Theo Sohu, vào tháng 3/2021, ông Du xin vào làm tại 1 công ty với vai trò quản lý cửa hàng ở trung tâm thương mại thuộc Quảng Châu, Trung Quốc. Trong suốt thời gian làm việc tại đây, ông không gặp rắc rối nào.
Tuy nhiên, đến ngày 26/9/2024, người này bất ngờ nhận được thông báo của công ty qua WeChat. Người đại diện công ty cho biết mã số nhân sự của ông bị vô hiệu hóa ngay trong ngày, đồng thời chấm dứt hợp đồng lao động.
Công ty cho biết việc sa thải ông Du là hợp pháp. Bởi ông bị nhân viên trung tâm thương mại khiếu nại ngủ trên ghế đẩu tại quầy thu ngân trong giờ làm việc.
Ngoài ra, công ty cáo buộc, vào khoảng tháng 8/2024, cửa hàng do ông Du quản lý từng đóng cửa vào ngày trong tuần nhưng không báo cáo trước. Việc này vi phạm quy định của trung tâm thương mại, dẫn đến việc công ty bị xử phạt.
Không đồng ý với những lý lẽ do công ty đưa ra, ông Du đã đưa vụ việc này ra tòa án địa phương. Đồng thời, ông yêu cầu phải được bồi thường do công ty đã chấm dứt hợp đồng mà không báo trước.
Nam nhân viên cho biết vào ngày bị khiếu nại đã làm việc từ 9:30 đến 22:30, đảm nhận toàn bộ công việc tại cửa hàng một mình. Sau hơn 13 giờ làm việc liên tục, ông kiệt sức và chỉ ngồi nghỉ trên ghế đẩu, nhắm mắt khoảng 3 phút, nhưng không ngủ. Ông khẳng định vẫn tiếp khách khi cần. Công ty không có bằng chứng cho thấy ông bỏ bê công việc.
Về việc đóng cửa hàng vào ngày trong tuần, người này giải thích rằng ông chỉ tạm đóng trong khoảng 1 giờ đồng hồ để đi ăn trưa. Thời điểm đó không có nhân viên hỗ trợ nên ông không còn giải pháp nào khác.

Ảnh minh họa
Sau khi xem xét toàn bộ vụ việc, tòa án địa phương đã ra phán quyết sơ thẩm, yêu cầu công ty bồi thường cho nam nhân viên này số tiền 50.000 NDT (khoảng 180 triệu đồng). Tòa án cũng bác bỏ mọi yêu cầu từ phía công ty.
Thẩm phán nhận định rằng việc ông Du nhắm mắt nghỉ ngơi sau 13 giờ làm việc liên tục là phản ứng sinh lý bình thường, đặc biệt khi công ty không bố trí nhân viên hỗ trợ.
Video dài 2 giây do công ty cung cấp, chỉ cho thấy ông Du dựa vào bàn và nhắm mắt. Nội dung này không đủ để chứng minh ông ngủ trong thời gian dài hay gây thiệt hại cho hoạt động kinh doanh.
Về việc đóng cửa hàng, tòa án chấp nhận lời giải thích của nguyên đơn cho rằng chỉ tạm rời quầy để đi ăn trưa.
Tòa án kết luận hành vi của ông Du không vi phạm nghiêm trọng nội quy của công ty. Đồng thời, các bằng chứng do công ty cung cấp cũng không chứng minh được “tổn thất nghiêm trọng” do nam nhân viên này gây ra. Do đó, việc chấm dứt hợp đồng lao động là thiếu căn cứ pháp lý, cấu thành hành vi bất hợp pháp.
Thẩm phán nhấn mạnh quyền nghỉ ngơi là quyền cơ bản của người lao động. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm bảo vệ quyền này để hỗ trợ người lao động phát triển sự nghiệp bền vững.
(Theo Sohu)
Hoặc