Ở tuổi thiếu niên, chúng ta thường mê “Tây Du Ký” vì những pha đánh yêu diệt quái, phép thuật thần thông và chuyến phiêu lưu đầy màu sắc. Nhưng đến tuổi trung niên, đã nếm trải nhiều thăng trầm của cuộc đời, nhiều người lại nhìn thấy chính mình trong chính những nhân vật năm xưa. Tề Thiên Đại Thánh từng đại náo thiên cung giờ hóa “người làm công ăn lương”; Trư Bát Giới bụng phệ hóa thân thành người đàn ông gồng gánh cơm áo gạo tiền; Sa Tăng trầm lặng như hình ảnh của những người thầm lặng nỗ lực làm việc; còn Đường Tăng lại mang hình bóng của những người không ngừng theo đuổi lý tưởng giữa hiện thực khắc nghiệt.
1. “Vòng kim cô” của Tôn Ngộ Không: Ẩn dụ cho áp lực nghề nghiệp
Từng đại náo thiên cung, Ngộ Không cuối cùng vẫn phải cúi đầu chịu sự quản lý của Đường Tăng. Đây là một hình ảnh quá quen thuộc với người trung niên nơi công sở. Nhiều người nắm trong tay “gậy như ý”, với nhiều tài năng và kinh nghiệm, nhưng vẫn phải đeo “vòng kim cô” là KPI, các cuộc họp triền miên và những lần sửa báo cáo đến nửa đêm nhưng vẫn không được duyệt. Một quản lý cấp trung từng thở dài: “Mỗi lần thấy Ngộ Không bị hiểu lầm, tôi lại nghĩ đến cảnh mình thức đêm làm dự án rồi bị bác bỏ không thương tiếc.”
Tuy nhiên, điểm đáng quý ở Ngộ Không là nhân vật này không để “vòng kim cô” đánh mất bản thân. Anh học cách biến ràng buộc thành giới hạn an toàn, biến sự phản kháng hay nổi loạn thành kiên nhẫn, và giữ vững nội tâm trên con đường đầy cam go. Giống như Ngộ Không giấu gậy như ý vào tai, Những người trung niên hiểu rằng chốn công sở không còn là cuộc chiến chứng minh bản thân, mà là quá trình dung hòa giữa cái tôi và lợi ích tập thể.

2. Bụng phệ của Trư Bát Giới: Hình ảnh của đời sống mưu sinh
Cái bụng to của Trư Bát Giới không chỉ vì mê ăn, mà còn vì “ôm đồm” nhiều điều. Hình ảnh này là hóa thân của những người đàn ông trung niên cõng trên vai tiền nhà, học phí, viện phí, áp lực vô hình từ gia đình. Một tài xế công nghệ từng nói: “Bát Giới cõng vợ, còn tôi cõng cả gia đình mà vẫn phải cười.”
Dẫu lười biếng, hay than thở và ham ăn, Bát Giới vẫn luôn có mặt khi cần. Anh ta vẫn bước tiếp dù miệng than “đường xa”. Cái bụng to của người trung niên không phải sự buông thả, mà là “bộ giáp” chống chọi với đời. Những thứ họ mang theo trong cái bụng nặng nề đó bằng chứng của tình yêu, trách nhiệm và nỗ lực sinh trong xã hội.
3. Đầu trọc của Sa Tăng: Phẩm chất của người lặng lẽ kiên trì
Sa Tăng từng là tướng quân thiên đình. Sau khi bị đày xuống sông Lưu Sa, Sa Tăng sống cô độc suốt ba thập kỷ, mái tóc ngày xưa đã rụng sạch, chỉ còn lại chiếc đầu trọc như dấu ấn của tháng năm. Người đồ đệ này không nói nhiều, chỉ lặng lẽ vác hành lý, bảo vệ sư phụ, bền bỉ đến cuối con đường.
Sa Tăng chính là hình ảnh thu nhỏ của biết bao người làm việc trong thầm lặng: công nhân kỹ thuật, nhân viên hậu cần, bảo vệ, lao công… Công việc của họ âm thầm nhưng không thể thiếu. “Mỗi lần thấy Sa Tăng vác hành lý, tôi nghĩ đến mình mỗi sáng mở cửa lớp, dọn vệ sinh, chuẩn bị từng món vật dụng cho học sinh.” - một người bảo vệ trường học chia sẻ.
Xung quanh chúng ta, luôn có những người âm thầm cống hiến, làm những việc gian khổ, nặng nề như Sa Tăng. Chiếc túi hành lý mà người đàn ông này vác trên vai chính là điều mà những con người tưởng như bình thường đã âm thầm gánh vác để xã hội được vận hành một cách tốt nhất.

4. Lời tụng kinh của Đường Tăng: Sự kiên trì của người theo đuổi lý tưởng
Nhiều người chê Đường Tăng “nói nhiều”, “cứng nhắc”, nhưng nếu đứng ở vị trí một người trung niên, đó là biểu hiện của niềm tin không lung lay giữa cuộc đời nhiều biến động. Dù đường đi hiểm nguy, dù đồng đội phàn nàn, ông vẫn kiên quyết niệm kinh, vẫn “một lòng hướng về Tây Thiên”.
Ông giống như những người vẫn theo đuổi ước mơ dù biết khả năng thành công rất nhỏ. Như chủ doanh nghiệp phá sản rồi gây dựng lại, như người từ bỏ công việc ổn định để theo đuổi ước mơ ngày bé, hay người cha mỗi tối kể cho con nghe những câu chuyện xưa... “Lý tưởng” của người trung niên không còn là cứu thế, mà là giữ cho tâm hồn mình không bị chai sạn giữa những khó khăn của cuộc đời.
5. Đường lấy kinh cũng là hành trình làm người
Có thể nói, những người bước vào độ tuổi trung niên “sợ” xem lại “Tây Du Ký”, vì họ dễ nhìn thấy chính mình trong đó. Một Tôn Ngộ Không bị hiện thực bào mòn, một Trư Bát Giới vừa đi vừa than thở, một Sa Tăng im lặng gánh vác, một Đường Tăng khăng khăng không đổi hướng. Nhưng chính họ, bằng những khiếm khuyết, sự mâu thuẫn và kiên trì đã hoàn thành được hành trình vĩ đại nhất.
Sức mạnh của “Tây Du Ký” không nằm ở phép thuật, mà ở việc chỉ cho chúng ta thấy rõ những điều mà có thể phải dùng cả đời mới đúc kết được. Trưởng thành không phải là gỡ bỏ vòng kim cô, xóa đi cái bụng to, mọc lại tóc hay thôi cằn nhằn; mà là dẫu biết cuộc sống không hoàn hảo, ta vẫn vác hành lý, vẫn niệm kinh, vẫn bước tiếp đến nơi mà mình mong muốn.
(Theo Baijiahao)
Hoặc