Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11: Công tác tuyên truyền phải linh hoạt, bám sát thực tiễn

09/11/2024 12:18

Pháp luật đóng vai trò rất quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong đó, người làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phải linh hoạt, bám sát thực tiễn.

"Không có pháp luật, mỗi người sẽ đi một hướng"

Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012 quy định ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật Việt Nam - chính là ngày bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta được ban hành (9/11/1946).

Ngày Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam với mục đích, ý nghĩa là nâng cao hiệu quả xây dựng, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Hưởng ứng thiết thực ngày Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2024, Tạp chí Đời sống và Pháp luật đã lắng nghe những chia sẻ từ các ĐBQH về ý nghĩa của pháp luật trong xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11: Công tác tuyên truyền phải linh hoạt, bám sát thực tiễn- Ảnh 1.

ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương).

ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) cho rằng, xã hội càng văn minh thì vai trò của pháp luật càng được chú trọng. Quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa lấy pháp luật làm cơ sở nền tảng để điều chỉnh các hành vi cá nhân, các quan hệ xã hội, bảo đảm cho xã hội ổn định và phát triển bền vững thì pháp luật có vai trò rất quan trọng.

Không có pháp luật thì không thể xây dựng được Nhà nước pháp quyền, và không thể đảm bảo trật tự kỷ cương, ổn định xã hội, bảo vệ quyền con người, làm cho người dân có cuộc sống an toàn, ấm no, hạnh phúc.

"Do đó, vai trò của pháp luật rất quan trọng, ngày càng đi vào đời sống nhân dân. Trước đây, chúng ta là nước nghèo, thu nhập thấp, nhưng sắp tới chúng ta trở thành nước giàu vào khoảng năm 2045. 

Từ nay đến lúc đó, chúng ta phát triển rất mạnh mẽ cả về kinh tế, xã hội, giáo dục, môi trường, an sinh xã hội...", ông Huân nói và cho rằng để điều hành những điều này chỉ thông qua hệ thống pháp luật.

"Nếu không có pháp luật sẽ mỗi người một hướng. Do vậy, pháp luật có vai trò cực kỳ quan trọng", ông Huân chia sẻ.

Tuyên truyền phải linh hoạt, bám sát thực tiễn

Theo luật gia Đinh Ngọc Sơn – Chủ tịch Hội Luật gia Tp.Việt Trì (tỉnh Phú Thọ), pháp luật có vai trò rất quan trọng, là định hướng, cơ sở pháp lý để xã hội tồn tại và phát triển. 

Do đó, để pháp luật đi sâu, bám sát vào đời sống nhân dân thì luật nào không phù hợp với thực tiễn đòi hỏi phải sửa đổi cho phù hợp. Các cơ quan, tổ chức làm công tác tuyên truyền pháp luật cũng luôn lắng nghe "hơi thở" của cuộc sống, nắm bắt các vấn đề nổi cộm để tập trung triển khai tuyên truyền.

Luật gia Sơn chia sẻ, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội Luật gia Việt Nam. Trong đó, nòng cốt có việc tập trung làm tốt công tác trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách, yếu thế trong xã hội. 

Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11: Công tác tuyên truyền phải linh hoạt, bám sát thực tiễn- Ảnh 2.

Luật gia Đinh Ngọc Sơn – Chủ tịch Hội Luật gia Tp.Việt Trì (tỉnh Phú Thọ).

Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tiễn địa phương, trước tình trạng học sinh các trường phổ thông vi phạm luật có xu hướng gia tăng, đặc biệt là vi phạm Luật An toàn giao thông đường bộ, bạo lực học đường nên Hội đã phối hợp Đoàn Thanh niên Tp.Việt Trì tập trung tuyên truyền về vấn đề này.

Cùng với đó, các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông đều tổ chức cho học sinh được học ngoại khóa theo chuyên đề nêu trên. Từ đó, mang lại hiệu quả góp phần xây dựng ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, hạn chế các vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố.

