Những quy định mới có hiệu lực từ tháng 5, người dân cần biết để tránh mất đi quyền lợi

Admin

02/05/2025 20:30

Quy chế tuyển dụng, nâng ngạch, xét hạng công chức, viên chức; chế độ công tác phí; giá quản lý dịch vụ chung cư ở Hà Nội... sẽ có hiệu lực từ tháng 5

Quy định mới về tuyển dụng, nâng ngạch, xét thăng hạng công chức

Thông tư số 001/2025 của Bộ Nội vụ ban hành nội quy và quy chế tuyển dụng, nâng ngạch, xét thăng hạng công chức, viên chức có hiệu lực từ 1/5, nêu rõ thí sinh tham gia tuyển dụng công chức, viên chức phải có mặt tại phòng thi đúng giờ quy định.

Thí sinh dự thi đến muộn sau thời điểm bắt đầu tính giờ làm bài thi, phần thi, môn thi (gọi tắt là bài thi) chỉ được dự thi trong các trường hợp sau: Không quá 5 phút đối với bài thi có thời gian thi tối đa 30 phút hoặc không quá 10 phút đối với bài thi có thời gian thi tối đa từ 60 phút trở lên; xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của pháp luật làm cho thí sinh không thể có mặt đúng giờ hoặc trong thời gian quy định.

Trưởng ban coi thi, trưởng ban phỏng vấn, trưởng ban kiểm tra sát hạch báo cáo chủ tịch hội đồng xem xét, quyết định việc thí sinh được dự thi đối với các trường hợp cụ thể.

Ngoài ra, theo quy định mới, thí sinh dự thi phải có trang phục gọn gàng, văn minh, lịch sự; xuất trình thẻ căn cước hoặc một trong các loại giấy tờ tùy thân hợp pháp khác có ảnh và thông tin cá nhân.

Thí sinh ngồi đúng vị trí theo số báo danh hoặc theo vị trí do hội đồng thi quy định; chỉ được mang vào phòng thi: thước kẻ, bút viết để làm bài thi; nước uống đựng trong bình chứa trong suốt không gắn tem mác hay có bất kỳ ký hiệu, ký tự nào; các loại giấy tờ, tài liệu theo yêu cầu của từng bài thi; một số loại thuốc mà thí sinh dự thi có bệnh án phải mang theo.

Không được mang vào phòng thi điện thoại di động, máy ghi âm, máy ảnh, máy vi tính, các phương tiện kỹ thuật thu, phát, truyền tin, phương tiện sao lưu dữ liệu, thiết bị chứa đựng, truyền tải thông tin khác, trừ trường hợp có quy định khác…

Thí sinh vi phạm nội quy, quy chế thi sẽ bị khiển trách, cảnh cáo, đình chỉ thi hoặc hủy kết quả thi…

Bộ trưởng đi công tác được thuê phòng nghỉ 4 triệu đồng/ngày

Có hiệu lực từ ngày 4/5, Thông tư 12/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 40/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.

Theo đó, lãnh đạo cấp bộ trưởng được thanh toán mức giá thuê phòng ngủ là 4 triệu đồng/ngày/phòng, tăng 1,5 triệu đồng so với mức cũ.

Thứ trưởng và các chức danh tương đương được chi trả tiền phòng 2 triệu đồng/ngày nếu đến công tác tại thành phố trực thuộc trung ương; 1,8 triệu đồng khi về các tỉnh. Mức này tăng 700.000-900.000 đồng so với hiện hành.

Lãnh đạo hưởng hệ số phụ cấp chức vụ 0,8-1,2 đi công tác tại thành phố trực thuộc trung ương được chi trả tiền phòng 1,2 triệu đồng/ngày; 800.000 đồng nếu đi các tỉnh còn lại.

Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đi công tác tại thành phố trực thuộc trung ương được chi trả tiền phòng 1,4 triệu đồng cho 2 người mỗi ngày và 1,1 triệu đồng khi đi địa phương khác.

Một số ngành đặc thù được cấp có thẩm quyền quy định chế độ khi đi công tác trên biển, đảo thì được chọn mức cao nhất về phụ cấp lưu trú hoặc chi bồi dưỡng để trả cho người đi công tác.

Giá dịch vụ quản lý chung cư ở Hà Nội tối đa 16.500 đồng/m²/tháng

UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 33/2025 về việc ban hành khung giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư trên địa bàn TP Hà Nội, có hiệu lực từ 1/5.

