Trái phiếu vẫn luôn là kênh huy động vốn quan trọng của các ngân hàng thương mại. Ảnh: Chí Hùng. |
Theo số liệu Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), trong tháng 8 đã có 43 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thành công, tổng giá trị phát hành đạt 37.995 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phát hành 2 đợt trái phiếu ra công chúng với giá trị 11.000 tỷ đồng.
Như vậy, trong tháng 8, gần 49.000 tỷ đồng đã được các doanh nghiệp huy động thành công qua kênh trái phiếu, tăng hơn 57% so với giá trị giao dịch thành công ở tháng liền kề.
"Tay chơi" lớn nhất trên thị trường trái phiếu
VBMA cho biết lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp toàn thị trường đạt 222.752 tỷ đồng, với 13 đợt phát hành ra công chúng trị giá 22.773 tỷ đồng (chiếm 10% tổng giá trị phát hành) và 206 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 199.979 tỷ đồng (chiếm 90%), tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2023.
Cũng trong 8 tháng đầu năm, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bình quân vào khoảng 7%/năm, thấp hơn so với mức trung bình 8,3%/năm của năm ngoái.
Trong đó, ngân hàng vẫn là nhóm có giá trị phát hành cao nhất từ đầu năm đến nay, với khoảng 159.200 tỷ đồng, tăng 163% so với cùng kỳ, và chiếm 72% tổng giá trị phát hành.
Đáng chú ý, dù ghi nhận giá trị phát hành cao nhất nhưng lãi suất của các lô trái phiếu ngân hàng hiện thấp hơn nhiều so với các nhóm doanh nghiệp khác, chỉ dao động trong khoảng 5,5-8%/năm và kỳ hạn phát hành bình quân là 4,3 năm.
Tuy vậy, mức lãi suất kể trên vẫn cao hơn đáng kể so với lãi suất các ngân hàng đang huy động trên thị trường 1 (ngân hàng với khách hàng).
Một số đợt phát hành trái phiếu giá trị lớn của ngành ngân hàng nửa đầu năm có thể kể tới Agribank với lô trái phiếu 10.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm. Lãi suất của lô trái phiếu này được tính bằng lãi suất tham chiếu + 2%/năm. Trường hợp không mua lại trái phiếu thì từ kỳ thứ 5, lãi suất sẽ được tính bằng lãi tham chiếu + 3%/năm.
GIÁ TRỊ PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU THEO NHÓM NGÀNH | ||||||
Tổng giá trị trái phiếu phát hành đến hết tháng 8/2024 đạt 238.356 tỷ đồng. Nguồn: VBMA; HNX; SSC. | ||||||
Nhãn | Ngân hàng | Bất động sản | Chứng khoán | Xây dựng | Khác | |
% | 72.18 | 18.54 | 2.3 | 1.55 | 5.43 |
Tương tự, HDBank từ đầu năm nay cũng đã huy động thành công 3.200 tỷ đồng để bổ sung vốn kinh doanh thông qua 2 lô trái phiếu phát hành riêng lẻ (2.200 tỷ đồng) và 1 lô phát hành ra công chúng (1.000 tỷ đồng). Trong đó, 2/3 lô trái phiếu của HDBank được phát hành với kỳ hạn 7 năm và 1 lô kỳ hạn 2 năm. Đây được xem là nguồn vốn dài hạn quan trọng của ngân hàng bên cạnh vốn chủ sở hữu.
Về lãi suất, trái phiếu kỳ hạn 2 năm được HDBank áp dụng lãi suất 5,7%/năm, còn trái phiếu kỳ hạn 7 năm lãi suất tính bằng bình quân lãi tiết kiệm 12 tháng của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) + biên độ 2,8%/năm.
Cũng trong giai đoạn này, OCB đã phát hành 4 lô trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị huy động 5.000 tỷ đồng, kỳ hạn 2-3 năm, lãi suất 5,6%/năm; Ngân hàng Quân đội (MB) có 2 lô trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 3 năm, giá trị phát hành 4.000 tỷ đồng, lãi suất 5,45%/năm; hay VPBank cũng phát hành 1 lô trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 3 năm, trị giá 4.000 tỷ đồng, lãi suất 5,5%/năm.
