Theo Zhihu, anh Hách, một doanh nhân ở Bayan Nur, Nội Mông, Trung Quốc, trong một lần giao dịch tại ngân hàng trên địa bàn đã quen nhân viên họ Cổ. Không lâu sau đó, người này chủ động liên hệ và giới thiệu với anh Hách về một gói tiền gửi tiết kiệm với lãi suất cao tại ngân hàng. Đúng thời điểm anh Hách đang có sẵn lượng tiền mặt lớn nhưng chưa biết đầu tư vào đâu, đề nghị của nhân viên họ Cổ đã trở thành gợi ý hấp dẫn.
Sau khi xác nhận thông tin, anh Hách đã gửi tiết kiệm tổng cộng 5,4 triệu NDT (hơn 19,4 tỷ đồng) và được cấp một sổ tiết kiệm có đóng dấu đỏ của ngân hàng. Tuy nhiên 1 năm sau, khi muốn rút tiền, người đàn ông này bất ngờ nhận được thông báo: khoản tiền của anh không tồn tại trong hệ thống. Cụ thể, sau khi kiểm tra dữ liệu, phía ngân hàng cho biết anh Hách không thực hiện thủ tục gửi tiền theo quy định và số tiền đã được nhân viên họ Cổ chuyển đến tài khoản khác.
Không những vậy, phía ngân hàng còn cho rằng anh Hách không hề thiết lập mối quan hệ hợp pháp với ngân hàng, và hành vi giao tiền cho nhân viên họ Cổ của anh là biểu hiện của việc tham gia vào hoạt động gây quỹ bất hợp pháp. Vì những lý do đó, họ khẳng định sẽ không chịu trách nhiệm trong trường hợp anh Hách muốn lấy lại tiền.
Quá bức xúc với những lý lẽ vô lý từ phía ngân hàng, anh Hách đã kiện đơn vị này ra toà. Trước tòa, phía ngân hàng đưa ra 3 lý do phủ nhận mối quan hệ hợp đồng tiết kiệm với người đàn ông này:
Thứ nhất, tòa án địa phương đã xác định nhân viên họ Cổ lợi dụng chức vụ để lừa đảo và dụ dỗ anh Hách gửi tiền tiết kiệm với lãi suất cao – vốn là hình thức gây quỹ trái phép. Thứ hai, khi gửi tiền, anh Hách không điền “Phiếu đăng ký mở tài khoản” hay ký “Thỏa thuận quản lý tài khoản thanh toán cá nhân” – các bước bắt buộc trong quy trình mở tài khoản và gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Thứ ba, khoản tiền 5,4 triệu NDT của người đàn ông này cũng không được chuyển vào tài khoản chính thức của ngân hàng mà được chuyển vào tài khoản do nhân viên họ Cố chỉ định. Điều này cho thấy tiền không thực sự thuộc hệ thống ngân hàng.

Ảnh minh họa: Internet
Dựa trên các lập luận này, tòa án địa phương đã bác bỏ đơn kiện của anh Hách vì cho rằng giữa anh và ngân hàng không có hợp đồng gửi tiền hợp lệ, và ngân hàng cũng không phải hoàn trả khoản tiền trên. Anh Hách không chấp nhận phán quyết này và kháng cáo lên tòa án cấp cao vì sổ tiết kiệm mà anh đang sở hữu có dấu đỏ chính thức của ngân hàng.
Tại phiên phúc thẩm, tòa án cấp cao đã có cái nhìn khác về vụ việc. Dựa trên lời khai của nạn nhân và các tài liệu điều tra, tòa cho rằng anh Hách đã thực hiện giao dịch gửi tiền tại quầy giao dịch của ngân hàng, sổ tiết kiệm của anh là hợp pháp và bản thân anh Hách cũng không biết về hành vi gian lận của nhân viên họ Cổ. Việc sổ tiết kiệm mang dấu ngân hàng – dù sau đó bị xác định là có can thiệp – vẫn phản ánh người đàn ông này đã hành động đúng trách nhiệm của một người gửi tiền thông thường.
Tòa án cấp cao cũng chỉ ra rằng trong vụ việc này, sai phạm thuộc về nhân viên họ Cổ và ngân hàng không thể tránh khỏi liên đới. Cuối cùng, tòa án ra phán quyết ngân hàng phải hoàn trả lại cho ông Hách 5,4 triệu NDT cùng tiền lãi trong vòng 10 ngày kể từ khi bản án có hiệu lực. Vụ việc kết thúc tại đây.
(Theo Zhihu)
Hoặc