Quy định mới nêu rõ, khung giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư được quy định nhà chung cư không có thang máy có giá 700-5.000 đồng/m2/tháng; nhà chung cư có thang máy có giá tối thiểu là 1.200 đồng và tối đa là 16.500 đồng/m2/tháng. Trong khung giá này chưa bao gồm các khoản thu được từ kinh doanh dịch vụ cao cấp như tắm hơi, bể bơi, truyền hình cáp, Internet...

Khung giá trên chưa bao gồm các khoản thu từ hoạt động kinh doanh dịch vụ cao cấp như: Tắm hơi, bể bơi, truyền hình cáp, Internet, hoặc các dịch vụ cao cấp khác.

Những quy định mới có hiệu lực từ tháng 5, người dân cần biết để tránh mất đi quyền lợi- Ảnh 1.

Quyết định này không áp dụng đối với các trường hợp: Nhà chung cư cũ thuộc tài sản công nhưng chưa được cải tạo, xây dựng lại; nhà ở xã hội dành riêng cho học sinh, sinh viên và công nhân ở theo hình thức tập thể, nhiều người trong một phòng; các trường hợp đã thống nhất giá dịch vụ quản lý vận hành tại hội nghị nhà chung cư hoặc đã có thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng mua bán, thuê, thuê mua căn hộ hoặc phần sở hữu riêng khác trong nhà chung cư.

Chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành, ban quản trị nhà chung cư căn cứ phương pháp xác định giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư theo quy định tại Nghị định của Chính phủ để xây dựng giá (hoặc điều chỉnh giá) dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư.

Học sinh dân tộc thiểu số được hỗ trợ ăn ở gần 1,3 triệu đồng/tháng

Có hiệu lực từ ngày 1/5, Nghị định số 66/2025 của Chính phủ quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách.

Nghị định nêu rõ, học sinh bán trú, học viên bán trú được hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở, hỗ trợ gạo.

Cụ thể, về tiền ăn, mỗi học sinh, học viên được hỗ trợ 936.000 đồng/tháng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.

Về tiền nhà ở, mỗi học sinh bán trú, học viên bán trú phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí chỗ ở trong trường hoặc học sinh lớp 1, lớp 2, học sinh khuyết tật có nhu cầu tự túc chỗ ở gần trường để người thân chăm sóc thì được hỗ trợ 360.000 đồng/tháng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.

Ngoài ra, mỗi học sinh, học viên được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.

Đối với học sinh bán trú lớp 1 là người dân tộc thiểu số có học tiếng Việt trước khi vào học chương trình lớp 1 thì được hưởng thêm 1 tháng các chính sách quy định trên.

Nghị định của Chính phủ quy định học sinh dân tộc nội trú và học sinh dự bị đại học được hưởng học bổng chính sách, khen thưởng, trang cấp đồ dùng cá nhân và học phẩm, tiền tàu xe, hỗ trợ gạo.

Trong năm học, học sinh đạt danh hiệu "Học sinh Xuất sắc" được thưởng 800.000 đồng/học sinh; học sinh đạt danh hiệu "Học sinh Giỏi" được thưởng 600.000 đồng/học sinh.

Học sinh dân tộc nội trú ở mỗi cấp học và học sinh dự bị đại học được cấp một lần bằng hiện vật: Chăn, màn và các đồ dùng cá nhân khác với mức kinh phí là 1.080.000 đồng/học sinh. Mỗi năm học, học sinh được cấp 2 bộ quần áo đồng phục và học phẩm gồm: Vở, giấy, bút và các dụng cụ học tập khác với mức kinh phí là 1.080.000 đồng/học sinh.

Học sinh dân tộc nội trú được cấp tiền tàu xe 2 lần vào dịp Tết Nguyên đán và dịp nghỉ hè (cả lượt đi và lượt về) theo giá vé thông thường của phương tiện giao thông công cộng. Học sinh dự bị đại học và học sinh dân tộc nội trú cuối cấp chỉ được cấp tiền tàu xe một lần vào dịp Tết Nguyên đán (cả lượt đi và lượt về).

Mức hỗ trợ gạo của học sinh dân tộc nội trú và học sinh dự bị đại học cũng là 15kg/tháng và hưởng không quá 9 tháng/năm học.

Đối tượng áp dụng Nghị định số 66/2025 của Chính phủ gồm: Trẻ em nhà trẻ bán trú học tại cơ sở giáo dục mầm non; học sinh bán trú học tại cơ sở giáo dục phổ thông; học viên bán trú học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Học sinh dân tộc nội trú học tại cơ sở giáo dục phổ thông được cấp có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ giáo dục học sinh dân tộc nội trú, trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc, trường Hữu nghị 80, trường Hữu nghị T78; học sinh dự bị đại học học tại trường dự bị đại học, trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc.