Người phụ nữ mang 2 tỷ đồng gửi tiết kiệm, 3 tháng sau mới biết sổ tiết kiệm là giả bèn khởi kiện, ngân hàng: "Từ chối chịu trách nhiệm"

Admin

16/07/2025 20:02

Vị khách gửi tiền tại ngân hàng Trung Quốc này hiện vẫn chưa lấy lại được số tiền đã mất, trong khi ngân hàng tuyên bố không chịu trách nhiệm

Cú sốc "Sổ tiết kiệm của chị là giả"

Theo Hồng Tinh News, một khách hàng đã khởi kiện ngân hàng tại Nam Ninh, Trung Quốc, tại Tòa án Nhân dân quận Thanh Tú. Sáng ngày 15/7, tòa mở phiên xét xử vụ án tranh chấp hợp đồng gửi tiền.

Khách hàng này trình bày rằng vào 11h15 ngày 22/2/2019, đã gửi tiết kiệm cá nhân trị giá 540.000 NDT (tương đương gần 2 tỷ VNĐ) tại chi nhánh Nam Ninh của ngân hàng này, kỳ hạn 3 tháng, được nhân viên ngân hàng cấp sổ tiết kiệm ngay tại chỗ và niêm phong giao cho khách hàng.

Đến kỳ hạn, qua điều tra của cơ quan công an địa phương, khách hàng mới phát hiện sổ tiết kiệm này do chi nhánh này cấp là giả. Toàn bộ số tiền của vị khách này đã bị Lương Kiến Hồng, lúc đó là trưởng phòng kinh doanh của chi nhánh ngân hàng này, chuyển đi hết vào 12h trưa cùng ngày.

Suốt quá trình này, khách hàng không hề hay biết, gây thiệt hại kinh tế lớn.

Theo điều tra, hóa ra, không chỉ riêng vị khách này, Lương Kiến Hồng còn liên quan tới vụ việc 2,5 tỷ NDT tiền gửi đã “bốc hơi” trong ngân hàng. Vào tháng 3/2022, cụm từ khóa “2,5 tỷ NDT tiền gửi không cánh mà bay” từng leo top tìm kiếm, kéo theo đó là sự chú ý của dư luận.

Đường dây phạm tội khiến 2,53 tỷ NDT “bốc hơi”

Tổng hợp từ Jimu News, Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc (CNR), vụ việc này là do Lương Kiến Hồng đứng sau. Lấy lý do “hỗ trợ doanh nghiệp góp vốn”, Lương Kiến Hồng đã thông qua ba người trung gian để tìm kiếm khách hàng đến gửi tiết kiệm số tiền lớn. Nhóm người này hứa hẹn ngoài mức lãi suất ngân hàng thông thường còn trả thêm khoảng 4,5% lợi nhuận mỗi tháng để thu hút các “nạn nhân”.

Sau đó, Lương Kiến Hồng còn chỉ đạo cấp dưới họ Thời làm giả sổ tiết kiệm và các giấy tờ ngân hàng, đánh tráo sổ tiết kiệm thật khi khách hàng không để ý. Sau khi vụ việc bị phát giác, các khách hàng mới biết sổ tiết kiệm mình cầm là giả.

photo-1752656560443

Theo thống kê, Lương Kiến Hồng đã chiếm đoạt tiền gửi của 28 khách hàng với tổng số tiền lên tới khoảng 2,53 tỷ NDT. Trừ khoản tiền đã trả lại trước khi vụ án bị phát hiện, vẫn còn khoảng 1,2 tỷ NDT chưa được hoàn trả sau khi vụ án bị phanh phui.

Trong quá trình phạm tội, các đối tượng đã làm giả số lượng lớn sổ tiết kiệm và các giấy tờ ngân hàng khác. Từ nửa cuối năm 2017, Lương chỉ đạo bị cáo khác họ Hoàng làm giả sổ tiết kiệm, sao kê số dư, sao kê giao dịch ngân hàng. Từ tháng 9/2018, bị cáo khác họ Thời cũng tham gia làm giả các giấy tờ này. Hai người này sử dụng phần mềm máy tính để chỉnh sửa, in ấn, giả mạo cả con dấu của các chi nhánh ngân hàng. Kết quả giám định cho thấy trong số 419 giấy tờ bị tịch thu, có tới 350 giấy tờ là giả.

