Chia sẻ tại chương trình sinh hoạt khoa học chuyên đề "Rối loạn cờ bạc", chiều 12-5, bác sĩ Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết rối loạn cờ bạc (còn gọi là nghiện cờ bạc) là một rối loạn tâm thần, có nhiều điểm giống nghiện rượu hoặc ma túy.

Bác sĩ giải thích về hành vi rối loạn cờ bạc
Người bệnh không thể kiểm soát hành vi đánh bạc, dù biết rõ hậu quả như mất tiền, đổ vỡ quan hệ và suy sụp tinh thần. "Hệ thống tưởng thưởng trong não người bệnh bị lệch lạc. Họ chỉ cảm thấy dễ chịu khi đánh bạc, rồi lại chìm trong mặc cảm, hối hận. Cảm giác thèm đánh bạc cứ lặp lại"- bác sĩ Ngọc nói.
Gần đây, các bác sĩ điều trị cho một phụ nữ 36 tuổi (ở Hà Nội), bị nghiện giao dịch chứng khoán - một dạng rối loạn cờ bạc. Bệnh nhân có bằng đại học, từng ở nhà chăm con và đầu tư chứng khoán với mong muốn hỗ trợ tài chính cho chồng để nuôi con.
Khi thua lỗ, chị càng lao vào "gỡ gạc", dẫn tới nợ nần. Gia đình phải bán nhà, về quê sống. Dù bị cấm dùng điện thoại, internet, chị vẫn tìm cách giao dịch, vay tiền để tiếp tục đầu tư.
Chị từng nghĩ đến tự sát nhưng vẫn bị thôi thúc "chơi chứng khoán" để gỡ nợ và có tiền nuôi con. Khi nhập viện, chị có biểu hiện lo âu, trầm cảm và phủ nhận bệnh.
Các bác sĩ tiến hành điều trị bằng tâm lý, điều biến não và liệu pháp hóa dược. Tình trạng cải thiện hơn khi chồng bệnh nhân thay đổi cách ứng xử, giảm kiểm soát cứng nhắc, tạo điều kiện để vợ làm việc có kiểm soát. Sau thời gian điều trị, bệnh nhân đã ổn định.

Bác sĩ tư vấn, trò chuyện với một người bệnh
Một trường hợp khác là nam bệnh nhân 34 tuổi (ở Hà Nội), từng có công việc ổn định tại công ty nước ngoài. Từ thời sinh viên, anh đã chơi cá độ bóng đá theo bạn và ngày càng lún sâu.
Sau khi mất việc, 3 lần thất bại xin đi xuất khẩu lao động, anh đánh bạc để quên áp lực. Có lúc anh cược hàng trăm triệu đồng, vay nợ khắp nơi. Gia đình tan vỡ, anh sống cùng cha mẹ, con nhỏ, mâu thuẫn triền miên.
Sáu tháng qua, anh trầm uất, mất ngủ, sụt 10 kg, gia đình phải đưa vào bệnh viện. Bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn thích ứng với lo âu, trầm cảm và rối loạn cờ bạc.
Rối loạn cờ bạc là gì?Thống kê cho thấy gần 1% dân số có thể mắc rối loạn cờ bạc, con số còn cao hơn cả tỉ lệ mắc tâm thần phân liệt (0,3–0,5%). Nam giới mắc bệnh gấp 3 lần nữ. Đáng chú ý, tới 96% người nghiện cờ bạc có kèm theo ít nhất một rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo âu hay rối loạn nhân cách.
Tiến sĩ Trịnh Thị Thanh Hương, Viện Sức khỏe Tâm thần, cho biết bệnh xuất phát từ ba nhóm yếu tố: Gia đình – xã hội, nhân cách – nhận thức. Những người rối loạn cờ bạc thường bốc đồng, dễ bị môi trường tác động. Khi trải qua cảm giác thắng hoặc suýt thắng, họ dễ bị kích thích và lầm tưởng có thể thắng tiếp, từ đó không dừng lại được.
"Khi người chơi cờ bạc thắng hoặc gần thắng sẽ bị kích thích sinh lý và nhận thức của người đánh bạc cho thấy rằng họ không liên tục thua mà liên tục "gần như chiến thắng", điều này kích thích chơi tiếp"- bác sĩ Hương giải thích.

Bác sĩ cảnh báo hành vi đánh bạc, chơi chứng khoán kéo dài, mất kiểm soát được coi là một dạng rối loạn tâm thần
Rối loạn cờ bạc có thể diễn ra từng đợt hoặc kéo dài dai dẳng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, công việc và gia đình.
Bác sĩ Ngọc nhấn mạnh không phải ai chơi vé số, bài bạc vì vui cũng bị xem là bệnh. Tuy nhiên, khi hành vi đánh bạc mất kiểm soát, kéo dài, bất chấp hậu quả tài chính lẫn tinh thần, gây tổn hại sức khỏe, công việc và các mối quan hệ, cần phải can thiệp y tế. Đây là rối loạn tâm thần được y học công nhận.
"Cờ bạc bệnh lý không chỉ là vấn đề cá nhân. Cần thay đổi nhận thức và tiếp cận nó như một vấn đề sức khỏe tâm thần, chứ không chỉ là sai lầm đạo đức hay thiếu nghị lực"- bác sĩ Ngọc nói.
Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ dựa trên nhiều yếu tố như sự thôi thúc liên tục, cảm giác mất kiểm soát, suy nghĩ ám ảnh về đánh bạc… Tùy thuộc vào từng tình trạng, nguyên nhân, bác sĩ sẽ đánh giá, điều trị bằng các biện pháp: Trị liệu tâm lý, điều biến não và liệu pháp hóa dược. Việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời là yếu tố quyết định trong việc phục hồi.
Hoặc