Rối loạn nhịp tim là nhóm bệnh lý tim mạch phổ biến và nguy hiểm. Tuy nhiên không phải ai trong chúng ta cũng có đủ hiểu biết về nó.
Theo TS.BS Alain Patrice Lebon (Khoa Tim mạch và Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội): Ở trạng thái nghỉ ngơi người khoẻ mạnh có nhịp tim bình thường từ 60-100 lần/phút. Nếu tim đập dưới 60 lần/phút được xem là nhịp tim chậm, và trên 100 lần/phút là nhịp tim nhanh. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng nguy hiểm.
Những triệu chứng của rối loạn nhịp tim thường bao gồm: Hồi hộp, đánh trống ngực; Khó thở; Chóng mặt; Ngất xỉu; Đau tức ngực...
Nhịp tim nhanh hay nhịp tim chậm nguy hiểm hơn?
Theo TS.BS Alain Patrice Lebon: Xét về độ nguy hiểm, nhịp tim nhanh là nhóm bệnh lý rối loạn nhịp tim nguy hiểm hơn so với nhịp tim chậm. TS.BS Alain Lebon cho biết theo thống kê trên các trường hợp đột tử vì bệnh lý tim mạch nguy hiểm, 8/10 ca tử vong là do nhịp tim nhanh.
Khi tim đập nhanh, tim không đủ thời gian để lấy đủ máu về. Nếu tình trạng tim đập nhanh không được can thiệp sớm và điều trị, bệnh nhân có thể gặp biến chứng như: Ngất, suy tim, ngừng tim đột ngột. Trong các trường hợp rối loạn nhịp nhanh như rung thất, ngoại tâm thu thất, bệnh nhân có thể không qua khỏi nếu không được cấp cứu kịp thời.
Tim đập chậm không dẫn đến nguy cơ đột tử cao nhưng sẽ dần dần đe dọa sức khỏe người bệnh. Bệnh nhân nhịp tim chậm hay bị chóng mặt, ngất xỉu do tim không đẩy được máu, oxy tới não và các cơ quan. Theo thời gian, tình trạng tim đập chậm sẽ dẫn tới suy tim, một số ít trường hợp có thể tử vong.
Để chẩn đoán tình trạng nhịp tim nhanh hoặc nhịp tim chậm, bác sĩ sẽ phân tích từng trường hợp cụ thể. Ví dụ, nhịp tim nhanh nhưng không đi kèm các triệu chứng như hồi hộp, đánh trống ngực, mệt khi gắng sức… hoặc không thấy bất thường trên điện tâm đồ thì không cần điều trị. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân vận động các môn thể thao duy trì nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ nhẹ nhàng, bơi lội để từ từ giảm nhịp tim.
Ngược lại nhịp tim chậm không phải do bệnh lý có thể gặp ở người trẻ, vận động viên hoặc người cao tuổi trong trạng thái ngủ sâu.
Nếu nhịp tim của bạn lúc nhanh, lúc chậm khi đang nghỉ ngơi, đặc biệt là nếu có các triệu chứng hồi hộp, khó thở... tốt nhất bạn nên thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để xác định chính xác. Dựa trên tiền sử bệnh và triệu chứng hiện tại bác sĩ sẽ đưa ra các chỉ định phù hợp.
Dù là tim đập nhanh hay tim đập chậm, người bệnh vẫn cần phải thăm khám và theo dõi định kỳ. Đặc biệt, ở nhiều trường hợp, triệu chứng biểu hiện không rõ ràng, bệnh tiến triển âm thầm.
Làm sao để phòng tránh biến chứng nguy hiểm của rối loạn nhịp tim?
Cách tốt nhất để kiểm soát và phòng biến chứng nguy hiểm của rối loạn nhịp tim là khám sức khỏe định kì, theo dõi tình trạng tim mạch mỗi 6 tháng - 1 năm để phát hiện các nguy cơ tiềm tàng.
TS.BS Alain Patrice Lebon, điều trị nhịp tim chậm có thể bằng cách dùng thuốc hoặc máy tạo nhịp tim. Những phương pháp này nhằm hỗ trợ và khôi phục tần số tim cần thiết, hạn chế nguy cơ dẫn tới đột tử.
Điều trị nhịp tim nhanh đa dạng hơn bao gồm bằng thuốc chống loạn nhịp, liệu pháp phế vị, đốt điện, sốc chuyển nhịp. Trong một số trường hợp, các dụng cụ cấy vào cơ thể là cần thiết để chỉ định như máy pacemaker hoặc máy khử rung.
Hoặc