Tuổi thọ có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, chẳng hạn như di truyền, môi trường, lối sống và mắc một số bệnh lý mạn tính. Tuy nhiên, nhìn chung những người có sức khỏe kém, tuổi thọ ngắn thường có 2 đặc điểm bất thường ở vùng bụng.
Người "đoản thọ" thường có 2 đặc điểm ở bụng
1. Kích cỡ vòng bụng lớn
Kích thước vòng bụng to là dấu hiệu cảnh báo lượng mỡ nội tạng đang tích tụ nhiều ở vùng bụng. Mỡ nội tạng (mỡ bụng) là chất béo nằm bên trong khoang bụng và bao quanh các cơ quan khác, lớp mỡ nội tạng cũng khó giảm hơn mỡ dưới da.
Lượng mỡ nội tạng nhiều có liên quan mật thiết đến một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như bệnh tim mạch. Ngoài ra, lượng mỡ nội tạng nhiều còn gây khó khăn cho cơ thể trong quá trình sử dụng insulin, loại hormone giúp kiểm soát lượng đường huyết.
Tổ chức Tim mạch Anh cho biết nam giới có số đo vùng bụng trên 94cm sẽ dễ gặp các vấn đề sức khỏe như thừa cân, béo phì, từ đó làm tăng nguy cơ mắc huyết áp cao, xơ vữa động mạch, đột quỵ, tiểu đường, gan nhiễm mỡ,...
Ngoài ra, kích thước vòng bụng tăng một cách bất thường có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng cổ trướng (chất lỏng tích tụ trong khoang bụng) do sỏi mật, viêm tụy, xơ gan, suy thận,....
2. Bị đau bụng trong thời gian dài
Đau bụng thường cảnh báo các vấn đề đường tiêu hóa như táo bón, đầy hơi, tiêu chảy... Tuy nhiên, đau bụng kéo dài trong nhiều tuần, nhiều tháng có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng bao gồm cả một số bệnh ung thư. Cụ thể:
- Ung thư gan có thể gây ra tình trạng đau bụng âm ỉ ở vùng bụng trong thời gian dài. Người mắc ung thư gan có thể bị đau bụng khi vận động hoặc sau khi ăn no. Trong một số trường hợp, cơn đau có thể lan từ bụng ra sau lưng và lên vai phải.
- Ung thư dạ dày có thể gây ra cơn đau bụng ở vùng thượng vị (trên rốn).
- Ung thư tuyến tụy có thể gây ra tình trạng đau bụng thoáng qua ở vùng thượng vị, cơn đau có thể lan sang 2 bên hoặc lan ra sau lưng, mức độ đau có thể tăng dần, đặc biệt là sau khi ăn. Tình trạng đau bụng có thể kéo dài trong nhiều tháng.
- Ung thư đại trực tràng có thể gây ra tình trạng đau bụng kéo dài, không thuyên giảm. Người mắc ung thư đại trực tràng có thể xuất hiện các cơn đau quặn bụng, lúc bị đau dữ dội, lúc lại đau âm ỉ.
Nếu không được điều trị kịp thời, các bệnh lý tim mạch, tiểu đường, xơ gan, suy thận, ung thư có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe và tuổi thọ của con người. Do đó, việc chủ động phòng ngừa các bệnh lý kể trên là vô cùng quan trọng. Để phòng ngừa bệnh tật và kéo dài tuổi thọ, các chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người nên thực hiện các thói quen lành mạnh từ sớm.
Thói quen giúp tăng cường sức khỏe, kéo dài tuổi thọ
1. Chế độ ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn uống lành mạnh là yếu tố quan trọng giúp cơ thể phòng ngừa bệnh tật và kéo dài tuổi thọ. Các chuyên gia đều chỉ ra rằng việc tăng cường ăn các thực phẩm giàu dinh dưỡng tốt cho sức khỏe chẳng hạn như các loại hạt, rau, củ, quả và hạn chế ăn các thực phẩm giàu chất béo, thịt đỏ có thể đem lại lợi ích cho sức khỏe.
Nhiều nghiên cứu cũng đã liên kết chế độ ăn đa dạng thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật với khả năng giảm nguy cơ tử vong sớm, giảm nguy cơ mắc ung thư, hội chứng chuyển hóa, bệnh tim, trầm cảm và suy giảm chức năng não bộ.
2. Thái độ sống tích cực
Thái độ tích cực và lạc quan cũng có thể tác động mạnh mẽ đến tuổi thọ. Một cuộc khảo sát cho biết lối sống tích cực là một trong những ‘chìa khoá’ để kéo dài tuổi thọ.
Một nghiên cứu do Đại học Yale, Mỹ thực hiện đã phát hiện ra rằng những người cao tuổi có thái độ tích cực giảm được 40% nguy cơ mắc bệnh so với những người hay có suy nghĩ tiêu cực. Đặc biệt, nghiên cứu chỉ ra rằng những người lớn tuổi có suy nghĩ tích cực về lão hóa và tuổi thọ có thể sống lâu hơn 7,5 năm so với những người có suy nghĩ tiêu cực về lão hóa.
3. Tập thể dục điều độ
Một nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Ung thư Quốc gia, Mỹ và được công bố trên tạp chí JAMA Network Open chỉ ra rằng tập thể dục thể thao thường xuyên có thể giúp kéo dài tuổi thọ.
Nghiên cứu chỉ ra rằng việc tham gia các hoạt động thể chất trong thời gian khuyến nghị 2,5 - 5 tiếng tập thể dục cường độ vừa phải hoặc 1,25 đến 2,5 tiếng tập thể dục cường độ mạnh mỗi tuần có thể giúp giảm 13% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân.
4. Duy trì thói quen sinh hoạt đều đặn
Thói quen sinh hoạt đều đặn chẳng hạn như làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi đúng giờ, ngủ đủ giấc cũng đóng vai trò quan trọng với sức khỏe. Điều này giúp chúng ta tránh được tình trạng làm việc quá sức, giảm căng thẳng, từ đó góp phần duy trì sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần ở trạng thái tốt nhất.
Hoặc