Bảo Anh (TP.HCM) sang Mỹ du học từ cấp 2. Vốn tiếng Anh của cậu bé thời điểm đó chỉ đủ để giao tiếp cơ bản, việc làm quen môi trường mới khá khó khăn. Tuy nhiên, khoảng một năm sau, đứa trẻ đã hoà nhập nhanh chóng. Em có thể tự tin nói chuyện với mọi người, theo kịp nội dung bài giảng của thầy cô ở trường. Có nhiều cơ hội để tiếp xúc và giao lưu với bạn bè quốc tế, trải nghiệm văn hóa mới, Bảo Anh cũng hào hứng, vui vẻ.
Ưu điểm của việc du học ở bậc trung học cơ sở là học sinh có thể có nền tảng tốt về học thuật và thuận lợi trong việc phát triển kỹ năng tiếng Anh, khi lên các cấp lớn hơn hay vào đại học, các em có thể đứng cùng vạch xuất phát như những học sinh bản xứ khác.
Chị Lê Thị An Hạ (TP.HCM), CEO & Founder Amazing Group - tổ chức tiên phong trong lĩnh vực cải cách giáo dục khai phóng - đồng tình rằng, việc du học sớm có không ít ưu điểm. Trong quá trình đồng hành cũng nhiều học sinh, chuyên gia này nhận thấy, những đứa trẻ đi du học sớm phát triển tính tự lập, tránh được những bỡ ngỡ và cú sốc văn hóa sau này. Các em cũng có định hướng nghề nghiệp tốt và xây dựng được bộ hồ sơ nổi bật, giúp tăng cơ hội được nhận vào các trường đại học lớn.
"Nhiều em ở nhà được cha mẹ bao bọc, không cho làm bất cứ việc gì, chỉ học và học. Thế nhưng, khi qua môi trường mới, các em tự lập hơn, có trách nhiệm hơn. Những khác biệt về môi trường sống, ngôn ngữ… là rào cản nhưng cũng giúp các du học sinh, đặc biệt là các bạn trẻ, trở nên độc lập hơn, hình thành những kĩ năng giải quyết vấn đề, nhanh nhạy hơn và đồng thời cũng hiểu rõ hơn về thế giới xung quanh, có cái nhìn rộng mở và khách quan hơn trong cuộc sống.
Với những đứa trẻ đi du học sớm, việc chuyển tiếp lên đại học khá suôn sẻ hơn nhiều so với những em tốt nghiệp Trung học phổ thông tại Việt Nam sau đó mới sang Mỹ du học", chị Hạ nói.
Độ tuổi du học không quan trọng bằng việc trang bị đủ kỹ năng
Dù vậy, nói về độ tuổi phù hợp để đi du học, chị Hạ cho rằng, quyết định đi du học vào thời điểm nào nên đến từ chính bản thân các em. Lứa tuổi phù hợp nhất nếu để con đi du học một mình, không có gia đình đi cùng, theo chị nên là sau khi hoàn thành chương trình lớp 9. Với giai đoạn cấp 2, trẻ không có người thân bên cạnh trong thời điểm quan trọng của phát triển tâm sinh lý có thể dẫn đến các vấn đề tinh thần tiêu cực.
Theo chuyên gia này, chị biết không ít trường hợp các em đột ngột bị "quẳng" sang một môi trường mới vì mong muốn của cha mẹ. Không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đứa trẻ bị "sốc" tâm lý, dẫn tới trầm cảm, lo chơi bỏ bê việc học.
"Tôi từng tiếp xúc với một em học sinh 15 tuổi trầm cảm nặng, tự làm đau bản thân hay có em khác "đổi tính", chơi bời khác hoàn toàn ở nhà khiến phụ huynh "sốc". Một em thậm chí còn kết thúc cuộc đời sau thời gian không hoà nhập ở nước ngoài, bị mất kết nối với gia đình, tạo ra những áp lực tiêu cực, không thể chia sẻ với ai", chị Hạ chia sẻ.
Con số về độ tuổi phù hợp để cho con đi du học cũng không mang tính tuyệt đối, quan trọng hơn, cha mẹ cần xem xét liệu con có hội tụ đủ những yếu tố để trở thành du học sinh hay không.
Con cần được chuẩn bị, rèn luyện để có được tâm sinh lý vững vàng, sự độc lập, chủ động được trong cuộc sống, có thể tự lo được cho bản thân từ những sinh hoạt đời thường cho tới chủ động trong việc kết nối, giao lưu với bạn bè, thầy cô, có ý chí, kiên định theo đuổi mục tiêu hay hiểu biết về nền nếp sinh hoạt, văn hóa ứng xử phù hợp với môi trường mới.…
Với các em khi học trong nước đã "không biết gì", hay ý thức học tập kém, khi đi du học quả thực rất đáng lo. Kể cả gia đình có điều kiện, nhưng thói quen lười tư duy và ỷ lại, khiến các em thực sự vất vả, khó khăn khi sống ở nơi đất khách quê người.
"Nhiều đứa trẻ thậm chí khi ra sân bay còn không biết trong hành lý mình có gì, bởi mọi thứ đều có cha mẹ lo. Không ít học trò của tôi ra nước ngoài không biết giặt đồ, không biết cách giao tiếp, xử lý các vấn đề phát sinh...
Nhiều du học sinh đã quen với kiểu học thầy cô giao gì làm đó, dạy gì nghe đó nên khi qua nước ngoài bị "choáng" vì cách học tự thân vận động... Thậm chí, có 1 học trò của tôi là sinh viên năm nhất còn không biết cách... qua đường.