Ngày 19/11/2021, Tòa án Trung cấp Nam Ninh tuyên án sơ thẩm: Lương Kiến Hồng phạm tội trộm cắp, bị kết án tù chung thân, tước quyền chính trị suốt đời, phạt tiền 2 triệu NDT; phạm tội lừa đảo, bị phạt 11 năm tù, phạt tiền 500.000 NDT; phạm tội làm giả giấy tờ tài chính, bị phạt 4 năm tù, phạt tiền 200.000 NDT; phạm tội lừa đảo huy động vốn, bị phạt tù chung thân, tước quyền chính trị suốt đời, phạt tiền 500.000 NDT; tổng hợp hình phạt, quyết định thi hành tù chung thân, tước quyền chính trị suốt đời, phạt tiền 3,2 triệu NDT.

Thời Bội bị phạt 15 năm tù, Lương Lệ Hồng bị phạt 9 năm 6 tháng tù, Hoàng Vũ Phượng bị phạt 7 năm tù. Tòa án cũng buộc các bị cáo bồi thường thiệt hại kinh tế cho các bị hại.

Trong bản án, tòa án Nam Ninh còn nêu rõ, việc ngân hàng mà Lương Kiến Hồng công tác có phải chịu trách nhiệm bồi thường hay không không thuộc phạm vi xét xử của vụ án này nên không đưa ra phán quyết.

Ngày 18/3/2022, ngân hàng này ra thông báo trên Weibo cho rằng, các khách hàng bị hại bị hấp dẫn bởi lãi suất cao bất hợp pháp nên mới mất tiền. Ngân hàng cũng khẳng định hành vi phạm tội là cá nhân Lương thực hiện, sẽ xử lý theo pháp luật Trung Quốc.

Đại diện chi nhánh Nam Ninh cho biết, theo kết luận tư pháp, đây là hành vi phạm tội cá nhân, không phải là “tham ô công quỹ”; các khách hàng vì bị dụ dỗ bằng lãi suất cao, thực hiện các giao dịch không đúng quy trình nên gây thiệt hại; ngân hàng sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng.

Đại diện khách hàng gửi tiền nhiều lần bày tỏ không đồng tình với kết luận rằng đây chỉ là “hành vi phạm tội cá nhân”.

Các khách hàng tiếp tục khởi kiện ngân hàng

Theo tin từ trang Jimu News, sáng ngày 15/7, Tòa án Nhân dân quận Thanh Tú, thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, đã mở phiên tòa xét xử vụ án “2,5 tỷ NDT tiền gửi bỗng dưng biến mất” với nguyên đơn là các khách hàng gửi tiết kiệm khởi kiện ba chi nhánh ngân hàng.

photo-1752656760899

Khách hàng cho rằng mình đã ký hợp đồng gửi tiền hợp pháp với chi nhánh ngân hàng. Sau đó, chi nhánh khác của ngân hàng này là nơi chuyển tiền sai trái. Các đơn vị trên đều không thực hiện nghĩa vụ đảm bảo an toàn, gây thiệt hại nặng nề nên phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ gốc và lãi.

Một khách hàng có mặt tham dự phiên tòa, ông Trương (tên đã được thay đổi), cho biết phiên tòa sáng ngày 15/7 chủ yếu tiến hành trao đổi chứng cứ, diễn ra từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 sáng.

Luật sư đại diện phía khách hàng gửi tiền, ông Chu Triệu Thành, cho biết: Do vụ án liên quan đến số lượng lớn khách hàng bị hại nên sau khi trao đổi với nguyên đơn, tòa án quyết định chọn trường hợp một khách hàng điển hình để xét xử trước. Phía nguyên đơn đã nộp 36 bộ chứng cứ, chủ yếu nhằm chứng minh ngân hàng có lỗi nghiêm trọng.

Theo Luật sư Chu, phiên tòa ngày 15/7 chủ yếu trao đổi chứng cứ, phía nguyên đơn nộp 36 bộ chứng cứ chứng minh có hợp đồng gửi tiết kiệm hợp pháp, ngân hàng vi phạm nghĩa vụ đảm bảo an toàn, có lỗ hổng quản lý và buông lỏng kiểm soát nhân viên dẫn đến trong vòng 45 phút tiền bị đánh cắp qua quy trình giả mạo, trong khi ngân hàng đã có cảnh báo nhưng không kịp thời ngăn chặn.

Ngược lại, phía luật sư ngân hàng nộp 9 bộ chứng cứ, cho rằng quy trình hợp lệ, mặt sau sổ tiết kiệm có cảnh báo rủi ro, tổn thất do hành vi phạm tội gây ra, không phải lỗi ngân hàng.

*Nguồn: News QQ / Ảnh minh họa: Internet