Chi hội Luật gia Công ty luật The Light tuyên truyền pháp luật cho học sinhHội Luật gia Tp.Vũng Tàu tuyên truyền pháp luật hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam

Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, Hội phối hợp với Chi hội Luật gia Tòa án, Viện Kiểm sát, Chi cục Thi hành án,... để phân công cán bộ có kỹ năng thuyết trình, gắn với câu chuyện thực tế để kể lại tại các buổi tuyên truyền trước hàng chục nghìn học sinh, sinh viên trên địa bàn.

"Tôi ví dụ, tình trạng phụ huynh giao xe cho học sinh chưa đủ tuổi diễn ra khá phổ biến. Cả phụ huynh và học sinh đều chưa ý thức hết được những hậu quả có thể xảy ra đối với hành vi này. Đó là khi các em gặp CSGT thường có tâm lý sợ và bỏ chạy, như vậy rất dễ xảy ra tai nạn với chính bản thân và người đi đường. 

Chưa kể, khi đó thì phụ huynh giao xe cho con cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Từ những câu chuyện thực tế, những phân tích sâu sắc, cặn kẽ đó tới phụ huynh và học sinh mang lại hiệu quả rất tốt", luật gia Sơn nhấn mạnh.

Về vấn đề này, ĐBQH Hoàng Anh Công - Phó Trưởng ban Dân nguyện (Đoàn Thái Nguyên) cho rằng, thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật ở lứa tuổi học sinh tăng cao, tội phạm ngày càng trẻ hóa. Do đó, rõ ràng giáo dục pháp luật, nhất là trong giới trẻ cực kỳ quan trọng.

"Giới trẻ là tương lai của đất nước, nếu không được giáo dục pháp luật một cách chu đáo, cẩn thận thì họ không hiểu pháp luật. Như vậy, dễ dẫn đến hành vi sai trái. Bởi giới trẻ có tính tinh nghịch, a dua chạy theo đám đông nên rất dễ vi phạm pháp luật", ông Công nói. 

Do đó, theo đại biểu Công, ngoài việc cần phải có biện pháp giáo dục tại nhà trường, gia đình, cần xử lý nghiêm để tăng tính răn đe với trường hợp vi phạm.

Báo chí - "sứ giả" lan toả tinh thần thượng tôn pháp luật

Từ câu chuyện thực tiễn trong công tác tuyên truyền nói trên, các đại biểu cho rằng chính báo chí là những "sứ giả" truyền tải một cách thời sự nhất, chân thực nhất về những câu chuyện pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, báo chí có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức người dân sống và làm việc theo pháp luật. Đặc biệt, thông qua các vụ án, đại án, báo chí phân tích, phê phán các hành vi vi phạm pháp luật đã góp phần răn đe, cảnh tỉnh đối với toàn xã hội. 

"Các thông tin trên báo chí, đặc biệt là báo điện tử, truyền hình sẽ tiếp cận nhanh chóng đến mọi đối tượng. Do đó, truyền thông pháp luật thông qua báo chí là tốt nhất, đặc biệt là có những bài viết nêu gương người tốt việc tốt, những vụ án là cách thức cảnh tỉnh cho người dân", ông Huân cho hay.

Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11: Công tác tuyên truyền phải linh hoạt, bám sát thực tiễn- Ảnh 3.

ĐBQH Hoàng Anh Công - Phó Trưởng ban Dân nguyện (Đoàn Thái Nguyên).

Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Anh Công cho rằng, báo chí là một công cụ tuyên truyền rất quan trọng, nếu pháp luật không có báo chí thì pháp luật khó tiếp cận nhanh chóng đến người dân. 

Ngược lại, qua báo chí, các cơ quan làm luật, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng thu lượm được những phản hồi trong việc áp dụng pháp luật để có điều chỉnh cho phù hợp. Nhìn từ công tác dân nguyện, vị đại biểu cho biết, ông cũng thường xuyên cập nhật thông tin từ báo chí rất nhiều để nắm bắt dư luận xã hội.

Do đó, các đại biểu cho rằng, cơ quan báo chí cần phát huy hơn nữa vai trò cầu nối giữa pháp luật với người dân. Để làm được điều đó, báo chí phải hoạt động theo đúng quy định pháp luật, phản ánh sự việc một cách khách quan, trung thực. 

Đặng Thuỷ - Hoàng Bích