Những vườn rau tại Bản Rào Tre

Admin

27/12/2024 05:30

Từ không biết trồng lúa, chăn nuôi, giờ đây, người dân tại bản Rào Tre đã biết chăm sóc, phát triển các vườn rau màu, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Những ngày cuối năm, bà Hồ Thị Lĩnh (trú tại bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) và nhiều bà con trong bản cùng nhau ra vườn, chăm sóc rau. Những luống rau xanh tốt, đang phục vụ bữa ăn hằng ngày cho bà con dân bản nơi đây.

Những vườn rau tại Bản Rào Tre- Ảnh 1.

Bà Lĩnh nói: "Tôi không biết năm nay mình bao nhiêu tuổi nhưng đã biết kỹ thuật trồng rau theo vụ cho gia đình ăn".

"Trước đây, tôi không biết trồng rau. Nay được cán bộ bày cho (hướng dẫn), tôi đã biết trồng, chăm sóc. Rau ăn ngon lắm", bà Lĩnh hồ hởi nói.

Chị Hồ Thị Nga (trú Bản Rào Tre) cho hay, nhà chị có 5 người. Từ khi tự trồng được rau, gia đình chị cải thiện được bữa ăn hơn.

"Cán bộ hướng dẫn chúng tôi trồng từng loại rau theo mùa nên lúc nào cũng có ăn. Giờ tôi đã biết bón phân, tưới rau theo từng thời vụ rồi", chị Nga nói.

Những vườn rau tại Bản Rào Tre- Ảnh 2.

Từ một người không biết trồng rau...

Những vườn rau tại Bản Rào Tre- Ảnh 3.

... nay chị Nga đã biết chăm sóc các loại rau ngắn ngày, phục vụ bữa cơm cho gia đình.

Cùng làm với bà con dân bản, ông Nguyễn Xuân Mẫn, Bí thư chi bộ Bản Rào Tre, cho hay, đây là một trong những mô hình vườn rau mẫu mà UBND xã Hương Liên triển khai cho bà con. Để giúp người dân bản biết kỹ thuật trồng rau, các cán bộ được cắt cử, thường xuyên xuống làm trực tiếp với bà con, hướng dẫn, cầm tay chỉ việc. Ngoài trồng rau, chính quyền địa phương còn hướng dẫn bà con sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, trồng cỏ nuôi bò, từng bước phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

"Chúng tôi hướng dẫn người dân kỹ thuật, trồng rau theo mùa vụ đủ để cung cấp cho gia đình. Rau được trồng theo mô hình vườn mẫu. Một vườn nhưng nhiều hộ cùng làm để học tập kinh nghiệm, kỹ thuật, từ đó nhân rộng ra", Bí thư chi bộ bản Rào Tre nói.

Những vườn rau tại Bản Rào Tre- Ảnh 4.

Cán bộ chính quyền phải xuống cầm tay chỉ việc cho người dân bản biết, làm theo.

Theo ông Nguyễn Sỹ Hùng, Chủ tịch UBND xã Hương Liên, mô hình vườn mẫu tại bản Rào Tre được chính quyền xã hỗ trợ giống, hàng rào thép gai và cọc bê tông. Hiện, bản đã làm được 2 vườn, bước đầu cho hiệu quả trong việc cải thiện bữa ăn hằng ngày cho bà con. Tiến tới, xã sẽ cho làm thêm từ 5 -7 vườn mẫu nữa.

"Mục tiêu của chúng tôi là để nâng cao chất lượng bữa ăn, chất lượng cuộc sống cho bà con. Tuy nhiên, việc trồng rau chỉ mới đáp ứng được nhu cầu hằng ngày. Trong kế hoạch, chính quyền xã đang nghiên cứu, đưa các loại cây có giá trị kinh tế lâu dài cho bà con trồng, chăm sóc để phát triển kinh tế bền vững", Chủ tịch UBND xã Hương Liên nói.

Năm 1991, trong quá trình tuần tra biên giới, tại khu rừng sâu phía Tây của dãy núi Giăng Màn, BĐBP Hà Tĩnh phát hiện tộc người Chứt. Ở nơi thâm sơn cùng cốc, tộc người này sống du canh, du cư trong rừng sâu, hang đá; cuộc sống chủ yếu dựa vào săn bắt, hái lượm. Sau nhiều nỗ lực vận động của chính quyền, BĐBP, tộc người này đã đồng ý ra khỏi rừng sâu về sinh sống tại bản Rào Tre từ đó cho đến nay. Họ được chính quyền, lực lượng BĐBP từng bước dạy chữ, trồng lúa nước, chăn nuôi, phát triển kinh tế.

Bạn đang đọc bài viết "Những vườn rau tại Bản Rào Tre" tại chuyên mục Phong cách sống.