Vì vậy, việc chuẩn bị cho con các kỹ năng từ chăm sóc cá nhân đến cách xử lý nếu bị bắt nạt, kỳ thị, cách để hoà nhập, phát triển kỹ năng học tập ở môi trường nước ngoài... là rất quan trọng", chị Hạ chia sẻ.
Rất ít phụ huynh cho con đi du học vì mong muốn của bản thân hơn là của con cái
Chuyên gia này cho rằng, khi cho con đi du học, nhiều phụ huynh không quan tâm đến mong muốn của con và gần như "ép" con phải theo định hướng của mình, khiến con lâm vào tình trạng bị đưa đi du học thay vì được đi, đi vì cha mẹ thay vì đi vì tương lai chính mình. Cũng đã có trường hợp, sau một thời gian du học, các em không thể nào thích nghi được đã phải "khăn gói quả mướp" trở về, bị ảnh hưởng khá lớn đến sức khoẻ tâm thần do cảm giác tự ti vì "thất bại".
Nhiều trường hợp cha mẹ xem việc đi du học là "vật phẩm" trang trí để khiến gia đình nở mày nở mặt. Trong khi, những đứa trẻ một mình ở nơi đất khách quê người loay hoay không biết tại sao mình ở đây, mình du học với mục đích gì.
Một khi đứa trẻ muốn thì sẽ luôn tìm cách. Và chỉ khi có khao khát được đi du học thì khi được học tập ở một môi trường mới, trẻ sẽ xem đó là cơ hội. Tóm lại, trong việc đi du học, vấn đề tạo động lực cho trẻ rất quan trọng. Trẻ nên đi du học với tâm thế sẵn sàng đón nhận tri thức, tư duy mới chứ không phải là đi để "cải tạo" bản thân hay làm đẹp mặt gia đình.
Cha mẹ cần định hướng cho con, có thể tham khảo thêm ý kiến chuyên gia. Tuy nhiên, điều cha mẹ cần làm là tôn trọng ý kiến của con và hướng dẫn con cách đưa ra lựa chọn đúng đắn. Hãy là một người dẫn đường, không phải là một quản lý.
Ngoài ra, cần giúp con hiểu rõ tính chất và những đòi hỏi về nghề nghiệp, ngành học mình muốn theo đuổi. Những thông tin được cung cấp này là nền tảng để con tự soi chiếu xem mình có thực sự yêu thích và phù hợp hay không.
Tạo "bước đệm" du học cho con
Mỗi đứa trẻ có một tính cách và định hướng riêng, không phải tất cả các con đều thích đi du học ngay khi được bố mẹ ngỏ ý. Một em học sinh mười mấy tuổi chưa bao giờ đặt chân ra nước ngoài, chưa bao giờ hình dung ra nước ngoài và cuộc sống ở nơi đó là cái gì, tại sao nó phải học hành ở đó và bắt đầu một đời sống gian khổ vì xa gia đình, thích nghi với nền văn hóa mới cũng như nỗ lực vươn lên... thì rất khó để có động lực khi du học.
Chị Hạ cho rằng, trẻ được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau càng sớm thì sẽ càng có sự tự tin hơn và khả năng thích nghi cao hơn. Vì vậy, nếu cha mẹ có ý định cho con đi du học, có thể cho con làm quen với môi trường quốc tế, có cơ hội cọ xát để chuẩn bị cho việc du học sau này bằng việc cho con đi trại hè hoặc du học ngắn hạn.
"Các trại sinh trại hè của tôi rất tự tin, biết cách tự chăm sóc bản thân, biết cách tìm hiểu thông tin, kết nối với mọi người, đi phương tiện công cộng... Các hoạt động như trại hè, du học ngắn hạn là "bước đệm" tốt cho con đi du học.
Đây vừa là cơ hội để con học tiếng Anh vừa đem đến trải nghiệm giúp các con trưởng thành. Từ việc tự quản lý thời gian, tự chăm sóc sinh hoạt bản thân, giải quyết vấn đề đến việc hòa nhập vào môi trường mới, các con sẽ học được nhiều kỹ năng quan trọng để phát triển và trưởng thành hơn khi du học tại một đất nước xa lạ", chị Hạ cho biết.
Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể cho con tham dự các hội thảo, triển lãm du học để con gặp gỡ các đại diện trường một cách tự nhiên, hẹn cho con một nhà tư vấn du học để con hiểu hơn về những mặt tích cực của việc đi du học.
Tuy nhiên, chị Hạ cũng lưu ý, khi cho con đi du học, việc kết nối thường xuyên với con là rất quan trọng. Trong đó, cha mẹ không chỉ hỏi han về học hành, điểm số mà còn là cảm xúc, suy nghĩ của con. Hãy sẵn sàng cho lời khuyên, tin tưởng và luôn động viên tinh thần cho con.
Cũng đừng bao giờ đè lên vai con gánh nặng phải "công thành danh toại mở mày mở mặt với thiên hạ" khi đi du học. Quan điểm "đi du học là giàu có, thành công" cũng vô tình tạo áp lực lớn cho con cái. Cha mẹ cần xác định, đi du học còn là vốn sống, văn hóa, tiếp cận nền văn minh. Đôi khi, thứ "lãi" nhất của cha mẹ khi cho con cái du học chính là những trải nghiệm mà không tiền bạc nào mua được.
Hoặc