Nguy cơ bùng phát dịch sởi: Những điều cần nhớ để tránh nguy hiểm tính mạng

22/08/2024 12:30

Hiện nay, số ca mắc bệnh sởi đang tăng nhanh ở nước ta. Đối phó với căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây ra chúng ta cần trang bị những kiến thức y tế như thế nào?

Có hay không nguy cơ bùng phát dịch sởi?

Theo thông tin mới từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), năm 2024 bệnh sởi đang có nguy cơ bùng phát dịch. So với cùng kỳ này năm 2023, số mắc sởi tăng hơn 8 lần.

Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, đầu năm 2024, TP không ghi nhận ca sởi dương tính nào. Nhưng từ ngày 23-5 đến 11-8, tất cả các bệnh viện trên địa bàn TP ghi nhận 597 ca sốt phát ban nghi sởi. Đáng chú ý, từ năm 2021 đến 2023, toàn TP chỉ có 1 ca bệnh sởi.

Nguy cơ bùng phát dịch sởi: Những điều cần nhớ để tránh nguy hiểm tính mạng- Ảnh 1.

So với cùng kỳ này năm 2023, số mắc sởi tăng hơn 8 lần.

Kết quả khảo sát miễn dịch cộng đồng bệnh sởi do các đơn vị y tế trên địa bàn TP.HCM thực hiện cho thấy tỉ lệ có kháng thể phòng bệnh sởi ở trẻ từ 9 tháng tuổi đến dưới 5 tuổi chỉ đạt 86%. Trong khi để có thể bảo vệ cộng đồng trước bệnh sởi thì tỉ lệ phải trên 95%.

Tại Việt Nam, sởi lưu hành quanh năm, mạnh nhất vào các thời điểm giao mùa, đặc biệt là giao mùa đông- xuân. Sởi tại Việt Nam được ghi nhận có chu kỳ gây dịch khoảng 4 đến 5 năm/lần. Năm 2024 đang đúng vào chu kỳ.

Tiêm vắc xin sởi là biện pháp tốt nhất chủ động phòng bệnh sởi.

Sởi có phải chỉ là căn bệnh của trẻ em hay không?

Vẫn tồn tại quan niệm rằng, sởi là căn bệnh của trẻ em. Nhưng theo các chuyên gia y tế, bất kỳ người nào chưa từng bệnh, chưa tiêm phòng vắc xin sởi đầy đủ đều có nguy cơ mắc sởi khi tiếp xúc với virus.

Nguy cơ bùng phát dịch sởi: Những điều cần nhớ để tránh nguy hiểm tính mạng- Ảnh 2.

Bệnh sởi cũng có thể tấn công cả người trưởng thành khỏe mạnh.

Bác sĩ Phạm Thái Anh (bệnh viện Bắc Thăng Long) cho biết, trẻ em khi mắc sởi sẽ xuất hiện các dấu hiệu đặc trưng như phát ban, sốt cao đến 39 độ C, ho, chảy nước mũi… Còn ở người lớn, triệu chứng sởi thường mờ nhạt. Đa số không sốt cao, chỉ ho húng hắng, chảy nước mũi, viêm kết mạc… Chính vì thế, bệnh sởi ở người lớn có các triệu chứng ban đầu dễ bị nhận nhầm với bệnh nhiễm trùng đường hô hấp thông thường. Thời gian ủ bệnh sởi ở người lớn cũng có xu hướng kéo dài hơn so với trẻ em, thường chỉ khi cơ thể phát ban người bệnh mới biết bản thân đã mắc sởi. Nghĩa là bệnh đã vượt qua giai đoạn ủ bệnh, giai đoạn khởi phát và đã tới giai đoạn toàn phát. Hậu quả đối mặt lúc này là sởi có khả năng xóa trí nhớ miễn dịch, tạo điều kiện cho các bệnh nhiễm trùng khác tấn công, bội nhiễm.

