Người phụ nữ chuyển khoản nhầm 247 triệu đồng, người nhận không trả lại mà còn tuyên bố: "Tôi mới là người phải đòi lại tiền"

Admin

07/10/2024 16:30

Kiện đối phương ra tòa vì nhận được tiền chuyển khoản nhầm mà không trả, người phụ nữ Trung Quốc nhận cái kết bẽ bàng.

Theo Sohu, vào ngày 13/6 và ngày 3/7/2014, bà Du ở quận Hoa Đô, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, đã đến cây ATM gần nhà và chuyển tiền cho một người bạn họ Trương. Theo đó, số tiền được bà Du chuyển đi lần lượt là 20.000 NDT và 50.000 NDT. Tuy nhiên, trong lúc chuyển tiền, người phụ nữ này đã ấn nhầm số tài khoản, kết quả là tiền được gửi đi đều chảy vào tài khoản của bà Vương - một người quen.

Bà Du cho biết sau khi phát hiện ra sai sót của mình, bà liền liên lạc ngay với bà Vương và xin được lấy lại số tiền đã chuyển nhầm. Tuy nhiên, đối phương lại nhất quyết không chịu trả lại. Không biết làm sao để lấy lại số tiền đã mất, bà Du chỉ còn cách khởi kiện bà Vương ra tòa án quận Hoa Đô.

Tại tòa, bà Du cho biết ban đầu, bà muốn chuyển số tiền 70.000 NDT (hơn 247 triệu đồng) kia cho người bạn họ Trương. Tuy nhiên sau đó, người bạn này nói rằng họ vẫn chưa nhận được tiền. Bà Du kiểm tra lại giao dịch thì mới biết mình đã chuyển khoản nhầm. Trước tòa, người phụ nữ này đã yêu cầu bà Vương phải trả lại tiền cho mình.

Trong khi đó, bà Vương lại một mực phủ nhận những điều bà Du vừa nói. Không những thế, người phụ nữ này còn cho biết: "Chính tôi mới là người phải đòi lại tiền."

Người phụ nữ chuyển khoản nhầm 247 triệu đồng, người nhận không trả lại mà còn tuyên bố: "Tôi mới là người phải đòi lại tiền"- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Sohu

Theo lời bà Vương, 2 người vốn là bạn bè. Đầu tháng 6/2014, chồng bà Du đã vay bà Vương 70.000 NDT để giải quyết việc kinh doanh và đồng ý trả lại số tiền trên trong vòng 1 tháng. Trong 2 lần chuyển tiền vào ngày 13/6 và 3/7/2014, chồng bà Du đã dùng thẻ ngân hàng của vợ để trả lại số tiền này cho bà Vương. Do đó, người phụ nữ này khẳng định rằng số tiền 70.000 NDT trên thuộc về mình và bà không cần phải trả lại cho bà Du.

Bà Vương cũng cho rằng khi chuyển tiền, máy ATM sẽ yêu cầu bà Du nhập số tài khoản của người nhận. Số tài khoản của người bạn họ Trương mà bà Du nhắc đến rất khác số tài khoản của bà Vương. Do đó, khả năng chuyển nhầm số tài khoản là khá thấp.

Hơn nữa, 2 lần chuyển tiền mà bà Du đề cập đến cách nhau 20 ngày sau. Bà Du có thể nhập sai lần đầu, tuy nhiên đến lần chuyển tiền thứ 2, bà Du vẫn không biết mình nhập sai số tài khoản là vô lý. Những lời này của bà Vương đã gián tiếp tố cáo bà Du không những bịa chuyện mà còn vu khống mình "chiếm đoạt tài sản".

Sau khi xem xét kỹ vụ việc, tòa án quận Hoa Đô đồng tình với lập luận của bà Vương và bác bỏ yêu cầu của bà Du. Bà Du không đồng tình với phán quyết của tòa án sơ cấp nên đã kháng cáo lên tòa án trung cấp. Tuy nhiên, tòa án thành phố Quảng Châu sau khi xem xét vụ án đã giữ nguyên phán quyết ban đầu. Bà Du chính thức thua kiện.

Hiện nay, giao dịch chuyển tiền online qua ứng dụng ngân hàng đã trở nên rất phổ biến với người dùng. Dù những giao dịch trực tuyến rất tiện lợi và nhanh chóng, thế nhưng vẫn có một số trường hợp chuyển khoản nhầm vì không kiểm tra thông tin cẩn thận trước khi gửi. Để hạn chế tình trạng này, khách hàng cần lưu ý nhập đúng thông tin số tài khoản, kiểm tra kỹ lại thông tin trước khi chuyển khoản hoặc quét mã QR để giảm thiểu rủi ro.

Trong trường hợp là người nhận được tiền chuyển khoản nhầm, mọi người cần lưu ý không sử dụng số tiền nhận được vào việc chi tiêu cá nhân và chỉ làm việc với ngân hàng để trả lại tiền cho người chuyển nhầm. Đặc biệt, không chuyển lại tiền cho người lạ khi không xác minh được và không có bên thứ 3 làm chứng để tránh gặp phiền phức hay vướng vào những rắc rối không đáng có.

(Theo Sohu)