“Suy giảm estrogen thường đi đôi với tuổi tác. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại có nhiều phụ nữ trẻ tuổi phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến suy kiệt estrogen. Điều quan trọng là không phải ai cũng biết rằng thiếu hụt hormone này ngoài đẩy nhanh lão hóa còn kéo theo nhiều vấn đề sức khỏe khác. Từ sinh sản, xương khớp, bệnh phụ khoa cho tới tim mạch” - bác sĩ Xu Hao, Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Huy (Trung Quốc) chia sẻ.
Trong số các bệnh nhân gần đây của ông, có một cô gái họ Trần mới 30 tuổi nhưng phàn nàn rằng mình giống như trải qua thời kỳ mãn kinh. Bởi vì cô thường xuyên bị bốc hỏa, kinh nguyệt “thoát ẩn thoát hiện”, rất khó kiểm soát cảm xúc. Cuối cùng, khi đi khám cô phát hiện mình bị rối loạn nội tiết - cụ thể là thiếu estrogen trầm trọng. Sau gần nửa năm điều trị kết hợp thay đổi lối sống, hiện nay tình trạng của cô đã khá lên rất nhiều.
Thông qua trường hợp của cô Trần, bác sĩ Xu nhắc nhở chị em phụ nữ hãy quan tâm hơn tới sức khỏe từ khi còn trẻ. Không chủ quan trước những rối loạn dù nhỏ nhưng lặp đi lặp lại thời gian dài. Đặc biệt, ông cũng đưa ra 5 chỉ dẫn để phát hiện cơ thể đang “cạn kiệt” estrogen sau đây:
1. Rối loạn kinh nguyệt
Suy giảm estrogen có thể gây ra những thay đổi đáng kể trong chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, như chu kỳ ngắn hơn hoặc không đều, và giảm lượng máu trong kỳ kinh. Khi nồng độ estrogen thấp, nội mạc tử cung mỏng đi, dẫn đến những biến đổi này.
Phụ nữ cũng có thể trải qua cảm giác khó chịu như đau bụng kinh và các triệu chứng khác liên quan đến sự dao động hormone. Nếu nhận thấy những thay đổi này, việc đi khám bác sĩ là rất quan trọng để đánh giá và điều trị kịp thời.
2. Tính khí thất thường
Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của việc suy giảm estrogen là sự thay đổi tâm trạng. Nhiều người thường nghĩ rằng chỉ những phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh mới trải qua cảm xúc thất thường. Thực tế, sự dao động trong nồng độ estrogen có thể khiến phụ nữ trẻ cảm thấy khó chịu, cáu kỉnh hơn và tâm trạng thay đổi lên xuống liên tục không vì lý do gì.
Nguyên nhân là do hormone estrogen đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh cảm xúc và hành vi. Estrogen ảnh hưởng đến các neurotransmitter trong não như serotonin và dopamine, giúp duy trì tâm trạng ổn định.
3. Ngoại hình thay đổi
Một trong những tác động rõ rệt nhất của việc giảm estrogen là sự thay đổi trên làn da. Thiếu hụt hormone này có thể làm giảm độ đàn hồi, dẫn đến da khô, nhăn nheo, và xuất hiện các vết nám.
Đồng thời, phụ nữ thường gặp phải tình trạng tăng cân khi lượng estrogen giảm. Hormone này đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát quá trình chuyển hóa chất béo. Khi estrogen suy giảm, cơ thể dễ dàng tích tụ mỡ, đặc biệt là ở vùng bụng và mông. Đây là lý do mà nhiều phụ nữ trẻ cảm thấy khó khăn trong việc duy trì cân nặng hợp lý.
4. Xương yếu đi rõ rệt
Sự suy giảm estrogen có thể dẫn đến xương yếu hơn và gây ra tình trạng loãng xương - một vấn đề thường thấy ở phụ nữ lớn tuổi.
Lý do là estrogen giúp duy trì mật độ xương, và khi hormone này giảm, nguy cơ gãy xương và các vấn đề liên quan đến xương tăng lên. Nhiều phụ nữ trẻ có thể gặp phải triệu chứng đau lưng dưới hoặc co giật bắp chân ngay cả khi không phải làm việc nặng hoặc đã chăm tập thể dục thể thao. Đây là dấu hiệu của tình trạng này.
5. Rối loạn giấc ngủ
Suy giảm estrogen có thể gây rối loạn giấc ngủ do hormone này ảnh hưởng đến chu kỳ giấc ngủ và các neurotransmitter như serotonin và GABA, giúp tạo cảm giác thư giãn. Khi nồng độ estrogen thấp, phụ nữ thường gặp khó khăn trong việc duy trì giấc ngủ, dễ bị mất ngủ hoặc giấc ngủ không sâu, dẫn đến cảm giác mệt mỏi ban ngày.
Bên cạnh đó, các cơn bốc hỏa thường xảy ra do giảm estrogen gây gián đoạn giấc ngủ bằng cách khiến phụ nữ tỉnh dậy bất ngờ giữa đêm.
Bác sĩ Xu Hao nhắc nhở: “ Để cải thiện tình trạng suy giảm estrogen, chị em có thể bổ sung đúng cách qua ăn uống và điều chỉnh lối sống. Tuy nhiên vẫn nên đi thăm khám hoặc ít nhất là tham khảo ý kiến từ chuyên gia dinh dưỡng khi bổ sung estrogen để tránh tác dụng phụ”.
Nguồn và ảnh: The Paper, Top Beauty
Hoặc