Người Moldova nói “không” trong cuộc bỏ phiếu về việc gia nhập EU

21/10/2024 12:16

Có đến 55% phiếu “không” trong cuộc trưng cầu dân ý về việc liệu Moldova có nên thêm kế hoạch gia nhập EU vào hiến pháp hay không, kết quả sơ bộ cho thấy.

Người dân Moldova dường như đã bác bỏ kế hoạch của nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này nhằm đưa mục tiêu gia nhập Liên minh châu Âu (EU) vào hiến pháp, theo kết quả từ 70% số phiếu được kiểm trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra hôm 20/10.

Ủy ban bầu cử Moldova cho biết, 55% cử tri trong cuộc kiểm phiếu một phần đã nói "không" với đề xuất này, trong khi gần 45% đã nói "có" với kế hoạch gia nhập EU vào năm 2030 do Tổng thống "thân phương Tây" của nước này đề xuất.

Người Moldova nói “không” trong cuộc bỏ phiếu về việc gia nhập EU- Ảnh 1.

Bà Sandu họp báo sau các cuộc bỏ phiếu bầu Tổng thống Moldova và trưng cầu dân ý về việc gia nhập EU, ngày 20/10/2024. Ảnh: RFE/RL

Là một quốc gia chủ yếu là nông nghiệp với khoảng 2,5 triệu người, Moldova đã tìm cách cắt đứt quan hệ với Nga và tiến gần hơn đến EU kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng Ukraine hồi tháng 2/2022.

Moldova, một quốc gia Đông Âu nhỏ bé nằm giữa Ukraine và Romania, đã bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập EU vào tháng 6. Trước cuộc trưng cầu dân ý, các cuộc khảo sát cho thấy khoảng 55% người dân Moldova sẽ ủng hộ động thái này, trong khi 34% phản đối.

Hơn 1,56 triệu người, hay 51,64% cử tri, đã bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc – cao hơn nhiều so với mức 33% cần thiết để kết quả có giá trị. Cuộc trưng cầu dân ý có thể định hình tương lai địa chính trị của Moldova trong nhiều năm tới.

Người Moldova nói “không” trong cuộc bỏ phiếu về việc gia nhập EU- Ảnh 2.

Cử tri bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống Moldova và cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập EU tại một điểm bỏ phiếu ở Chisinau, ngày 20/10/2024. Ảnh: CGTN

Phát biểu tại một cuộc họp báo khẩn sau khi khoảng 90% số phiếu được kiểm, Tổng thống Maia Sandu cáo buộc "các nhóm tội phạm" nhúng tay vào hành các vi gian lận trong quá trình bỏ phiếu, nhằm mục đích khiến Moldova "mắc kẹt trong sự bất ổn và bất định".

Cuộc bỏ phiếu quyết định đường hướng tương lai của quốc gia nghèo nhất châu ÂuĐỌC NGAY

"Moldova đã phải đối mặt với một cuộc tấn công chưa từng có vào quyền tự do và dân chủ của đất nước chúng ta, cả ngày hôm nay và trong những tháng gần đây", bà Sandu nói với những người ủng hộ tại thủ đô Chisinau.

Đương kim Tổng thống Moldova – người cũng đang chạy đua giành nhiệm kỳ thứ 2 trong cuộc bỏ phiếu diễn ra cùng ngày 20/10 với cuộc trưng cầu dân ý – tuyên bố rằng "các nhóm tội phạm" được các thế lực nước ngoài hậu thuẫn đã cố gắng "phá hoại tiến trình dân chủ" bằng cách cố gắng mua tới 300.000 phiếu bầu.

"Chúng ta đang chờ kết quả cuối cùng, và chúng tôi sẽ phản ứng bằng những quyết định chắc chắn", bà Sandu cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản riêng.

Khi việc kiểm phiếu gần hoàn tất, những người trong cuộc đã cảnh báo rằng những cử tri di cư sống ở nước ngoài tại EU vẫn chưa được đưa vào danh sách. Tuy nhiên, 2 viên chức hiểu biết về quá trình này đã nói về mối lo ngại ngày càng tăng rằng, chiến dịch ủng hộ EU đã thất bại.

Trong khi đó, trong cuộc bầu cử Tổng thống Moldova diễn ra đồng thời với cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý, nữ chính trị gia "thân phương Tây" đã cạnh tranh với 10 ứng cử viên khác, bao gồm một số người ủng hộ mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga.

Bà Sandu đã dẫn đầu trong vòng bỏ phiếu hôm 20/10. Nhưng với hơn 90% số phiếu được kiểm, đương kim Tổng thống chỉ giành được khoảng 39% số phiếu, tức là không đạt được đa số tuyệt đối (trên 50%).

Nếu kết quả trên được xác nhận, cuộc bầu cử Tổng thống Moldova sẽ tiến tới vòng 2 sau 2 tuần nữa, tức là vào ngày 3/11, trong đó bà Sandu sẽ cạnh tranh trực tiếp với đối thủ lớn nhất của mình là chính trị gia "thân Nga" của Đảng Xã hội Moldova Alexandr Stoianoglo, người đứng thứ hai sau khi nhận được 28% số phiếu hôm 20/10.

Tỉ lệ cử tri Moldova đi bỏ phiếu cho cuộc bầu cử Tổng thống là hơn 51%.

Tham khảo thêm
“Khoác áo mới” cho hệ thống phòng không tự hành ZSU-23-4 Shilka“Khoác áo mới” cho hệ thống phòng không tự hành ZSU-23-4 Shilka
Tham khảo thêm
UAV Nhóm 3 – Mối đe dọa khó chịu nhất trên chiến trườngUAV Nhóm 3 – Mối đe dọa khó chịu nhất trên chiến trường

Minh Đức (Theo DW, Politico EU)