Thoạt nhìn vào mặt nước xanh biếc của sông Drina, người ta có thể nghĩ rằng việc vượt qua khúc sông này "dễ như ăn kẹo". Tuy nhiên, đừng để vẻ bề ngoài đánh lừa.
Trên dòng sông là ranh giới tự nhiên giữa Serbia và Bosnia-Herzegovina vào đêm 21-22/8, 11 được cho là đã thiệt mạng khi một chiếc thuyền chở người di cư bị lật.
Trong số các nạn nhân có một em bé 9 tháng tuổi. Được biết, 16 người trong số họ là người Syria, trong khi 2 người còn lại đến từ Ai Cập. Họ chết đuối sau khi chiếc thuyền chở khoảng 30 người di cư bất hợp pháp gặp sự cố trong đêm khi đang cố gắng vượt biên từ Serbia vào Bosnia-Herzegovina.
Các đội cứu hộ phòng vệ dân sự, lực lượng cảnh sát và biên phòng cũng như thợ lặn của hai nước đã được triển khai dọc theo bờ sông Drina để tìm kiếm những người sống sót.
Bộ trưởng Nội vụ Serbia Ivica Dacic hôm 22/8 thông báo rằng lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 18 người còn sống, bao gồm 3 trẻ em, những người đã đến được bờ ở phía Bosnia-Herzegovina. Thảm kịch xảy ra ở khúc sông gần làng Tegara, miền Đông Bosnia.
Hàng năm, hàng nghìn người di cư sử dụng tuyến đường bộ Balkan để vào biên giới Liên minh châu Âu (EU). Họ đến Serbia từ Bulgaria hoặc Bắc Macedonia trước khi di chuyển đến Hungary, Croatia hoặc Bosnia.
Để đến được "đồng cỏ xanh hơn" ở các nước châu Âu giàu có, những người di cư chạy trốn xung đột và đói nghèo thường bất chấp nguy hiểm tính mạng lựa chọn những tuyến đường nhiều rủi ro như vậy.
Ngoài 11 người bị đuối nước trong vụ việc mới nhất, nhiều người khác cũng chịu chung số phận. Khoảng 60 người di cư, nhiều người trong số họ vẫn chưa rõ tên, quốc tịch và tôn giáo, đã được chôn cất tại các nghĩa trang ở bên kia bờ sông Drina thuộc phía Bosnia.
Có khả năng vùng nước nguy hiểm này đã cướp đi sinh mạng của nhiều người hơn cả số liệu được báo cáo.
Tuyến đường Balkan
Theo dữ liệu chính thức từ Tổ chức Di cư Quốc tế (IMO) của Liên Hợp Quốc, vào năm 2023, 45 người – thường là những người chạy trốn khỏi đói nghèo và chiến tranh – đã tử vong trên hành trình dài và gian khổ từ châu Phi và châu Á qua Balkan đến Tây Âu.
Tuyến đường Balkan đã trở nên nổi tiếng vào năm 2015, khi hơn 760.000 người di cư và người tị nạn đi qua Tây Balkan trên đường đến EU. Hầu hết trong số họ đến từ Syria đang bị chiến tranh tàn phá, theo dữ liệu chính thức từ cơ quan biên giới và bảo vệ bờ biển châu Âu, Frontex.
Thông thường, những người di cư tuyệt vọng di chuyển bằng đường biển hoặc đường bộ từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp, sau đó đi qua Bắc Macedonia và Serbia, trước khi cố gắng vào EU qua Hungary, Croatia hoặc Slovenia. Những người khác đi qua Bulgaria thay vì Hy Lạp.
Một quan chức của Bộ An ninh Bosnia, cơ quan thực thi chính sách nhập cư và tị nạn của đất nước, đã nói với chi nhánh Balkan của RFE/RL rằng những người di cư đi dọc theo tuyến đường Balkan có 2 lựa chọn chính.
Theo vị quan chức này, một lựa chọn là trả cho những kẻ buôn người ở Thổ Nhĩ Kỳ 100-400 Euro (112-448 USD) để nhận tọa độ GPS cụ thể cho các tuyến đường đến Bulgaria.
