Những quân bài của Trung Quốc trong cuộc chiến thuế quan 2.0 với Mỹ

Admin

19/04/2025 08:12

Khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng, Bắc Kinh được cho là đang lên kế hoạch đáp trả không chỉ bằng biện pháp kinh tế mà cả ngoại giao và nhiều mặt trận khác.

thuong chien My - Trung anh 1

Khi Tổng thống Donald Trump bất ngờ tạm hoãn kế hoạch áp thuế khắt khe lên các đối tác thương mại toàn cầu, duy nhất một ngoại lệ được đưa ra: Trung Quốc.

Theo lý giải từ ông Trump, động thái này xuất phát từ việc Trung Quốc “thiếu tôn trọng các quy tắc thị trường toàn cầu”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân thực sự là phản ứng cứng rắn từ Bắc Kinh, khi nước này tỏ rõ quyết tâm đối đầu trực diện với chính sách thuế của Mỹ.

Trong khi nhiều quốc gia lựa chọn kiềm chế và ưu tiên đối thoại, thì Trung Quốc lại lập tức nâng mức thuế 125% lên hàng nhập khẩu Mỹ để trả đũa mức thuế lên đến 245% của Washington.

Theo nhận định của các chuyên gia, đây không còn là cuộc chiến của 7 năm trước. Hiện tại, Bắc Kinh nắm trong tay nhiều lợi thế hơn, cả về kinh tế lẫn chiến lược, và tin rằng có thể gây thiệt hại ngang bằng - thậm chí lớn hơn - cho nền kinh tế Mỹ, đồng thời củng cố vị thế toàn cầu của mình.

“Dù Trung Quốc hiểu rằng họ sẽ chịu tổn thất kinh tế nặng nề hơn về mặt tỷ lệ, nhưng các tính toán trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu cho thấy họ có khả năng tiếp tục giữ vững lập trường”, giáo sư Wendong Zhang từ Đại học Cornell nhận định.

Lá bài tâm lý và bài toán nội lực

Không thể phủ nhận rằng các mức thuế cao gây thiệt hại không nhỏ cho ngành sản xuất xuất khẩu của Trung Quốc, đặc biệt là tại các vùng duyên hải chuyên cung ứng đồ nội thất, quần áo, đồ chơi và thiết bị gia dụng cho thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, từ khi ông Trump khơi mào cuộc chiến thuế quan đầu tiên, cục diện kinh tế Trung Quốc đã có nhiều thay đổi khiến Bắc Kinh điều chỉnh đáng kể chiến lược của mình.

Nếu năm 2018, Mỹ chiếm tới 19,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc, thì đến năm 2023, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 12,8%. Đòn thuế mới từ Washington càng khiến Trung Quốc thúc đẩy nhanh hơn chiến lược “mở rộng nhu cầu nội địa”, khai thác sức mua của người tiêu dùng trong nước nhằm củng cố nền kinh tế tự chủ, theo Conversation.

Trái ngược với thời điểm bước vào cuộc chiến thương mại 1.0, hiện Trung Quốc đang đối mặt với giai đoạn tăng trưởng trì trệ: thị trường bất động sản lao đao, dòng vốn tháo chạy và xu hướng “tách rời” giữa phương Tây và Bắc Kinh.

Nhưng điều nghịch lý là, chính giai đoạn khó khăn này lại khiến nền kinh tế Trung Quốc trở nên cứng cáp hơn, vì các doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách đã quen dần với những cú sốc và thực tế khắc nghiệt.

Đáng chú ý, chính sách thuế mới của ông Trump có thể vô tình trao cho Bắc Kinh một "vật tế thần" lý tưởng - từ đó chuyển hướng sự bất mãn trong dân chúng về nền kinh tế trì trệ sang việc chỉ trích "sự gây hấn" từ Mỹ.

thuong chien My - Trung anh 2

Chính sách áp thuế của Mỹ trở thành "cái cớ" để người dân Trung Quốc đoàn kết và chuyển hướng sang ủng hộ chính phủ.

Theo giáo sư Jeanne Huang (Đại học Sydney), người dân Trung Quốc có xu hướng ủng hộ chính phủ mạnh mẽ hơn mỗi khi đất nước bị Mỹ “gây sự”.

“Nhiều người coi đây là cuộc chiến chính nghĩa để chống lại sự chèn ép của Mỹ”, bà nói.

Sự đồng thuận này giúp Bắc Kinh có thêm “sức bền” trong cuộc đối đầu dài hạn. Trái lại, các chính sách của ông Trump đang vấp phải sự chỉ trích gay gắt ngay trong nội bộ nước Mỹ, ABC News cho biết.

Quốc hội lưỡng đảng đã trình dự luật mới nhằm hạn chế quyền tự ý áp thuế của Tổng thống - một động thái cho thấy sự lo ngại trước khả năng Trump “tự tung tự tác” gây tổn hại cho nền kinh tế quốc gia.

Quân bài "lợi thế hệ thống"

Một lợi thế quan trọng của Trung Quốc là sự kiểm soát tuyệt đối của hệ thống chính trị. Ông Tập Cận Bình không phải đối mặt với sức ép bầu cử hay truyền thông độc lập như ông Trump.

Chính phủ Trung Quốc có thể triển khai các gói kích thích kinh tế một cách nhanh chóng và toàn diện, không cần phải thông qua Quốc hội hay chịu sự cản trở từ các đảng phái đối lập.

Việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc để đồng nhân dân tệ giảm nhẹ so với USD là một ví dụ, giúp xuất khẩu rẻ hơn mà không tạo tâm lý hoảng loạn trên thị trường tài chính. Đồng thời, các doanh nghiệp quốc doanh cũng được chỉ đạo mua vào cổ phiếu để ngăn tình trạng bán tháo vào ngày 7/4.

“Bắc Kinh hoàn toàn có thể kiểm soát tác động của các mức thuế mới. Chính phủ Trung Quốc có đủ công cụ để ổn định kinh tế. Họ sẽ sử dụng tất cả nguồn lực - từ ổn định thị trường chứng khoán đến kiểm soát dư luận - nhằm thể hiện sức chịu đựng trước áp lực từ Mỹ”, giáo sư Huang của đại học Sydney nhận định.

Át chủ bài “chuỗi cung ứng”

Bên cạnh đó, Trung Quốc hiểu rằng chuỗi cung ứng toàn cầu - đặc biệt là chuỗi cung ứng Mỹ - vẫn phụ thuộc sâu sắc vào linh kiện và nguyên liệu từ nước này. Caixin, một tờ báo tài chính tại Trung Quốc, cho biết trong năm 2024, Mỹ vẫn nhập khẩu tới 439 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, phần lớn là thiết bị điện tử.

Dù Mỹ đã cắt giảm nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc, nhưng phần lớn hàng hóa từ nước thứ ba vẫn có sự tham gia của nguyên liệu Trung Quốc.

Đặc biệt, Trung Quốc đang sở hữu "át chủ bài" đất hiếm, khi kiểm soát chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu - nguyên liệu then chốt cho ngành công nghiệp quốc phòng và công nghệ cao - và là nguồn cung tới 72% lượng đất hiếm Mỹ nhập khẩu, theo Guardian.

thuong chien My - Trung anh 3

Bắc Kinh đang kiểm soát xuất khẩu đất hiếm - kim loại được sử dụng phục vụ mục đích lưỡng dụng - vừa có ứng dụng dân sự, vừa có ứng dụng quân sự.

Hiện nay, Trung Quốc không chỉ kiểm soát hoạt động khai thác mà còn kiểm soát phần lớn năng lực tinh chế trên toàn cầu. Trong khi đó, theo dữ liệu từ công ty tư vấn Project Blue, Mỹ gần như ít có khả năng xử lý các kim loại này.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể nhắm đến các ngành xuất khẩu nông sản chủ lực của Mỹ như đậu tương và gia cầm - vốn tập trung tại các bang nghiêng về Đảng Cộng hòa và phụ thuộc nặng vào thị trường Trung Quốc.

Hiện, Bắc Kinh chiếm khoảng 50% lượng đậu tương xuất khẩu và gần 10% lượng gia cầm xuất khẩu của Mỹ. Và việc Bắc Kinh rút giấy phép đối với 3 nhà sản xuất đậu tương lớn của Mỹ như ngày 4/3 có thể gây ảnh hưởng lớn đến những “thành trị” quan trọng này của ông Trump.

Về công nghệ, nhiều tập đoàn lớn của Mỹ như Apple hay Tesla vẫn có dây chuyền sản xuất gắn chặt với Trung Quốc. Việc áp thuế có thể khiến lợi nhuận của các công ty này bị thu hẹp đáng kể – một đòn bẩy mà Bắc Kinh có thể tận dụng nhằm gây sức ép ngược trở lại chính quyền Trump.

Đặc biệt, mối quan hệ giữa Elon Musk - người thân cận với ông Trump và từng mâu thuẫn với cố vấn thương mại Peter Navarro về chính sách thuế - cùng với lợi ích kinh doanh lớn của Musk tại Trung Quốc có thể trở thành một "đòn bẩy nội bộ" mà Bắc Kinh có thể khai thác nhằm tạo ra bất đồng trong chính nội bộ Nhà Trắng.

Chiến thuật “cờ vây”

Thay vì trả đũa vội vã, Trung Quốc đang triển khai một chiến lược đa tầng, vừa mềm dẻo vừa cứng rắn.

Từ ngày 13-18/4, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có một chuyến thăm cấp nhà nước với một số nước Đông Nam Á. Song song với đó, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào cũng đang tích cực đối thoại với các đối tác EU và Chủ tịch luân phiên ASEAN để củng cố một “mặt trận thương mại đa phương” chống lại chính sách đơn phương của Washington.

thuong chien My - Trung anh 4

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim bắt tay sau khi chứng kiến lễ trao đổi thỏa thuận giữa hai nước, diễn ra tại dinh thự chính thức của Thủ tướng ở Putrajaya (Malaysia) ngày 16/4.

Trước đó ngày 30/3, ngay sau khi ông Trump nâng thuế với hàng hóa Trung Quốc - Bắc Kinh đã phối hợp với Nhật Bản và Hàn Quốc cũng tổ chức vòng đối thoại kinh tế ba bên đầu tiên sau 5 năm và cam kết thúc đẩy tiến trình ký kết hiệp định thương mại tự do ba bên.

Đại sứ Trung Quốc tại Australia cũng viết bài trên The Sydney Morning Herald, kêu gọi Canberra “chung tay bảo vệ hệ thống thương mại đa phương”.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đã tổ chức nhiều cuộc gặp với đại diện hơn 20 tập đoàn Mỹ, trong đó có Tesla, GE Healthcare và Medtronic, nhằm tái khẳng định cam kết mở cửa nền kinh tế.

Những cuốn sách để hiểu về Trung Quốc

Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về Trung Quốc - một trong những cường quốc châu Á và đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.

Độc giả có thể xem thêm tại đây.