Tình trạng đáng sợ nhất của bệnh sởi chính là sởi biến chứng

Bệnh sởi nếu phát hiện muộn và không được điều trị kịp thời, có thể gây ra những biến chứng như: mù lòa, viêm não, tiêu chảy nặng và mất nước liên quan, nhiễm trùng tai và các vấn đề về hô hấp nghiêm trọng như là viêm phổi… Phụ nữ có thai mắc sởi có thể gây sảy thai, sinh non, thai chết lưu.

Nguy cơ bùng phát dịch sởi: Những điều cần nhớ để tránh nguy hiểm tính mạng- Ảnh 3.

Phụ nữ có thai mắc sởi có thể gây sảy thai, sinh non, thai chết lưu.

Ở trẻ em, virus sởi có thể gây nhiễm trùng xâm lấn đa cơ quan và gây ra các biến chứng cực kỳ nghiêm trọng ở đường hô hấp, thần kinh, tiêu hóa, tai mũi họng. Viêm phổi, viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm não tủy, cam tẩu mã (nhiễm trùng hoại tử gây loét mũi mặt), tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng, loét giác mạc do thiếu vitamin A… là những biến chứng nặng nề của sởi. Trong đó, viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất của sởi, với tỉ lệ khoảng 1/20 trẻ nhiễm bệnh. Biến chứng thần kinh có tỉ lệ thấp song xuất hiện nhiều ở nhóm tuổi học đường, ví dụ viêm màng não, viêm não… Sau khi bệnh đã lui thì nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm khác vẫn đe dọa trẻ trong thời gian dài.

Sởi quan trọng nhất là phát hiện và điều trị kịp thời

Nếu được phát hiện sớm từ trước giai đoạn khởi phát, tương đương hiện tượng trẻ bắt đầu bị sốt nhẹ, viêm kết mạc và đỏ mắt, chảy nước mắt và nước mũi nhiều, ho, hạch ngoại biên sưng, tiêu lỏng và biếng ăn… thì hiệu quả điều trị cao hơn. Đơn giản nhất là xét nghiệm máu để khẳng định xem trẻ có bị virus sởi tấn công hay không. Điều này cũng giúp người nhà bệnh nhân bình tĩnh đón nhận giai đoạn tiếp theo của căn bệnh là giai đoạn phát ban, mặc dù xuất hiện các triệu chứng khá mãnh liệt trong khoảng 1 tuần. Đó là các vết ban đỏ lan rộng ra khắp cơ thể, nhìn khá “sốt ruột”. Tuy nhiên, khi phát ban toàn thân, thân nhiệt của trẻ dần giảm và nếu được điều trị đúng cách thì sẽ đến giai đoạn khỏi bệnh.

Hiện nay, bệnh sởi vẫn chưa có thuốc đặc trị. Người bệnh chủ yếu được điều trị triệu chứng và quan trọng là hạn chế tối đa biến chứng nguy hiểm như đã phân tích ở trên.

Chăm sóc người bệnh sởi nói chung và bệnh nhi sởi nói riêng cần chú trọng nhất tới chế độ dinh dưỡng và vệ sinh cá nhân. Bữa ăn đảm bảo đủ chất bằng cách chia nhỏ hơn thông thường với những thực phẩm dễ tiêu, được nấu chín. Bổ sung các loại vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin A là một lưu ý của bác sĩ. Điều này có thể giảm nguy cơ xuất hiện các biến chứng ảnh hưởng đến mắt như loét giác mạc và mù mắt cũng như giảm tỷ lệ tử vong. Hạ sốt cần tham khảo ý kiến bác sĩ và tuân thủ đúng chỉ định. Nhỏ mắt bằng nước muối loãng 0,9% ngày 3 lần.

Nguy cơ bùng phát dịch sởi: Những điều cần nhớ để tránh nguy hiểm tính mạng- Ảnh 4.

Bữa ăn cho bệnh nhân sởi cần đủ dinh dưỡng và bổ sung các loại vitamin, đặc biệt là vitamin A.

Các bác sĩ cũng đặc biệt lưu ý, quan niệm bị mắc sởi phải kiêng nước kiêng gió là không có cơ sở khoa học, thậm chí còn có thể khiến bệnh nặng lên do không đảm bảo vệ sinh.