Sau đó họ trả một số tiền tương tự ở Bulgaria để có tọa độ dẫn đến Serbia, và sau đó lại trả một lần nữa ở Serbia để được mở đường dẫn đến Bosnia. Họ cứ tiếp tục phải chi tiền như vậy cho đến khi đến được Croatia, một quốc gia thành viên EU.
Lựa chọn thứ hai, theo vị quan chức Bosnia, là người di cư phải trả khoảng 10.000 Euro (11.195 USD) cho dịch vụ "trọn gói" hơn.
Dịch vụ này bao gồm một người hộ tống do những kẻ buôn người cung cấp, đưa họ đến từng biên giới trước khi giao họ cho một hướng dẫn viên mới ở phía bên kia. Tài xế địa phương thường chở họ trên những con đường nông thôn nhỏ.
Đối với những kẻ buôn người, Bosnia là tuyến đường được ưa chuộng do biên giới tương đối dễ đi qua và lực lượng biên phòng mỏng.
Năm 2023, 162 người đã bị buộc tội buôn người ở Bosnia. Hầu hết những kẻ bị buộc tội là người Bosnia, cũng như một số công dân Đức, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ.
Đích đến yêu thích
Trong tương lai, biên giới của Bosnia có thể trở nên dễ dàng xâm nhập hơn nữa, vì gần 1/3 trong số khoảng 1.800 cảnh sát biên phòng của nước này sẽ nghỉ hưu trong vòng 3 năm tới.
Mặc dù EU đã đề nghị giúp đỡ, nhưng các sĩ quan từ cơ quan biên phòng và bảo vệ bờ biển châu Âu Frontex vẫn chưa được triển khai đến Bosnia, một phần là do những bất đồng chính trị liên tục ở quốc gia vùng Balkan này.
Số lượng người di cư đi dọc theo tuyến đường Balkan đã giảm đáng kể so với mức đỉnh điểm vào năm 2015, chủ yếu là do an ninh biên giới được thắt chặt, xu hướng di cư thay đổi và sự hợp tác tốt hơn giữa các quốc gia trong và ngoài EU.
Theo dữ liệu từ Ủy ban Người tị nạn và Di cư Serbia, hơn 107.000 người di cư đã đi qua Serbia vào năm 2023. Theo ủy ban này, thời gian lưu trú trung bình của họ tại Serbia là 12 ngày.
Năm 2023, Bộ An ninh Bosnia ghi nhận khoảng 34.400 người di cư đi qua đất nước này. Và cho đến nay trong năm nay, đã có 16.778 người di cư được đăng ký cho đến ngày 18/8.
Trong số đó, có khoảng 14.400 người Afghanistan, 7.100 người Maroc (Morocco), 2.500 người Syria và khoảng 1.000 người từ Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh và Iran.
Rất ít người ở lại Bosnia trong thời gian dài, vì đích đến yêu thích của những người di cư là EU, nơi được cho là có cơ hội việc làm tốt hơn.
Người di cư chủ yếu vượt biên giới vào những tháng ấm hơn, nhiều người dành mùa đông tại 4 trung tâm tiếp nhận trên khắp Bosnia, nơi cung cấp khoảng 4.000 giường.
Dữ liệu chính thức từ Bosnia cho thấy chưa đến 1% người di cư nộp đơn xin tị nạn, với trung bình khoảng 150 đơn mỗi năm. Trong số những đơn đó, chỉ có khoảng 10% được chấp thuận.
Ngoài những rủi ro do môi trường và địa hình gây ra, người di cư còn đối mặt với nhiều vấn đề khác. Ví dụ, các sĩ quan tuần tra biên giới và cảnh sát bị cáo buộc là thường xuyên đánh đập và truy đuổi người di cư qua Balkan.
Tại biên giới Bosnia với Croatia, nhiều người di cư đã cáo buộc rằng cảnh sát Croatia đã đánh đập họ và tịch thu tiền, điện thoại di động và các vật dụng khác của họ. Chính quyền Croatia đã bác bỏ những cáo buộc như vậy.
Minh Đức (Theo RFE/RL, Euronews)
Hoặc