Năm 2016, một sự việc hy hữu vừa xảy ra tại khu dân cư Thái Vinh Loan, thành phố Thẩm Dương, Trung Quốc, khi một chủ nhà phát hiện mình đã chi gần 300.000 NDT để trang trí… nhà của người khác. Sự nhầm lẫn này bắt nguồn từ việc thay đổi hệ thống đánh số căn hộ trong khu chung cư, khiến người này trở thành nạn nhân trong một sự cố quản lý bất động sản bất cẩn
Theo Sohu, vào tháng 4/2016, bà Dương ở Thẩm Dương quyết định mua một căn hộ tại tòa B21, khu Thái Vinh Loan. Căn hộ có diện tích 100m² này được bà Dương chọn sau 4 lần đi xem cùng nhân viên bán hàng của phía chủ đầu tư. Sau khi hoàn tất thủ tục mua bán với mức giá 830.000 NDT (hơn 2,9 tỷ đồng), bà Dương được nhận chìa khóa nhà từ phía chủ đầu tư và ban quản lý bất động sản. Tại thời điểm đó, số căn hộ được ghi là “1-3-1”, trùng khớp với giấy tờ và thông tin trên hợp đồng.
Sau khi nhận nhà, bà Dương đã chi gần 300.000 NDT (khoảng 1 tỷ đồng) để cải tạo và trang trí. Đến cuối tháng 5, khi quá trình thi công đã được một nửa, người phụ nữ này để ý thấy số căn hộ đã thay đổi từ “1-3-1” thành “1-4-1”. Vì lo lắng, bà Dương đã đến hỏi ban quản lý bất động sản và được giải thích rằng đây chỉ là sự thay đổi mang tính kỹ thuật liên quan đến việc tính thêm tầng gara phía dưới, không ảnh hưởng gì đến quyền sở hữu hay vị trí căn hộ.
Tin vào lời giải thích trên, bà Dương tiếp tục công việc cải tạo căn hộ của mình. Đến cuối tháng 7, khi mọi việc đã hoàn tất thì một người họ Từ tự xưng là chủ sở hữu hợp pháp của căn hộ số “1-4-1” mà bà Dương mới cải tạo xuất hiện và đòi lại nhà.

Ảnh: Sohu
Qua trao đổi, bà Dương phát hiện mình đã cải tạo nhầm nhà của ông Từ. Người phụ nữ này sau đó đã tìm cách liên hệ với bên sale BĐS là Trung tâm dịch vụ BĐS Tianyang Property nhưng đơn vị này cho biết toàn bộ nhân viên cũ – bao gồm cả giám đốc và nhân viên từng dẫn bà Dương đi xem nhà – đã bị thay thế cách đó một tháng. Vì vậy, mọi thông tin liên quan đến vụ việc không còn được lưu giữ hoặc không thể xác minh.
Theo ông Lưu – quản lý mới của Tianyang Property, sự nhầm lẫn bắt nguồn từ việc thay đổi quy chuẩn đánh số căn hộ vào cuối tháng 5. Trước đó, gara không được tính là một tầng trong hệ thống đánh số, tuy nhiên sau khi điều chỉnh, gara trở thành tầng một, khiến căn hộ 1-3-1 bị đổi thành 1-4-1. Ông Lưu xác nhận chìa khóa cũng như căn hộ mà bà Dương được nhân viên dẫn đi xem và tiến hành cải tạo, đều là một – nhưng theo hệ thống đánh số cũ.
“Trường hợp của bà Dương là trường hợp duy nhất bị ảnh hưởng, do những cư dân khác trong tòa nhà vẫn chưa đến nhận nhà,” người này cho biết.
Quản lý Lưu cũng khẳng định phía họ không phải là bên có lỗi vì đến ngày 1/8, đơn vị này mới chính thức tiếp quản khu vực tòa nơi xảy ra vụ việc. Việc phân phối chìa khóa và thông tin ban đầu là do chủ đầu tư thực hiện.
Hơn 1 tháng sau đó các bên liên quan vẫn im lặng khiến bà Dương vô cùng bức xúc. Người phụ nữ này chia sẻ với truyền thông: “Hơn một tháng trôi qua kể từ khi phát hiện sự cố, nhưng chủ đầu tư và công ty quản lý bất động sản vẫn đùn đẩy trách nhiệm. Nếu họ tiếp tục im lặng, tôi sẽ cân nhắc khởi kiện.”
Vụ việc của bà Dương sau khi được truyền thông chia sẻ đã thu hút sự quan tâm của dư luận Trung Quốc. Dù kết quả của vụ việc không được công bố, song đây cũng là lời cảnh báo về những lỗ hổng trong quy trình giao nhận nhà giữa chủ đầu tư và công ty quản lý bất động sản. Sự thiếu liên kết và minh bạch thông tin không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của người mua nhà.
Theo Sohu
Hoặc