Ngoài ra, các ngân hàng như VietinBank, BIDV, TPBank, BIDV, Nam A Bank... đều sử dụng kênh trái phiếu để huy động vốn bổ sung hoạt động kinh doanh.
Giữ vai trò quan trọng
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Bình, Giảng viên Kế toán, Đại học RMIT Việt Nam. Ảnh: NVCC. |
Trao đổi với Tri Thức - Znews, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Bình, Giảng viên Kế toán, Đại học RMIT Việt Nam, cho biết khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công đang gia tăng là tín hiệu tích cực, cho thấy thị trường đang dần "ấm" lên. Điều này đồng thời bước đầu xác lập lại niềm tin cho nhà đầu tư, tạo tiền đề cho sự hồi phục dài hạn của thị trường.
Theo ông Bình, việc các ngân hàng tích cực huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp giúp đa dạng hóa nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn dài hạn.
Đồng thời, việc phát hành trái phiếu cũng góp phần gia tăng sự giám sát của thị trường đối với hoạt động của các ngân hàng. "Xét về điểm này, đây có thể xem là dấu hiệu tích cực đối với thị trường", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Theo ông, các ngân hàng thường dẫn đầu về khối lượng phát hành trái phiếu đến từ những đặc thù riêng có của ngành này mà các nhóm doanh nghiệp khác không có được.
Chẳng hạn, ngân hàng có lợi thế về xếp hạng tín nhiệm so với các ngành khác nên dễ có được sự tin tưởng của nhà đầu tư. Ngoài ra, một số ngân hàng còn cung cấp các sản phẩm hỗ trợ như cho vay cầm cố trái phiếu do chính ngân hàng phát hành. Điều này tạo nên sự hấp dẫn cho nhà đầu tư trong việc lựa chọn trái phiếu ngân hàng như một sản phẩm hiệu quả để bổ sung vào danh mục đầu tư.
Các ngân hàng cần phát huy vai trò ở cả những khía cạnh khác để hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Bình, Giảng viên Kế toán, Đại học RMIT Việt Nam
Vị giảng viên cũng cho rằng trong dài hạn, các ngân hàng cần phát huy vai trò ở cả những khía cạnh khác để hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Chẳng hạn, ngân hàng có thể tăng cường hơn nữa vai trò bảo lãnh phát hành cho các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Tại một sự kiện về trái phiếu doanh nghiệp mới đây, ông Trần Phú Việt, Trưởng phòng Nghiên cứu và phát triển sản phẩm, Bộ phận Dữ liệu tài chính, FiinGroup, cũng cho biết các doanh nghiệp (bao gồm ngân hàng) đẩy mạnh phát hành trái phiếu trở lại là diễn biến tích cực trên thị trường sơ cấp.
Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động ngân hàng đang ở mức thấp, trái phiếu ngân hàng có thể là một kênh đầu tư để nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức nhận được lợi suất cao hơn, với thanh khoản tốt và sự đa dạng về các sự lựa chọn kỳ hạn, lợi suất.
Ông Việt dự báo thời gian tới, trái phiếu ngân hàng sẽ vẫn là nhóm chủ đạo dẫn dắt thị trường, dự kiến chiếm khoảng 70% giá trị phát hành nửa cuối năm 2024.
FiinRatings cũng dự báo các ngân hàng sẽ tiếp tục tăng phát hành trái phiếu trong thời gian còn lại của năm, nhằm bổ sung vốn trung, dài hạn khi tăng trưởng tín dụng dần khởi sắc.
Hiện nhiều nhà băng đã đăng ký hoặc dự kiến phát hành thêm các lô trái phiếu từ nay tới cuối năm. Trong đó, BIDV đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ trong quý III và IV với tổng giá trị tối đa 4.000 tỷ đồng, kỳ hạn trên 5 năm; ACB cũng đã chốt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị tối đa 15.000 tỷ đồng, kỳ hạn tối đa 5 năm; hay LPBank với kỳ vọng huy động khoảng 6.000 tỷ đồng; SHB khoảng 5.000 tỷ đồng...
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.
Hoặc