/11 đã nhấn mạnh điều mà ông Trump đã nói trong nhiệm kỳ Tổng thống trước của mình về "hòa bình thông qua sức mạnh".
Đối với ông Zelensky, điều đó có nghĩa là Mỹ sẽ hỗ trợ quân sự nhiều hơn để giúp Ukraine tiếp tục cuộc chiến chống lại các lực lượng Nga.
Tại Ukraine, một mặt vẫn tiếp tục có lo ngại về lập trường chính sách của ông Trump, mặt khác nhiều người Ukraine hoan nghênh sự thay đổi trong chính sách của Mỹ và đang hy vọng về một điều gì đó khác hơn, bà Avdeeva cho biết.
"Việc ông Trump đắc cử không được coi là thảm họa, bởi vì chúng tôi đã không thấy tất cả sự giúp đỡ đã hứa khi bắt đầu cuộc chiến", bà Avdeeva nói và giải thích rằng nhiều người Ukraine đã trở nên vỡ mộng với sự hỗ trợ của Mỹ, tin rằng cách tiếp cận của Tổng thống Joe Biden là quá thận trọng.
Cũng có một số lo ngại rằng ông Trump sẽ cố gắng gây sức ép buộc Ukraine tham gia các cuộc đàm phán hòa bình. Nhưng bà Avdeeva cho rằng đàm phán vẫn chưa thể xảy ra, đặc biệt là khi Nga đang tiếp tục giành được lợi thế trên chiến trường.
Tư thế "hãy chờ và xem"
Điện Kremlin hôm 6/11 đã phản ứng thận trọng đối với chiến thắng của ông Trump, nói rằng Mỹ vẫn là một "quốc gia thù địch" và chỉ có thời gian mới có thể trả lời liệu tuyên bố của ông Trump về việc chấm dứt xung đột Ukraine có trở thành hiện thực hay không.
"Chúng ta đừng quên rằng chúng ta đang nói về một quốc gia thù địch, quốc gia này đang trực tiếp và gián tiếp tham gia vào một cuộc chiến chống lại nhà nước chúng ta", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên.
"Chúng tôi đã nhiều lần nói rằng Mỹ có thể đóng góp vào việc chấm dứt cuộc xung đột này. Điều này không thể thực hiện được trong một sớm một chiều, nhưng… Mỹ có khả năng thay đổi quỹ đạo chính sách đối ngoại của mình. Liệu điều này có xảy ra không, và nếu có, thì như thế nào… chúng ta hãy chờ và xem, và sẽ thấy sau lễ nhậm chức của tân Tổng thống Mỹ vào tháng 1 năm sau", vị phát ngôn viên nói.
Các nhà ngoại giao Nga và Mỹ cho biết, mối quan hệ giữa 2 cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới hiện đã trở nên tồi tệ hơn. Các quan chức Nga, kể cả ông Putin, đã nói trước khi cuộc bầu cử ở Mỹ diễn ra rằng, việc ai thắng không ảnh hưởng gì đến Moscow.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Moscow không ảo tưởng về ông Trump. Bộ này cho biết: "Nga sẽ làm việc với chính quyền mới của Mỹ khi chính quyền này tiếp quản Nhà Trắng, quyết liệt bảo vệ lợi ích quốc gia của Nga và tập trung vào việc đạt được tất cả các mục tiêu đã đề ra của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine".
"Các điều kiện của chúng tôi không thay đổi và đều được biết rất rõ ở Washington", Bộ Ngoại giao Nga cho hay.
Ông Kirill Dmitriev, người đứng đầu Quỹ đầu tư quốc gia Nga và là một đồng minh thân cận của ông Putin, đã đưa ra một lưu ý nhẹ nhàng hơn, nói rằng chiến thắng của ông Trump có thể là cơ hội để hàn gắn mối quan hệ Nga-Mỹ.
"Điều này mở ra cơ hội mới để thiết lập lại quan hệ giữa Nga và Mỹ", ông Dmitriev, cựu nhân viên ngân hàng Goldman Sachs, người trước đây từng có các cuộc tiếp xúc với nhóm của ông Trump, cho biết thêm.
Hôm 7/11, tại phiên họp toàn thể của Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai ở thành phố Sochi, ông Putin đã chúc mừng ông Trump đắc cử. Nhà lãnh đạo Nga cũng nói rằng việc ông Trump bày tỏ "mong muốn khôi phục quan hệ với Nga, giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng Ukraine, theo tôi – Tôi nghĩ rằng điều đó đáng được chú ý".
Minh Đức (Theo The World, Bloomberg, Reuters)
Hoặc